Khi môi trường sống 'giãy giụa' trên sân khấu

VH- Đầy những trăn trở và phê phán trực diện vào các vấn đề bức xúc về môi trường trong đời sống hiện nay mà 24 đoàn mang đến Hội thi sân khấu kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc năm 2018 về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (gọi tắt Hội thi) tổ chức tại tỉnh Quảng Nam khép lại cũng chính là những thông điệp mà Hội thi mong muốn được lan tỏa đến cộng đồng.

Các tác phẩm kịch ngắn, kịch vui sân khấu với nhiều hình thức thể hiện sáng tạo, độc đáo được gần 600 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của các Đội tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa 24 tỉnh, thành phố trong cả nước mang đến Hội thi xoay quanh nội dung phê phán các vấn đề “nóng” về môi trường hiện nay như môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng ven đô; môi trường biển, các hành vi phản cảm tại các lễ hội, môi trường du lịch,…

Trao giải các tiết mục xuất sắc

“Nóng” từ đời thực đến sân khấu

Với nhiều hình thức thể hiện đặc sắc, mang đậm dấu ấn nghệ thuật đặc trưng của từng địa phương, vùng miền như bài chòi, kịch nói, cải lương, dân ca, chèo,… các đoàn tham gia đã làm “nóng” sân khấu Hội thi khi chia sẻ những trăn trở, bức xúc và gửi gắm những thông điệp về vấn đề môi trường sống hiện nay bằng những cách chuyển tải độc đáo, không trùng lắp.

NSƯT Nguyễn Thị Lan Hương, Giám khảo Hội thi nhận xét, các đoàn đã tận dụng khá hiệu quả các thế mạnh về nghệ thuật truyền thống của địa phương. Chẳng hạn các đoàn ở phía Bắc thường chọn thể loại kịch nói, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ chọn đờn ca tài tử làm điểm nhấn thể hiện chính, các đoàn miền Trung chọn dân ca, bài chòi... Từ nội dung kịch bản, hình thức thể hiện, trang phục sân khấu,… đều thể hiện sự chuẩn bị, đầu tư chu đáo, công phu và các đoàn đã lồng ghép khéo léo, chuyển tải sinh động bằng các hình thức biểu diễn nghệ thuật khác nhau về những vấn đề bức xúc, nóng bỏng mà môi trường sống đang gặp phải cùng với những thông điệp tuyên truyền sâu sắc.

Hội thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND Quảng Nam tổ chức vừa khép lại vào cuối tuần qua tại tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của 24 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 10 Huy chương Vàng và 14 Huy chương Bạc vở diễn; 31 Huy chương Vàng và 48 Huy chương Bạc diễn viên, 2 kịch bản xuất sắc và 1 đạo diễn xuất sắc.

Những vấn đề về môi trường mà 24 đoàn mang đến cũng chính là các bức xúc mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang đối diện hằng ngày. “Theo dõi những tác phẩm dự thi, người xem nhiều lúc giật mình tự hỏi đó có phải là chuyện của xóm mình, của vùng đất mình nó vì rất thật. Bức xúc về vấn đề môi trường trong đời sống và khi lên sân khấu cùng với sự hóa thân của các diễn viên cũng rất chân thật nên xem kịch mà như đang dự một buổi họp làng, họp xóm, như đang nghe kể chuyện mà mình đã trải qua. Giá như các công ty, doanh nghiệp đang có những hành vi hủy hoại môi trường được xem…”, chị Trần Ánh Ly, một khán giả ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) chia sẻ.

Đoàn nghệ thuật quần chúng TP.Hồ Chí Minh với kịch ngắn “Chảy về đâu”- một trong 10 vở diễn đoạt HCV của Hội thi- biểu diễn phục vụ nhân dân tại TP Hội An

Bà Dương Thị Thanh Vị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Phước cho biết, câu chuyện về công tác bảo vệ môi trường mà các đoàn phản ánh không chỉ là câu chuyện của một tỉnh, thành phố mà là sự bức xúc, trăn trở của rất nhiều nơi trên toàn quốc. Qua đó cùng chuyển tải những thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường, đánh thức tinh thần tự giác giữ gìn không gian sống của mình, cảnh quan đường làng, ngõ phố... từ những việc làm cụ thể, nhỏ nhất. Và xa hơn nữa là bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch bằng những mục tiêu, hành động cụ thể.

Vở kịch ngắn Chảy về đâu của đoàn nghệ thuật quần chúng TP Hồ Chí Minh, một trong 10 vở diễn đoạt huy chương vàng của Hội thi, được xây dựng dựa trên những câu chuyện đau lòng về tình trạng sạt lở đất khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long, nạn hút cát trộm lòng sông ở miền Trung. Diễn viên Chánh Thuận của đoàn TP Hồ Chí Minh nói, “thông qua nghệ thuật, chúng tôi muốn chuyển tải những câu chuyện đau lòng, những hệ lụy như sạt lở đất, ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhà cửa..., qua đó lên án việc khai thác, hút trộm cát trái phép đang rất “nóng” ở nhiều tỉnh, thành”.

Thông qua Hội thi các đoàn đã mang đến những tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là cách thức tuyên truyền về giữ gìn môi trường sống rất sinh động, hiệu quả. (Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL)

Học làm “công tác tuyên truyền” bằng nghệ thuật

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, bằng tài năng, tâm huyết và niềm đam mê của mình, các diễn viên đã đem đến cho khán giả những ấn tượng sâu sắc với những vở diễn đặc sắc, hấp dẫn. Đây cũng là dịp để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo. Đồng thời tạo điều kiện phát hiện và biểu dương những tài năng cho loại hình nghệ thuật quần chúng, hoạt động sân khấu kịch không chuyên, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Và quan trọng hơn, thông qua Hội thi các đoàn đã mang đến những tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là cách thức tuyên truyền về giữ gìn môi trường sống rất sinh động, hiệu quả.

Một tiết mục tham gia Hội thi

Thông qua các vở kịch ngắn, tiểu phẩm cũng cổ vũ, biểu dương các phong trào, cá nhân, tập thể, các mô hình điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, Hội thi là cơ hội rất quý giá để Quảng Nam nói riêng, cũng như các đoàn ở các địa phương khác về tham dự cùng học hỏi, trao đổi về các hoạt động văn hóa cơ sở. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường được các truyền tải sinh động, sáng tạo với nhiều hình thức sẽ trở nên gần gũi, mềm mại. Thông qua đó, các đội tuyên truyền lưu động, các địa phương cũng học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay cho địa phương mình.

Đêm biểu diễn tại TP Hội An của các đoàn TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu và Bắc Giang thu hút khá đông người dân đến xem. Sau khi theo dõi hết 6 tiết mục của các đoàn với các thể loại kịch vui, kịch ngắn, ca múa nhạc chủ đề bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Văn Quý, một khán giả Hội An cho biết, anh làm ở ngành văn hóa, thường tham gia các chương trình tuyên truyền về những chủ đề tương tự cho người dân ở địa phương nên đến xem để học hỏi thêm.

“Những vấn đề như thế này, nếu không biết cách tuyên truyền thì dễ trở nên khô khan, không tác động hiệu quả đến cộng đồng. Qua các tiết mục đã xem, tôi học thêm được nhiều kinh nghiệm để công tác tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trở nên sinh động, dễ hiểu, mang đến hiệu ứng tích cực, tác động đến nhận thức của người dân”, anh Quý chia sẻ. Ý nghĩa tuyên truyền của hội thi rất đáng được hoan nghênh và cần được lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng dân cư.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/khi-moi-truong-song-giay-giua-tren-san-khau