Khi mang thai bị xem là phạm pháp kéo theo những tội ác kinh hoàng

Tại một làng quê nọ áp dụng chính sách chỉ được đẻ một con, ai mang thai thứ hai được coi là 'phi pháp', lập tức bị truy lùng để 'xử lý'.

'Cao lương đỏ' - Vẻ đẹp tuyệt mỹ của văn chương và điện ảnh "Cao lương đỏ" là một trong những tác phẩm lớn không thể bỏ qua của Mạc Ngôn. Tác phẩm đã mang về cho cây viết người Trung Quốc giải Nobel Văn học năm 2012.

Với độc giả Việt, nhà văn Mạc Ngôn không phải là cái tên xa lạ với những tác phẩm như: Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Tổ tiên có màng ở chân, Trâu thiến...

Lâu nay, chúng ta biết, vùng Đông Bắc Cao Mật là một vùng quê quen thuộc trong những tác phẩm của Mạc Ngôn với những phong tục tập quán đã nằm thâm căn cố đế ở mỗi con người. Nơi đó, những con người nhỏ bé chưa một lần bước ra khỏi vùng quê để mở mang tầm mắt nhưng cũng phải trải qua những biến cố to lớn của thời cuộc.

Với Ếch một lần nữa nhà văn lại đưa độc giả bước vào vùng Cao Mật với đề tài nông thôn, và những chủ đề như cái đói, miếng ăn, phụ nữ… tưởng như đã cũ nhưng lại hết sức độc đáo và mới lạ mà ở đó, họ vừa là nạn nhân vừa là tội nhân của thế thời.

Hành trình “quản sinh” của người đàn bà mang tên Vạn Tâm

Cái cớ để bắt đầu và xuyên suốt cuốn tiểu thuyết chính là những bức thư của cậu học trò có tên là Khoa Đẩu viết cho người thầy của mình là ngài Sugitani Yoshihito. Nhân vật chính trong những lá thư là người phụ nữ mang tên Vạn Tâm, cô ruột của Khoa Đẩu, người phụ nữ không một lần sinh nở nhưng chịu trách nhiệm chuyện sinh nở cho cả một vùng.

Tiểu thuyết Ếch.

Tiểu thuyết Ếch.

Vạn Tâm, người đàn bà không sợ trời, không sợ đất, ngay từ bé đã có khiếu chỉ huy, có thể bỏ người yêu vì nhiệm vụ của tổ chức, có thể cắt tay tự tử để minh oan cho bản thân nhưng có thể ngất tại chỗ nếu nhìn thấy con ếch.

Có lẽ, Vạn Tâm sẽ thất nghiệp và sẽ như bao nhiêu người dân cần lao khác, có thể sẽ chết ở một góc nào đó nếu như cái đói cứ kéo dài. Đói đến mức những đứa trẻ phải “nhặt những hòn than và nhai rau ráu” cho qua cơn đói, những người đàn bà thì thiếu chất đến mức không thể có “kinh nguyệt” hàng tháng, còn đàn ông thì tong teo, chẳng thể "làm ăn" được gì mỗi khi đêm về.

Nhưng, khi củ đậu được mùa, cái đói của con người được giải nguy thì câu chuyện sinh đẻ trong vùng đạt mức báo động, dân số tăng lên đột biến như thể để bù trừ. Vạn Tâm chuyển sang làm nghề “thắt ống dẫn tinh” để kiểm soát dân số trong vùng của mình.

Và rồi, theo chủ trương của nhà nước, mỗi gia đình chỉ được đẻ một con, những ai mang thai lần hai sẽ bị coi là “mang thai phi pháp”. Chính sách này đã chuyển Vạn Tâm sang một nhiệm vụ mới, người săn lùng những “cái thai phi pháp” và bà đã có một tên gọi mới là “Diêm vương sống” của vùng. Và cũng từ đây, những bi kịch giữa con người với con người vốn "tối lửa tắt đèn có nhau" chính thức bắt đầu.

Làng Cao Mật giờ đây trở thành làng văn hóa Mạc Ngôn. Ảnh: Getty Images.

Chỉ cần nghe ngóng được thông tin, nhà nào có người “mang thai phi pháp” là ngay lập tức bà cho người truy lùng, đuổi bắt, giống như con hổ đói ngửi thấy hơi con mồi. Bất chấp thủ đoạn, phương pháp, chỉ cần bắt được người là Vạn Tâm sẵn sàng làm, cho dù người đó là ai, ngay cả người cháu dâu của mình. Và cũng chính vì “nhiệm vụ” ấy mà đã có biết bao nhiêu người phụ nữ đã phải bỏ mạng để bảo vệ cho đứa con đang mang trong mình nhưng không thành.

Có lẽ bởi chưa một lần mang thai nên người phụ nữ mang tên Vạn Tâm không thể thấu cảm nổi cảm giác của một người làm mẹ. Bận bịu quá với những nhiệm vụ, bà không thể đau nỗi đau của người mất con.

Vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân của thời đại

Tiểu thuyết Ếch cho bạn đọc thấy được sự hữu hạn của con người trước thế giới bao la. Sự hữu hạn ấy khiến con người mê muội, không ý thức được những việc mình đã làm và cần làm. Và những mối hận thù lại thêm chồng chất. Điều ấy đã đưa đẩy cuộc đời con người đi từ bi kịch này đến bi kịch khác.

Nói như thế, bởi lẽ, ý chí con người nhỏ bé với những bản năng luôn có sức sống mạnh mẽ. Những con người nhỏ bé ấy một đời không thoát nổi hai chữ "đói - nghèo", cơn thèm khát dục vọng tầm thường không thể kiểm soát và ý thức chịu trách nhiệm trước số phận của bản thân. Trước những tai ương, biến cố, họ không có khả năng phản kháng, bảo vệ chính mình.

Điều này, đưa đẩy con người vào những ngõ cụt của ý nghĩ. Và những “khoái cảm” mà quyền năng đem lại đã khiến con người mờ mắt. Và chính sự hữu hạn đã khiến không ít người “ngây thơ” phạm phải những sai lầm.

“Tiểu sư tử”, người phụ nữ nhất mực trung thành với Vạn Tâm, thực hiện mọi mệnh lệnh của bà đưa ra và cũng tham gia vào biết bao cuộc “truy lùng những cái thai phi pháp” để đến cuối cùng, “Tiểu sư tử” không có nổi cho mình một đứa con khi đã chấp nhận làm vợ hai của Khoa Đẩu ở tuổi quá lứa nhỡ thì. Mạc Ngôn đã rất tinh tế khi đưa hình ảnh “Tiểu sư tử” đã vạch một bên vú, bé tẹo teo của mình lên cho đứa đứa trẻ sơ sinh bú.

Tác giả Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học năm 2012.

Thông qua tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy, sự chênh lệch về tương quan phát triển giữa văn hóa và văn minh nguy hiểm đến nhường nào. Bi kịch trong Ếch, điều cốt lõi chính là tư duy của con người trước sự phát triển của thời đại. Và tác phẩm tựa như một lời cảnh báo.

Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng dày đặc trong tác phẩm, Mạc Ngôn đã khắc họa thành công hình ảnh người nông thôn ở vùng quê Cao Mật. Nhân vật trong Ếch là những con người vốn thấp cổ bé họng, hiền lành nhưng cục mịch; thật thà lại chẳng mấy thông minh; nhiệt tình có thừa nhưng lại không đủ tinh tế để thấu hiểu, không đủ kiến thức, hiểu biết để phân tích và để làm khác đi. Họ mang nặng lối tư duy dập khuôn máy móc, nhất nhất tuân theo mà bất biết đúng sai.

Với hình thức thể hiện là những bức thư, cuốn tiểu thuyết cho bạn đọc thấy được cái nhìn đa chiều và toàn diện về những vấn đề được đề cập trong tác phẩm. Đồng thời, quá khứ được nhìn nhận lại một cách thẳng thắn và trực diện hơn.

Với giọng điệu khi thủ thỉ thân tình, lúc hài hước hóm hỉnh, lúc như biện minh, phân trần, cùng ý thức nhận thức lại quá khứ, con người trong Ếch đáng thương nhiều hơn đáng giận. Nói một cách khác đi, con người vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại.

Ý An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-mang-thai-bi-xem-la-pham-phap-keo-theo-nhung-toi-ac-kinh-hoang-post932492.html