Khi mức định giá bị thổi phồng, kỳ lân khởi nghiệp xuất hiện nhan nhản

Kỳ lân khởi nghiệp (unicorn start-up), một thuật ngữ ám chỉ những công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên), từng rất hiếm hoi nhưng giờ đây, bất cứ công ty non trẻ nào huy động được vài trăm triệu đô la Mỹ đều có thể tự gọi mình với danh xưng này, theo South China Morning Post.

Kỳ lân khởi nghiệp xuất hiện nhan nhản ở Trung Quốc khi mức định giá dễ dàng bị thổi phồng. Ảnh: techstartups.com

“Kỳ lân khởi nghiệp”: không còn đúng như ý nghĩa ban đầu

Theo truyền thuyết, kỳ lân là những sinh vật tuyệt đẹp và rất quí hiếm. Do vậy, cách đây 5 năm, Aileen Lee, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Cowboy Ventures ở Thung lũng Silicon, dùng thuật ngữ “kỳ lân khởi nghiệp” để ám chỉ đến những start-up có giá trị tỉ đô trở lên và đó là một tên gọi hoàn hảo cho đến gần đây.

Ngày nay, các start-up không cần phải thu hút nhiều tiền đầu tư để có thể tự định giá 1 tỉ đô. Nhiều trường hợp chỉ huy động được 200 triệu đô đã khoác cho mình danh xưng kỳ lân khởi nghiệp. Cũng không nhất thiết phải là một công ty công nghệ đang tạo ra sự thay đổi lớn hoặc có lợi thế dẫn đầu để được gọi là “unicorn”. Nhiều kỳ lân khởi nghiệp, đặc biệt ở Trung Quốc, chỉ là các các nền tảng ứng dụng di động phục vụ các hoạt động kinh doanh đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ.

Báo cáo Phát triển doanh nghiệp kỳ lân Trung Quốc 2017 liệt kê 164 kỳ lân khởi nghiệp Trung Quốc với tổng trị giá 628 tỉ đô, so với 132 kỳ lân khởi nghiệp Mỹ với tổng trị giá hơn 700 tỉ đô.

Ai quyết định mức định giá của một kỳ lân khởi nghiệp? Hóa ra, không ai khác chính các nhà đầu tư. Công ty môi giới chứng khoán trực tuyến Tiger Brokers (Trung Quốc) cho biết các nhà đầu tư đã góp 80 triệu đô trong vòng gọi vốn vào tháng trước với mức định giá công ty này ở mức 1,06 tỉ đô la Mỹ. Tiger Brokers tự gọi mình là kỳ lân khởi nghiệp dù thị trường chứng khoán Hồng Kông rơi xuống mức thấp nhất trong 10 tháng vào tuần trước, trong khi đó thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm về mức thấp nhất trong 4 năm.

Một nghiên cứu về 135 kỳ lân khởi nghiệp của Mỹ công bố vào cuối năm ngoái cho thấy chúng được định giá cao hơn 48% so với mức định giá công bằng. Cuộc nghiên cứu này, do chuyên gia ở Đại học Stanford (Mỹ) và Đại học British Columbia (Canada) thực hiện, cho thấy gần phân nửa số kỳ lân trên đáng lẽ ra phải được định giá ở mức dưới 1 tỉ đô.

Chuỗi cửa hàng cà phê Luckin Coffee (Trung Quốc) là một trong những start-up mới nhất tự ghi danh mình vào câu lạc bộ kỳ lân khởi nghiệp. Ảnh: Reuters

Nâng mức định giá dựa vào lợi thế thị trường khổng lồ

Một trong những lý do giải thích cho các mức định giá quá mức là các điều kiện ràng buộc của nhà đầu tư. Chẳng hạn, khoảng 15% các kỳ lân khởi nghiệp bảo đảm mức lợi nhuận từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu từ công chúng (IPO) trong tương lai để chào mời các nhà đầu tư. Có những công ty khởi nghiệp cam kết lợi nhuận từ IPO gấp bốn lần so với khoản đầu tư ban đầu.

Tại Trung Quốc, có ít các nghiên cứu về mức định giá công bằng của các kỳ lân khởi nghiệp nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm nói chung đều thừa nhận rằng các mức định giá kỳ lân khởi nghiệp hiện nay ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ.

Điều này thường được giải thích bằng tốc độ tăng trưởng nhanh hơn của Trung Quốc và lực lượng dân số khổng lồ 1,4 tỉ người dù chỉ có 55% dân số Trung Quốc tiếp cận Internet. Khi dữ liệu được ví như “mỏ dầu thô mới”, các kỳ lân khởi nghiệp Trung Quốc cũng tự quảng bá rằng họ đang nắm giữ trong tay khối lượng dữ liệu khổng lồ có giá trị cao về thói quen mua sắm của khách hàng, dù trong dài hạn, người tiêu dùng có thể không sẵn sàng trao đổi dữ liệu cá nhân để đổi lấy những sản phẩm miễn phí và giảm giá.

Lập luận về lợi thế “thị trường khổng lồ” để nâng mức định giá cho các start-up giờ đây không xác đáng trong một số trường hợp. Chuỗi cửa hàng cà phê Luckin Coffee (Trung Quốc) cam kết giao cà phê trong vòng 20 phút, tự xếp mình vào hàng ngũ kỳ lân khởi nghiệp sau khi huy động được 200 triệu đô vào tháng trước dù các con số khảo sát cho thấy trung bình người Trung Quốc chỉ uống 4,5 ly cà phê mỗi năm so với con số 269 ly cà phê của người Mỹ.

Luckin Coffee cho biết mức định giá này được ban lãnh đạo công ty và các nhà đầu tư đồng ý. “Chúng tôi có thể chứng minh sức khỏe công ty bằng kết quả kinh doanh trong tương lai”, người phát ngôn của Luckin Coffee, nói

Một trong những nhóm kỳ lân khởi nghiệp tận dụng lợi thế dân số hơn 1 tỉ người của Trung Quốc để huy động vốn đầu tư là các công ty kinh doanh dịch vụ xe đạp dùng chung.

Hàng chục start-up xe đạp dùng chung ra đời cách đây hai năm và sau khi "nướng" sạch hàng tỉ đô la để đầu tư, những gì còn lại của họ là đống phế liệu (theo đúng nghĩa đen) của hàng trăm ngàn xe đạp bị vứt chỏng chơ trên các đường phố, dưới sông. Hiện nay, có ba start-up xe đạp dùng chung chiếm hơn 90% thị phần tại Trung Quốc. Dù đã huy động được hàng tỉ đô, chưa có bất kỳ start-up xe đạp dùng chung nào kinh doanh có lợi nhuận.

Al và blockchain giúp “thổi” mức định giá

Trí tuệ nhân tạo (AI), mà chính xác nên được mô tả như công nghệ học sâu (machine learning) ở giai đoạn này, đã được nhiều start-up tận dụng để nâng mức định giá.

Tại Triển lãm hàng tiêu dùng điện tử tiêu dùng quốc tế 2017 (CES 2017) ở Las Vegas, Mỹ, công ty UBTech Robotics (Trung Quốc) được mô tả là một công ty robot thông minh có hình dạng giống người. Một năm sau đó, công ty tự gọi là “công ty robot và AI”. Bốn tháng sau đó nữa, UBTech khoe thực hiện thành công “vòng gọi vốn lớn nhất với tư cách là một công ty AI” sau khi huy động được 820 triệu đô với mức định giá công ty ở 5 tỉ đô.
Rốt cục, giá trị thật của một kỳ lân khởi nghiệp chỉ được xác định khi nó được bán qua IPO hay cho một người mua bên thứ ba.

Hãng smartphone Xiaomi (Trung Quốc), nắm giữ danh hiệu kỳ lân khởi nghiệp giá trị nhất thế giới cách đây vài năm. Hãng này đã tiến hành IPO tại Hồng Kông vào tháng trước và được định giá 47 tỉ đô, thấp hơn nhiều con số 100 tỉ đô mà hãng này kỳ vọng.

Vào cuối thập niên 1990 khi các doanh nghiệp, kinh doanh từ thú cưng cho đến giao thực phẩm, thêm đuôi chấm “.com” vào cuối tên công ty, mức định giá của họ tăng vùn vụt. Tuy nhiên, khi những công ty dot.com này niêm yết, các nhà đầu tư lo ngại mức định giá quá cao, bắt đầu bán tháo cổ phiếu của họ dẫn đến bong bóng dot.com phát nổ.

Có một thuật ngữ đang gây sức hút trên thị trường công nghệ: đó là công nghệ blockchain (chuỗi khối). Số lượng các công ty Trung Quốc sử dụng từ “blockchain trong tên của họ đã tăng vọt trong bảy tháng đầu năm nay với 4.000 công ty, gấp sáu lần so với cả năm trước đó. Để so sánh, Mỹ chỉ có 817 công ty blockchain, bằng 1/5 so với ở Trung Quốc. Trong quí 1, 41% start-up ở Trung Quốc nhận được vốn đầu tư là các công ty có liên quan đến công nghệ blockchain.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276790/khi-muc-dinh-gia-bi-thoi-phong-ky-lan-khoi-nghiep-xuat-hien-nhan-nhan.html