Khi lòng tốt bị hoài nghi

Có vẻ như chúng ta đang ngày càng 'thông minh' nên nhìn đâu cũng thấy hoài nghi, ngay cả đó là những điều tốt đẹp?

Năm nào cũng vậy, ở mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh những thông tin về số thí sinh, phòng, cụm, điểm thi, người ta còn có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh bên lề đầy xúc động như cõng bạn đến trường, phụ huynh đội nắng thấp thỏm, lo lắng chờ con, hay những giọt mồ hôi, nước mắt, những cái ôm động viên, những nắm tay biểu thị quyết tâm..., được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Những khoảnh khắc, hình ảnh hết sức đời thường ấy đã tạo nên hiệu ứng tích cực, nhen lan cho mỗi người đọc, người xem cảm giác dìu dịu, ấm áp, thiện lương, lành lẽ.

Câu chuyện đại úy Đức Lợi, Phó Trưởng Công an phường Minh Khai (TP Hà Giang) “giải cứu” và hộ tống kịp thời một nữ sinh ngủ quên đến phòng thi, ở điểm thi trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hà Giang) là một ví dụ như thế.

Đại úy Lợi “giải cứu” và hộ tống kịp thời một thí sinh ở Hà Giang

Đại úy Lợi “giải cứu” và hộ tống kịp thời một thí sinh ở Hà Giang

Đáng tiếc, thay vì biểu dương, cổ vũ cho hành động tốt đẹp ấy, rất nhiều người đã dành cho anh Lợi sự hoài nghi, đố kỵ. Họ cho rằng, tất cả mọi chi tiết, hành động trong câu chuyện trên là chiêu trò đóng diễn, PR.

Trên các trang mạng xã hội, đầy rẫy các câu hỏi kiểu như “Làm sao cán bộ công an lại biết em ấy ngủ quên?”, hay “Địa chỉ nhà của thí sinh đó dán ở cổng trường à?”, và dù có biết thì “Xa thế, sao mà kịp giờ thi được?”...

Đây không phải là lần đầu tiên lòng tốt bị dư luận mang ra mổ xẻ, phân tích rồi hoài nghi, thậm chí là... ném đá.

Một nhóm bạn trẻ rủ nhau nhặt rác, vài sinh viên đi làm thiện nguyện, hay chỉ đơn giản là hành động dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất... cũng rất dễ bị người ta xem đó chiêu trò quảng cáo, một hình thức tiếp thị tên tuổi rẻ tiền nhằm mua chuộc lòng người và để xây dựng các mối quan hệ cộng đồng.

Có vẻ như chúng ta đang ngày càng “thông minh” nên nhìn đâu cũng thấy có “mùi”, ngay cả đó là những điều tốt đẹp? Hoàn toàn không phải. Đó chỉ là cách nghĩ của những kẻ thiếu lập trường và luôn hoài nghi với cuộc sống, với con người xung quanh. Họ đã từ bỏ, hay nói đúng hơn là không góp nhặt đủ lòng can đảm để tiếp tục hướng đến những điều tốt. Dần dà, họ sẽ chỉ còn biết nghĩ và hành động cho bản thân mình.

Và rồi, họ tự cho mình là đúng và tiếp tục thanh thản với lời bào chữa rằng mọi người ai cũng đều làm như vậy. Thói quen “suy bụng ta ra bụng người” không chỉ làm hại chính họ mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, biến thế giới này thành một nơi đầy rẫy sự toan tính, giả dối, lừa lọc, hèn nhát và vị kỷ.

Nhiều chuyên gia tâm lý học cho rằng, một trong những nguyên nhân tạo nên lớp người có suy nghĩ tiêu cực ấy là bởi xã hội đã xảy ra quá nhiều trường hợp lòng tốt bị những kẻ không lương thiện lợi dụng, thực hiện hành vi bất chính để trục lợi, làm giàu.

Những hiện tượng như “tập đoàn ăn xin” hay “dàn cảnh xin tiền”… cũng không hiếm, thậm chí vẫn đang từng ngày, từng giờ hiện hữu trong cuộc sống. Có không ít đứa trẻ, cụ già bị các “má mì” lợi dụng trở thành những công cụ kiếm tiền.

Hơn nữa, ngày qua ngày, trên các phương tiện truyền thông có quá nhiều thông tin về các mặt trái của xã hội như lừa đảo, gian dối, lọc lừa... Đối với những người không đủ tỉnh táo, bản lĩnh, không có nhãn quan, khả năng đánh giá sự vật, hiện tượng thì sẽ rất dễ bị những thông tin ấy “đầu độc”, bị dư luận “dắt mũi”. Suy nghĩ “Lòng tốt, sự tử tế đang chết dần chết mòn” cũng bắt đầu nảy mầm đâm nhánh và mọc lên từ đó.

Và, khi suy nghĩ đó ăn sâu vào tiềm thức, bản thân họ cũng sẽ quên đi ý thức “Mình phải trở thành một con người tử tế!”.

Thế nên không phải ngẫu nhiên mà lâu nay các cơ quan quản lý về văn hóa thông tin luôn đưa ra yêu cầu đối với các ấn phẩm báo chí, truyền thông ngoài việc đấu tranh, phê phán, lên án cái xấu, cái ác cần dành ra một dung, thời lượng nhất định để biểu dương những gương “người tốt, việc tốt”, hay những hành động, việc làm tốt đẹp, tử tế, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội.

Song có một thực tế là ngay cả khi các tin, bài đó đầy rẫy trên mặt báo thì cũng rất ít người chú ý và chia sẻ, còn “sốc, sex, sến” hay đời tư của quan chức, đại gia, tình tiết rùng rợn của các vụ án… thì được “sare” với tốc độ chóng mặt, tràn lan trên Facebook, Youtube chả khác gì “nấm mọc sau mưa”.

“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy” - Mark Twain

Sự thật là trong tất cả chúng ta, rất khó tránh khỏi có những lúc phải đối mặt với câu hỏi: “Anh ta, chị ta có thực sự là người tốt, hay đó chỉ là tấm áo choàng?”, nhưng không phải ai cũng có câu trả lời thỏa đáng và chính xác.

Một người không làm điều thiện sẽ rất dễ hoài nghi điều thiện được làm bởi người khác. Lý do là khi không tự thôi thúc được mình, người ta sẽ không thể tin kẻ khác lại làm được điều ấy.

Có những việc làm tốt nhưng lại bị hiểu lầm “có mục đích”, có ý định giúp đỡ người khác lại thành ra “thích khoe mẽ”… Chính sự “đa nghi” cộng với lòng đố kỵ và lối suy diễn vô căn cứ ấy của dư luận đã và đang vô tình khiến những người tử tế dần e ngại, lòng tốt cũng vì thế mà bị “bóp chết”, triệt tiêu.

Trong một hoàn cảnh xã hội mà sự bon chen tranh đoạt và bất công còn phổ biến, số đông dễ nghi ngờ, ấy cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, chúng ta khoan đổ lỗi cho môi trường mình sống, vì chính chúng ta là người tạo ra môi trường đó. Chỉ khi bản thân mỗi người đều ý thức trở thành người tử tế thì mới có những hành động tử tế, đem lại những giá trị tử tế cho bản thân và xã hội.

Và, cũng không thể vì một cá nhân, một câu chuyện tiêu cực nào đó mà chúng ta hoài nghi hay sợ hãi lòng tốt. Bởi, như nhà văn Mark Twain cũng từng nói, đại ý rằng, lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. Nếu không còn niềm tin vào sự hiện hữu lòng tốt và sự tử tế, con người chỉ còn là cái máy.

Hơn nữa, cuộc đời thoáng chốc, lại có quá nhiều rủi ro không dự liệu, có khi chúng ta còn không cả kịp hoài nghi. Vậy thì hà cớ gì không thể thắp lên ngọn lửa của lòng nhân và điều thiện?

T.Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/khi-long-tot-bi-hoai-nghi-22963.html