Khi lái xe tải ở Nhật không muốn bớt cực nhọc

Thừa nhận nghề lái xe tải vất vả, Chính phủ Nhật Bản ra quy định hạn chế số giờ làm thêm với lái xe để cải thiện điều kiện lao động.

Nhưng, rất bất ngờ, cánh tài xế lại phản đối dữ dội.

“Thà mệt còn hơn giảm giờ làm”

Một tài xế xe tải tranh thủ chợp mắt trong giờ nghỉ ngắn. Ảnh: Reuters

Một tài xế xe tải tranh thủ chợp mắt trong giờ nghỉ ngắn. Ảnh: Reuters

Một ngày tháng 5, tại Hiroshima, Nhật Bản, khi trời chưa bình minh, như bao lái xe khác, một tài xế 40 tuổi (giấu tên) chở hàng tới nhà máy, chờ giờ mở cửa để dỡ hàng, phục vụ sản xuất.

Để chuyến hàng từ Kita-Kyushu, tỉnh Fukuoka tới Hiroshima kịp giờ, người đàn ông luống tuổi này đã phải ngồi sau tay lái tổng cộng 50 giờ.

Mệt nhừ người, thấy còn chút giờ dôi dư, người đàn ông này đưa xe tới cửa hàng tiện lợi gần đó, chợp mắt ở chiếc giường sau ghế lái cho lại sức.

Sau khi dỡ hàng ở tỉnh Hiroshima, tài xế này tiếp tục lái xe đến các tỉnh Okayama, Mie, Gunma và Ibaraki. Thời điểm ông trở về nhà ở tỉnh Aichi là sáng sớm ngày thứ 6 của chuyến đi.

Trước đây, Chính phủ đã có quy định cứ sau 4 giờ lái xe thì lái xe tải nghỉ ngơi 30 phút và chỉ được làm tối đa 16 giờ/ngày. Nhưng người đàn ông cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng quy mô nhỏ thường không tuân thủ. Trong khi, 98% trong số 62.000 công ty xe tải tại Nhật Bản - chịu trách nhiệm vận chuyển phần lớn lượng hàng hóa tại xứ sở anh đào đều là các công ty quy mô nhỏ.

Chia sẻ với tờ Ashahi (Nhật Bản), nam tài xế cho biết: “Chủ hàng thường điện thoại hỏi lái xe liên tục xem xe đã đến đâu và thúc ép chở hàng nhanh lên. Do đó tài xế gần như không dám nghỉ ngơi nhiều”.

Cánh tài xế vốn phải làm việc trong thời gian dài, căng thẳng, mức lương thấp so với mặt bằng chung, lại chịu nhiều sức ép từ các nhà cung cấp dịch vụ, khi chi phí nhiên liệu gia tăng.

Chính vì thực trạng này nên gần đây, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ ban hành quy định mới giới hạn số giờ làm thêm hàng năm cùng với một số cải cách khác.

Cụ thể, từ tháng 4/2024, tài xế xe tải tại quốc gia này chỉ được làm thêm tối đa 960 giờ/năm để giảm tải cho lái xe. Tuy nhiên, phản ứng của đa phần lái xe lại là không đồng tình.

Ông Yuichi Tomita, một tài xế xe tải chở hàng trên khắp Nhật Bản trong 2 thập kỷ qua cho biết, trước nay công việc tuy rất vất vả nhưng ông chưa từng nghĩ sẽ thôi việc. Sau khi có quy định mới, khả năng ông sẽ thôi việc là rất cao.

“Tôi đã làm công việc này 20 năm. Nếu chỉ dựa vào đồng lương chính thì không đủ để đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt. Quy định mới sẽ khiến tình trạng thiếu lái xe tải càng trầm trọng, đe dọa nền kinh tế của Nhật Bản và kế sinh nhai của gia đình các lái xe”, ông Tomita nói.

Theo hãng tin Reuters, lái xe tải tại Nhật Bản có thu nhập trung bình khoảng 4,46 triệu Yen (34.000 USD)/năm, thấp hơn 10% so với mức trung bình của tất cả các ngành công nghiệp khác tại quốc gia này, dù số giờ làm việc nhiều hơn khoảng 20%.

Cảnh báo tác động tới nền kinh tế

Xe tải là hình thức vận tải quan trọng tại Nhật Bản nhưng nước này đang đối mặt với nguy cơ thiếu lái xe trầm trọng. Ảnh: Bloomberg

Một số công ty trong lĩnh vực bán lẻ và logistics tại Nhật Bản lo quy định mới của Chính phủ có thể kéo theo cuộc khủng hoảng thiếu lái xe tải vào năm 2024, khiến 1/3 tổng lượng hàng hóa tại Nhật Bản bị tắc.

Theo hãng tin Reuters, tình trạng thiếu lái xe tải có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nông dân, các cửa hàng, nhà hàng cần giao thực phẩm tươi sống.

Ông Masashi Onozuka, đối tác của Công ty Roland Berger cho rằng, khi đó, người dân Tokyo khó lòng mua được rau hay cá tươi từ đảo Kyushu (miền Nam Nhật Bản) hay các khu vực xa xôi khác. Hệ lụy lớn hơn là cách thức chi tiêu của người tiêu dùng và nhiều lĩnh vực khác cũng thay đổi.

Một số nhà bán lẻ tại Nhật Bản cũng rốt ráo tìm giải pháp phòng khả năng xảy ra khủng hoảng do thiếu lái xe tải.

Chẳng hạn, nhà vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson phải giảm tần suất giao cơm hộp trưa từ 3 lần/ngày xuống còn 2 lần/ngày trên toàn hệ thống kể từ tháng 4/2024.

Tuy nhiên, còn rất nhiều công ty, nhà sản xuất khác tại Nhật Bản lại chưa tìm ra biện pháp khả thi.

Nhiều nông dân và thương lái bán cá từ đảo Kyushu ở miền Nam cho tới đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản đều lo ngại tình trạng thiếu lái xe tải có thể ảnh hưởng tới kế sinh nhai của bản thân họ cũng như kinh tế địa phương.

Ông Masaaki Iwamori, quan chức thuộc Hợp tác xã Nghề cá tỉnh Ehime, miền Tây Nhật Bản cho rằng, nền kinh tế của thị trấn Uwajima có thể gặp khó khăn nếu không có lái xe vận chuyển cá cam – loại cá nổi tiếng của tỉnh - tới chợ cá chính tại Tokyo trước 2h sáng mỗi ngày.

Thông thường, thời gian di chuyển trên quãng đường này mất khoảng 12 giờ lái xe. “Nếu cá không được vận chuyển kịp thời thì khi đấu giá vào ngày hôm sau, cá sẽ mất độ tươi ngon”, ông Iwamori nói và cho rằng lúc đó, nông dân sẽ buộc phải giảm giá mạnh mới mong bán hết hàng.

Để ngăn chặn khủng hoảng thiếu lái xe tải, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo nội các đề xuất những biện pháp quyết liệt.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc dài hơn 100km nối Tokyo với Nagoya dành cho xe tải tự lái và lập các tuyến bay cho máy bay không người lái để chở hàng vào năm tới.

Công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger ước tính tới năm 2030, số lượng lái xe tải tại Nhật Bản có thể giảm 20%. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, nếu tình trạng thiếu lái xe xảy ra có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 76 tỷ USD tính tới năm 2030.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-lai-xe-tai-o-nhat-khong-muon-bot-cuc-nhoc-d592150.html