Khi ký ức bật lên rung cảm

(Đọc tập tản văn ĂN ĐỂ NHỚ- Kim Em - NXB Trẻ tháng 10-2020)

Gập cuốn sách lại, chừng như, bên tai tôi có tiếng thì thầm của ký ức một thời thơ trẻ. Tất cả, như một thước phim giàu hình ảnh, quay rất chậm. Tuổi thơ, vùng ký ức hiển hiện trong mỗi chúng ta, là một miền nhớ trong veo và tinh tế. Như cách nhà báo Kim Em chọn làm đề tựa tập sách, giản đơn Ăn để nhớ.

Bìa tập tản văn Ăn để nhớ.

Bìa tập tản văn Ăn để nhớ.

Với sự trải nghiệm thực tế của một nhà báo, từng gắn bó nhiều năm với nghề, lăn lộn rất nhiều nơi, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc để thổi hồn vào từng bài báo, từng loạt phóng sự nóng rẫy thời sự… Thời xông xáo ấy, đã là những nền tảng vững chắc và cũng là mạch nguồn nuôi dưỡng sự tinh tế trong ngòi bút của Kim Em, khi chị đặt bút viết những tản văn giàu giai điệu, hình ảnh và ăm ắp một nỗi nhớ chảy dài. Càng đọc, càng nhận ra, khoảng thời gian tuổi trẻ, đã là những vết dấu không bao giờ mờ nhạt trong ký ức mỗi người. Mà, cách để gợi lại vùng ký ức đó, phải có một nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, độc đáo và đôi khi, cần một lối kể chuyện bằng ngôn ngữ đơn mộc, thủ thỉ nhưng khiến người đọc không thể rời mắt khỏi từng trang sách. Tập tản văn Ăn để nhớ gợi lại trong tôi nhiều ký ức về miền quê, về những món ăn thường nhật mà bây giờ, có khi, đã trở thành dĩ vãng hay có thể, trở thành đặc sản. Miền quê xứ Quảng, hiện lên trong từng nét chữ của nhà báo Kim Em, bằng niềm hạnh phúc của một người mang nhiều ký ức về tuổi thơ, về bà, về ba, về mẹ, về cậu, về nỗi nhớ đồng quê và những đau đáu với sự đổi thay trong hiện tại. Ai, rồi cũng phải chấp nhận những thay đổi của không gian, thời gian, của sự nhớ, sự quên, sự phản bội từ ký ức hay thực tại. Nhưng, trong miền sâu thẳm đó, mùi ký ức, luôn sống dậy, bất cứ thời điểm nào, nếu ai đó bất chợt khơi nguồn.

Nhà báo Kim Em là người phố cổ Hội An. Chị thường nhớ phố ngay khi đang ở trong lòng phố, bởi thế, nét vẽ về phố cổ Hội An, về những con người thân yêu của chị, luôn là những nét vẽ đậm màu, chân chất. Từ tên gọi của từng món ăn, đến từng mùa, đều gắn bó với hình ảnh bà, mẹ, và những người dân phố Hội. Giá trị ẩm thực của vùng đất nổi tiếng như Hội An, lại là giá trị của nhiều vùng văn hóa đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã từng sống, từng buôn bán tại thương cảng Hội An xưa. Chắc cũng không thể rời xa phố dù sống nơi đâu, ở nơi nào, Kim Em luôn muốn mình trở lại nằm lòng trong phố cổ, nơi đó, lưu giữ của chị một kho ký ức mà, chỉ cần khơi gợi một chút, là như ngọn đèn bùng cháy lên, dậy lên mùi thương nhớ.

Tập sách được khéo léo sắp đặt, chia thành hai phần rõ rệt gồm phần 1 với tên gọi Miếng ngon và phần hai là Miền nhớ. Cả hai phần có một sự kết nối giúp người đọc dễ hình dung về cả cuộc đời của tác giả. Đọc tập tản văn này, tôi chợt nhớ nét tài hoa trong tản văn của nhà văn thế hệ trước như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn… Không thể so sánh và không nên so sánh văn chương của từng thế hệ, từng tác giả, nhưng, đọc tản văn của Kim Em, tôi cảm nhận được tác giả gửi gắm ở đó nhiều nỗi niềm, khoảng nhớ và cả nỗi buồn. Khi phảng phất, khi đậm nét, lúc bâng quơ, nhưng khá gần và thật. Dòng chảy của thời gian, ký ức và văn hóa, đó là Cơm nhà, Bát cháo thịt bò của Má, Nhớ bánh ú tro mùng 5, Ăn ký ức, Ai xu xoa, Mùa cá nục, Bắp nếp đầu mùa, Mùa lụt, Phở Hội An, Tháng Chạp, Những mùa Xuân không có mẹ, Đi phố với ba, Sông quê… Đọc, niềm xúc động chảy dài theo từng câu chữ, cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc, và ở lại trong cảm xúc bằng nỗi nhớ.

Cách viết về món ăn trong tản văn của nhà báo Kim Em, nó thật và gần gũi như chính tác giả đang bày biện, chuẩn bị đủ các nguyên vật liệu để đứng bếp, nấu chính món ăn ấy. Đó còn lại là công thức, bí kíp từng món ăn. Những món ăn, thức quà từ quê hương, luôn là miền đau đáu để tác giả tìm lại chính mình. Cách viết của tác giả Kim Em không mới, nhưng là cách kể chuyện thầm thì khiến người đọc bị cuốn hút, bị mê hoặc cả miền thương nhớ đó của tác giả - mà trong đó - ít nhiều có bản thân mình. Như nỗi ám ảnh tận cùng, mêng mông và khó lấp đầy. Có những đoạn văn đẹp và buồn “Những ngày tháng giêng, cứ hễ bước ra chợ là lại muốn ôm hết các loại rau củ về nhà. Được nắng, được thời tiết tốt lại chăm bón đủ đầy nên các loại rau tháng giêng cứ mơm mởm xanh, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon từ gốc đến ngọn…” (Đi chợ tháng Giêng); “Trong ký ức tuổi thơ con, những cái tết có mẹ luôn đủ đầy mọi thứ. Nhớ những ngày giáp tết theo mẹ về ngoại cắt lá chuối, chẻ lạt, hái rau trong vườn nhà ngoại, rồi ngâm nếp, hông đậu xanh gói bánh tét… (Những mùa xuân không có mẹ)…

Những dòng văn, đẹp và mướt màu ký ức, khiến người đọc chênh vênh men theo nỗi nhớ dọc dài tháng năm tươi đẹp nhất, của thế hệ sinh ra và lớn lên khi non sông đất nước đã nối liền một dải. Bắc- Nam đã sum họp một nhà và hơn thế, mỗi người, đều mang theo trong mình một ngọn gió lam phong, một ngọn nguồn ký ức tươi nguyên và lớn mãi, đọng mãi cùng năm tháng đời người. Trong dòng thác nhớ đó, người ta, ít khi nhìn lại chính cảm xúc của mình, và chợt một thoáng nhớ thương bắt lên, chợt lên, chợt đầy. Từ Hội An- quê hương tác giả, đến những vùng miền khác mà tác giả đã từng đặt chân, từng luyến lưu trong những chuyến đi- về… tất cả hiện lên, rõ và đậm nét.

Trân trọng gửi đến bạn đọc tập tản văn Ăn để nhớ của nhà báo Huỳnh Kim Em.

Nguyễn Thị Anh Đào

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_233101_khi-ky-uc-bat-len-rung-cam.aspx