Khi lòng tốt trở nên… xa xỉ

Nhiều người cho rằng, hành động của anh Mạnh được tôn vinh, ca ngợi nhiều như thế, không chỉ bởi bản chất câu chuyện đẹp về lòng tốt, mà còn bởi ngày nay, người làm việc nghĩa hiệp ngày một ít, lòng tốt ngày một hiếm hoi trong xã hội nhiều vô cảm, thờ ơ…

Người lái xe bus và đội ngũ tiếp viên xe giúp thai phụ nhập viện.

Người lái xe bus và đội ngũ tiếp viên xe giúp thai phụ nhập viện.

Những người qua đường vô cảm

Câu chuyện của anh Mạnh bất chấp nguy hiểm đỡ bé gái rơi từ tầng 12 xuống, đến hôm nay vẫn còn sức nóng trên mạng xã hội. Người ta nói, giữa thời buổi nhiều lừa lọc, vô cảm, chỉ nghĩ cho bản thân mà còn được một trái tim trong sáng, một tấm lòng bất chấp hiểm nguy cứu người như thế thì hiếm và đáng quý lắm thay.

Không cần phải nói đâu cho xa, khi xem lại đoạn clip sau khi anh Mạnh đỡ cháu bé xuống từ mái nhà và trao cho những người chung quanh đến ứng cứu, có người đã gọi ngay chiếc taxi thuận tiện nằm bên đường. Nhưng chủ taxi đã lắc đầu quầy quậy, một mực từ chối vì “bận chờ khách”.

Bận chờ khách, đó ắt hẳn chỉ là một lý do, khi người lái xe cảm thấy sự phiền phức đến cùng với một vụ tai nạn. Còn một khi đã có lòng muốn giúp đỡ thì từ chối một người khách không vội, bỏ một chuyến xe thì có là gì so với tính mạng một cháu bé đang cận kề nguy hiểm?

Năm 2019, một sự việc đã gây chấn động dư luận, khi một cô gái bị tai nạn và nằm bên vệ đường, chảy máu một quãng thời gian mà không ai cứu giúp, dù có người nhìn thấy sự việc. Buổi sáng hôm ấy, một chàng thanh niên chở một cô gái đang lưu thông trên đường thì xảy ra va chạm với một tài xế taxi.

Camera quan sát ghi lại, người tài xế xuống xe, nhìn thấy nạn nhân bị thương nặng nằm bên đường, nhưng vội vã lên xe bỏ đi ngay. Cô gái sau tai nạn bất tỉnh nhân sự, còn người thanh niên vẫn còn vũng vẫy kêu cứu. Trong suốt thời gian ấy, có 17 xe máy và một ôtô 4 chỗ đi qua khu vực xảy ra tai nạn, nhưng rốt cục, chỉ một chiếc xe máy dừng lại. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra sau sự việc ấy.

Nếu tài xế không bỏ đi mà lập tức đưa nạn nhân vào bệnh viện thì có lẽ cô gái vẫn còn cơ hội sống sót. Nếu mười sáu chiếc xe máy và một ô tô kia đi qua, có người dừng lại sớm hơn thì sự thể sẽ như thế nào? Đoạn clip khiến người ta đau đớn, không chỉ bởi sự vùng vẫy kêu cứu trong vô vọng của người thanh niên, mà còn bởi sự vô cảm giữa người với người. Nó như một phát súng bắn thẳng vào lương tâm.

Những sự việc “thấy người gặp nạn giữa đường bỏ lơ” đã không còn hiếm trong xã hội. Đó là những người vội vã lướt qua một nạn nhân gặp tai nạn giao thông, không dám quay đầu. Đó là những người đàn ông sức dài vai rộng, chứng kiến một thanh niên hung hãn đánh đập hai em học sinh tàn nhẫn mà chỉ dám kêu lên chứ chẳng bước vào can ngăn.

Cạnh đó là những vụ việc lợi dụng trục lợi khi thấy người gặp nạn. Như đánh cắp xe máy, điện thoại của nạn nhân tham gia giao thông, lao vào hôi của khi có xe chở hàng bị lật, xúm nhau nhặt tiền của người xui rủi đánh rơi… trong con mắt đau khổ và bất lực của nạn nhân…

Làm phúc phải tội

Những người làm ngơ trước người cần giúp đỡ, thờ ơ, vô cảm trước sinh mạng người khác quả thật đáng trách. Nhưng cũng cần nói đến một nguyên do khiến người ta trở nên ích kỉ, giữ thân.

Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên giao hàng một cửa hàng thực phẩm trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú từng là một thanh niên rất nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ người khác. Một ngày cuối tháng 5/2019, trên đường đi giao hàng, anh gặp một bé gái tầm 12 tuổi đang ngồi khóc bên vệ đường. Thương tình, anh hỏi han nhà cửa và chở bé gái về. Không ngờ, còn cách nhà chưa đầy 500m, anh bị người quen của bé gái hô hoán là kẻ bắt cóc.

Bất chấp đúng sai, họ nhanh chóng đưa bé gái xuống xe, rồi xúm vào đánh đập anh tàn nhẫn, mặc cho anh giải thích. Sau đó, khi sự việc được sáng tỏ, mặc dù xe máy và điện thoại anh đều bị hư, nhưng gia đình bé gái không những không đền bù hay nói lời cảm ơn, mà còn “lơ” luôn. Có người còn xì xào bảo anh làm chuyện bao đồng.

Từ đó, anh Hùng ra đường đi giao hàng chỉ biết hết việc rồi về, không dám dừng lại giúp đỡ ai trên đường nữa. Anh sợ lần nữa, giúp người không được gì, lại còn thương tích, mất của. Mà anh thì còn có mẹ già, có vợ và con thơ đang chờ mình ở nhà.

Câu chuyện của anh Hùng không phải là hiếm. Đã không ít sự việc người đi qua đường thấy nạn nhân tai nạn giao thông nên đưa vào bệnh viện, bị người nhà nạn nhân đuổi đánh mà không cần biết nguyên do. Có người lại rơi vào bẫy của bọn kẻ cướp, tống tiền khi vô tình giúp đỡ các cụ già, trẻ em, người lạc đường trên phố.

Nhiều người còn nhớ, câu chuyện của nam sinh viên ở TP HCM trên một chuyến xe bus, khi nhắc nhở người khác coi chừng bị móc túi đã bị băng nhóm móc túi chặn đường đánh đến mức nhập viện. Ông chủ ATM gạo, dù phát hàng minh ra máy ATM hiệu quả, phát hàng trăm tấn gạo cho người nghèo, nhưng chỉ một sơ suất nhỏ là bị “ném đá”, bị khủng bố tinh thần, bị đòi chặn đường đánh.

Bản thân anh Mạnh, sau những lời ngợi khen cũng gặp không ít rắc rối vì những kẻ thích “ném đá”, soi từng li từng tí sự việc, bảo anh nhận vơ, không xứng đáng…

Đã bao lâu rồi, nhiều người trong chúng ta không còn móc tiền trong túi ra để giúp một người bị hết xăng, lỡ đường, một người khốn khó ngồi bên vệ đường hay người ăn xin. Với nhiều người, họ vĩnh viễn đã chẳng thể làm người hảo tâm với những số phận ven đường được nữa, khi chứng kiến người thanh niên hôm trước thiểu não đứng ở cây xăng xin một lít xăng vì lỡ đường, hôm sau cũng tình cảnh ấy, ở cây xăng khác.

Hay cụ già và đứa trẻ lang thang kiếm tiền về quê, sau hai tháng, dù được bao nhiêu người qua đường giúp đỡ, vẫn cứ đứng bên một hè đường nào đó cầu xin lòng hảo tâm để “kiếm tiền về quê”. Rồi những cụ già, đứa trẻ ăn xin trên tay mẹ, nhìn thì đáng thương biết bao, nhưng hóa ra lại thuộc đường dây chăn dắt của tên ma cô nào đó. Đồng tiền cho đi không giúp gì được cho họ, chỉ vỗ béo những kẻ vô lương tâm đứng sau mà thôi.

Đằng sau một câu chuyện

Đó cũng là một phần lý do khiến người ta không dám làm người tốt nữa. Bởi, làm người tốt cũng đồng nghĩa với đối diện nguy cơ gánh chịu rủi ro. Mà con người, ai lại không muốn mình được bình yên, không gặp phải những chướng ngại trên trời rơi xuống?

Anh Mạnh được dư luận ngợi khen, tung hô, được nhận bằng khen…, đó là kết quả xứng đáng với hành động nghĩa hiệp, không quản thân mình cứu người. Nhưng đằng sau sự tôn vinh mà một số người cho là “làm quá” dành cho anh Mạnh, cũng đã chỉ ra rằng hóa ra lòng tốt, người tốt trong cuộc sống vẫn chưa đủ nhiều. Vì chưa đủ nhiều, nên hành động của anh Mạnh mới gây ra sóng gió, mới khiến nhiều người ngưỡng mộ, gọi là hy hữu.

Thi thoảng, câu chuyện về một người tốt lại xuất hiện rầm rộ trên mạng. Một người tài xế nhận chở người phụ nữ mang thai đến bệnh viện, người phụ nữ trở dạ, anh đành “đỡ đẻ” trên xe. Một người lao công nhặt được hàng trăm triệu đồng, đem trả cho người mất.

Một thanh niên thấy chồng đánh vợ trên đường, lao vào can, dạy cho người chồng một bài học. Một bác tài xế xe bus quay đầu xe đưa thai phụ vào bệnh viện, còn quyên góp tiền để giúp người phụ nữ không may ấy…

Những câu chuyện nho nhỏ xuất hiện trên mặt báo, gây cảm động về cái tình con người với nhau. Nhưng cũng đủ để thấy rằng, đó là những việc tốt hiếm hoi. Bởi là hiếm hoi, nên nó mới tỏa sáng trên truyền thông, được chia sẻ mạnh mẽ trong dư luận. Nếu đó đã là câu chuyện của hằng ngày, nếu người tốt thật nhiều ở chung quanh, mấy ai còn quá ngạc nhiên, sửng sốt cho hành vi nghĩa hiệp nữa?

Mỗi một sự việc luôn chứa đựng hai khía cạnh. Người thì mừng rằng, Lục Vân Tiên còn đó. Người thì đặt chút ưu tư, vì điều tốt đẹp còn hiếm hoi quá.

Nhưng, dù vẫn còn ít ỏi, vẫn chưa trở nên phổ biến, nhưng với mỗi hành động tốt đẹp diễn ra vẫn là điều đáng mừng, đáng để ngợi khen. Và, dù còn nhiều bất trắc, còn nhiều rủi ro và cản trở, hãy tin rằng đất vẫn màu mỡ cho cây thiện nảy mầm, những người tốt sẽ không ngại dấn thân.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khi-long-tot-tro-nen-xa-xi-577474.html