Khi một phản biện khoa học được Thủ tướng lắng nghe

Phản biện của Giáo sư, Tiến sĩ VŨ TRỌNG HỒNG, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, về ' Dự án giao thông thủy lộ xuyên Á ' Hai chúng tôi cùng học sinh Trường Hùng Vương niên khóa 1953-1954 .Cùng lớp 9 nhưng anh 9A, tôi 9B . Đang học 9A, anh phải chuyển lên Trường Tân Trào, Tuyên Quang, để gần gia đình. Họp lớp năm nay -13/4- anh ngồi bên tôi . Tôi ấn tượng với anh từ lần họp trước , khi nghe anh kể chuyện đã phản biện khoa học về ' Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO'.

Ngồi cạnh anh , tôi sực nhớ ,tỷ tê hỏi lại anh . Sực nhớ , bởi tôi đang bức xúc trước cái tin đâu như Ông Bộ trưởng Giao thông- Vận tải đã đánh tiếng để nhà thầu nọ làm Đường cao tốc Bắc - Nam. Hơn lúc nào hết cần tiếng nói phản biện, nhất là tiếng nói của các nhà khoa học , đến được những người lãnh đạo đất nước.

Sông Hồng nhìn từ trên cao chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai. Nguồn: Internet

Hôm nay tôi được nghe anh nói kỹ hơn về quy mô dự án này như xây dựng 6 đập dâng nước và âu tầu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 288km, kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ, với ý nghĩa "đẹp" là phát huy tiềm năng cơ sở hạ tầng. Trên lĩnh vực giao thông đường thủy là có thể xuyên quốc gia ngay cả những tháng kiệt nhất, bằng những âu thuyền ; làm thủy điện để tạo thêm nguồn điện cho lưới điện quốc gia.

"Rằng hay thì thật là hay " , chả thế mà có những 7 Bộ , Ngành "giơ tay " biểu quyết đưa Dự án trình Thủ tướng phê duyệt!. Nguyên là Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, GS tiến sĩ Vũ Trọng Hồng , tuy đã nghỉ hưu nhưng với kiến thức khoa học cộng với trải nghiệm thực tiễn vật lộn với sông nước bao năm trời, anh tâm huyết nghiên cứu sâu sắc Dự án và thấy nổi cộm một số vấn đề, khiến không thể yên tâm được. Trăn trở đến mất ăn mất ngủ , anh công phu sưu tầm những chứng cứ khoa học, tỉ mỷ tập hợp số liệu thống kê và nung nấu những lập luận phản biện Dự án.

Từ luận cứ khoa học , anh khẳng định rằng khai thác được nguồn lợi thủy điện từ Sông Hồng không đáng kể .

Tạo nguồn nước cho hạ lưu ư? Dự án này chủ yếu hoạt động vào mùa khô, như vậy sông Hồng vốn đã cạn nay lại bị thiếu nước, bởi mỗi lần âu tầu hoạt động thì cửa van của thủy điện, cửa van của âu tầu phải đóng lại. Quy trình đó được lặp đi lặp lại cho hết 6 bậc thang thì hạ lưu sẽ mất đi lượng dòng chảy tương ứng với thời gian đó.

Anh băn khoăn có gì không thật sáng tỏ? Nếu nạo vét hơn 280 km lòng Sông Hồng có thể khai thác được cát, thậm chí cả vàng, nhưng sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường: lòng dẫn sông Hồng sẽ bị tụt xuống, và mực nước ngầm của đồng bằng sông Hồng sẽ bị hạ thấp. Hậu quả là vùng đồng bằng bị tụt xuống, kéo theo nước biển xâm nhập vào sâu hơn. Cả vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, những cánh đồng "bờ sôi giếng mật " ở Nam Định , Thái Bình sẽ bị nhiễm mặn.Anh có đầy đủ căn cứ khoa học để phản bác dự án này . ..

Về " Dự án giao thông thủy xuyên Á ", GS TS Vũ Trọng Hồng cho biết, chỉ trong thời gian khoảng nửa tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng. Điều đó có nghĩa dự án trên phải chờ quy hoạch được duyệt mới được xem xétGS TS Vũ Trọng Hồng cho biết thêm, cũng thời điềm này, sau ý kiến phản biện khoa học của anh đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ, Báo Nông Thôn Ngày Nay đã đăng bài “ Dập tắt hy vọng làm giàu của nông dân”, trong đó có nêu ý kiến của anh về dự án này “Điều sâu xa nhất, mà ít người nghĩ được, về hậu quả của dự án đối với nông dân và nông thôn, chính là dập tắt những hy vọng vươn lên làm giàu của người nông dân”.

Trong câu chuyện thân tình, anh cho biết “ Nếu dự án đường thủy xuyên Á được phê duyệt, sau khi nạo vét hơn 280km, thu được nguồn lợi rồi, người ta có thể đem bán dự án và nhiều khả năng một tập đoàn kinh tế nước ngoài nào đó sẽ mua, và như thế sẽ nắm được nguồn nước của sông Hồng? “

Liên tưởng tới suy nghĩ của Giáo sư TS Hồng, tôi mong được Thủ tướng cân nhắc về Dự án đường cao tốc Bắc- Nam. Nếu nhà thầu không tốt thắng thầu sẽ gây bức xúc trong người dân, bởi đây là đường bộ huyết mạch của cả nước, cũng giống như sông Hồng là nguồn sống của đồng bằng Bắc Bộ. Một công trình huyết mạch đất nước, cần lắng nghe những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và nhất là trưng cầu ý dân. Đến cái loa phường Hà Nội còn hỏi dân nên để hay bỏ nữa là một công trình lớn có tầm cỡ quốc gia về phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng !&Vũ Trọng Hồng ơi! Hôm họp lớp mình tâm đắc câu thơ ngẫu hứng của Vương Hùng, ý rằng thời chúng mình Kháng chiến chống Pháp gian khổ. Đêm đêm ngồi học dưới ánh đèn dầu giọc vậy mà nên người có TRÍ, có ĐỨC. Chúng mình tự hào đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước qua hai cuộc chiến tranh , xứng đáng công lao dạy dỗ của mẹ cha, thầy cô giáo. Câu chuyện cậu kể hôm nay sâu sắc thêm cảm nghĩ hôm qua của mình ; thêm ấm lòng tình bạn , tình đồng môn Hồng ạ!

Nguyễn Văn Trường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khi-mot-phan-bien-khoa-hoc-duoc-thu-tuong-lang-nghe-68605