Khi nào con nuôi được thừa kế di sản của cha mẹ nuôi?

Thời gian qua, Báo PLVN nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc băn khoăn về vấn đề thừa kế theo pháp luật: Khi nào áp dụng thừa kế theo pháp luật? Thừa kế thế vị là gì? Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có được hưởng di sản thừa kế của nhau không? Tư vấn của Luật sư Lê Ngọc Hà (Cty Luật Đa Phúc, Đoàn Luật sư Hà Nội) sẽ cung cấp thông tin hữu ích về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật dân sự quy định.

Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: a) Không có di chúc; b) Di chúc không hợp pháp; c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Liên quan đến thừa kế thế vị, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế thế vị là việc một hoặc nhiều người cùng hàng thừa kế đương nhiên được thay thế quyền được hưởng phần di sản thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản do người để lại di sản chết trước hoặc cùng với thời điểm chết của người cùng huyết thống theo trình tự: con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Lê Ngọc Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-van-365/khi-nao-con-nuoi-duoc-thua-ke-di-san-cua-cha-me-nuoi-445646.html