Khi lòng tốt bị lợi dụng

Chiều nhạt nắng. Bà Vững đang lom khom quét dọn đám lá rụng ngoài đầu ngõ thì chợt xuất hiện hai người phụ nữ mặc quần áo mầu nâu, tóc vấn gọn gàng, vai đeo túi vải đi tới trước cổng nhà. Bà Vững dừng tay chổi, ngẩng lên nhìn.

Cũng vừa mới ở quê lên thành phố trông nom cửa nhà cho vợ chồng anh con trai, bà vẫn thường được cô con dâu căn dặn phải cảnh giác với người không quen. Thấy bà Vững nhìn mình với ánh mắt dò xét, một trong hai người phụ nữ tiến nhanh đến cánh cổng mầu xanh, giọng thì thào nhỏ nhẹ:

- Bác ơi làm ơn cho chúng em gặp ít phút!

- Các cháu nhà tôi đi làm cả rồi, cổng khóa, tôi chẳng giúp được gì đâu! - bà Vững trả lời thận trọng.

- Không sao đâu ạ, chúng em chỉ đứng ngoài này thôi! - một trong hai người phụ nữ năn nỉ, giọng tha thiết.

Đã định không muốn tiếp chuyện, nhưng nhìn kỹ hai người, thấy họ nói năng từ tốn và dáng vẻ cũng không có là người xấu, cho nên bà Vững đành tặc lưỡi đến bên cánh cổng để xem họ hỏi gì. Một người lôi ra từ trong túi vải mảnh giấy nhàu nhĩ đóng dấu đỏ, nói rằng họ được nhà chùa cử đi quyên góp tiền công đức để sửa chùa, đúc chuông. Ngôi chùa mà người phụ nữ nọ nói đến nổi tiếng linh thiêng, gần đây bị mối mọt tàn phá, sau vài đợt mưa ngâu dầm dề sắp sập đổ nên cần số tiền rất lớn để phục vụ việc trùng tu.

Cùng lúc đó, người phụ nữ đứng bên cạnh đưa ra quyển sổ cũ ghi chép nhằng nhịt danh sách những cá nhân, đơn vị đã thiện tâm ủng hộ tiền cho nhà chùa. Bà Vững bắt đầu phân vân, rồi bà nghĩ đem tiền ủng hộ việc xây chùa âu cũng là việc thiện nên bà quay gót vào nhà, mở bọc lấy ít tiền mang ra quyên góp. Cầm tiền xong, hai người phụ nữ rối rít cảm ơn, đưa cho tờ giấy có chữ ký, đóng dấu sẵn, xác nhận việc làm thành tâm của bà Vững. Hai người rời đi, bà thảnh thơi xuống bếp lúi húi chuẩn bị cơm nước.

Không lâu sau đó, lại có tiếng người gọi cổng, bà Vững lật đật chạy ra. Đứng trước mặt bà là một người đàn ông tầm bốn mươi tuổi, mặc bộ quần áo gụ lùng thùng, đội mũ nan. Người đàn ông mời bà Vững mua hương nhang, tiền âm phủ để hỗ trợ nhà chùa tạc tượng. Nghĩ số tiền bỏ ra không lớn, đằng nào nhà cũng cần nhang khói, vàng lễ để cúng ngày Rằm nên bà Vững bỏ tiền mua hẳn một túi to đồ cúng lễ, trong lòng phấn chấn vì được làm việc thiện giúp chùa chiền…

Nhưng không dừng ở đó, những ngày sau, thỉnh thoảng bà Vững lại thấy xuất hiện vài người lạ mặt vào trong ngõ mời chào mua hàng cho các trung tâm từ thiện, nhân đạo hoặc nài nỉ quyên góp sửa đình, xây chùa. Là người cả tin và cũng muốn cùng mọi người làm việc thiện nguyện, bà Vững lặng lẽ lấy số tiền lương hưu ít ỏi dành dụm được đem đóng góp hay mua hàng ủng hộ.

Cho đến một hôm, cô con dâu của bà đi làm về kể với bà về thông báo ở ngoài phường về việc có một nhóm giả danh người của nhà chùa và các trung tâm từ thiện để bán hàng và vận động quyên góp. Chúng làm giả giấy tờ, rồi cử người tỏa đi các nơi nhằm lừa lọc những người nhẹ dạ, cả tin. Sau khi nhận được phản ánh của người dân trong khu vực, cán bộ phường và công an đã theo dõi bắt quả tang số đối tượng xấu lúc họ tưng bừng ăn nhậu, rôm rả chia tiền kiếm chác được.

Nghe cô con dâu nói, bà Vững mới bừng tỉnh và thấy mình đã quá cả tin và không tỉnh táo. Hiện nay, tình trạng mạo danh người của các tổ chức xã hội hay nhà chùa đến các nơi kêu gọi ủng hộ đã và đang diễn ra ở nơi này, nơi kia cần phải kiên quyết dẹp bỏ, xử lý. Những việc làm này không chỉ lừa gạt, gây mất an ninh trật tự xã hội mà còn làm suy giảm niềm tin của mọi người vào những điều hướng thiện và các việc làm thật sự vì cộng đồng.

KHƯƠNG NHÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37570802-khi-long-tot-bi-loi-dung.html