Khi luật pháp thực sự thượng tôn

Khi tinh thần 'thượng tôn pháp luật' đã được giương cao và lan tỏa quyết liệt từ chính những người đứng đầu, thì chắc chắn sẽ 'không có vùng cấm' trong câu chuyện của trường Đại học Đông Đô.

Liên quan đến vụ việc trường Đại học Đông Đô thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo đối với các cơ quan tư pháp về việc mở rộng điều tra, đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Ngày 17/12, VKSNDTC đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung về hành vi của từng bị can trong việc làm và cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô. Lý do VKSNDTC đưa ra là, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Nhưng cơ quan điều tra chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).

Trong đó có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị. Vì vậy, cần xác định những trường hợp nào được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, đến nay mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên. VKSNDTC cho rằng, 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định.

Hôm qua, ngày 28/12, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ đang điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. Kết quả điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 cho nhiều cá nhân không đúng quy định.

Đơn vị này yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Bộ Công an.

Ngoài ra, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an trước ngày 15/1/2021.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vậy là, tại thời điểm này phân tích, suy xét động cơ của những người được cấp bằng giả là cố tình hay vô tình. Dư luận đồn đoán việc mua bằng, hay dùng bằng giả có thể liên quan đến những kẻ có tiền, thậm chí là “tai to, mặt lớn”, nên sẽ nhanh chóng “chìm xuồng”. Kể cả chuyện “dám, hay không dám” truy đến cùng vụ việc hay không?… tất cả đều đã trở nên thừa thãi, khi tinh thần “thượng tôn pháp luật” đã được giương cao và lan tỏa quyết liệt từ chính những người đứng đầu. Và một điều chắc chắn sẽ “không có vùng cấm” trong câu chuyện này.

Vậy nên, những cá nhân đã chót “nhúng chàm” nên dừng mơ tưởng đến việc chạy chọt để thoát tội, hay mong chờ thái độ “nhắm mắt làm ngơ” từng diễn ra thời gian qua. Điều đáng làm và cần làm gấp giờ đây đối với mỗi cá nhân liên quan là nên tự giác, chủ động hợp tác với các đơn vị chức năng nhằm đẩy nhanh quán trình xử lý vụ án, cũng là “lấy công chuộc tội”, giảm nhẹ trách nhiệm và thiệt hại bản thân gây ra.

Và điều quan trong hơn, làm được điều này là mỗi người cũng khẳng định thái độ sớm dứt khoát với động cơ trục lợi, hành vi gian dối, vi phạm pháp luật để sắp xếp lại cuộc sống sự nghiệp, từ đó có những hoạch định cho tương lai một cách đúng đắn, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Tiếp đó, mỗi cá nhân cần có thái độ sửa sai một cách nghiêm khắc, cầu thị để mong được hưởng sự tha thứ và trở thành người thực sự có ích cho xã hội.

Đối với, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ngừng việc chối bỏ trách nhiệm, thẳng thắn nhận ra thiếu sót, phối hợp với cơ quan điều tra để sớm tìm được những đối tượng liên quan. Song song với đó, cần nhanh chóng rà soát hoạt động của các đơn vị, tìm ra những khe hở trong công tác tuyển sinh của các trường, mà nguyên nhân một phần đến từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ cần coi vụ việc xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô là một bài học cho toàn ngành, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra của đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Để dẹp bỏ vấn nạn bằng giả, học giả, chỉ trông chờ vào trách nhiệm minh bạch, giải trình của cơ sở đào tạo là chưa đủ, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu, phát hiện kẽ hở để siết lại cách thức đào tạo. Đặc biệt, cần có chế tài nghiêm khắc với những người vi phạm, để người sau biết trước hậu quả mà rút kinh nghiệm.

Chính Tâm

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khi-luat-phap-thuc-su-thuong-ton-178366.html