Khi khát khao Việt Nam là giấc mơ của bóng đá UAE

Từng được coi là thế lực mới của bóng đá châu Á, song những thất bại trong khâu quản lý và tình yêu nguội lạnh nơi người hâm mộ đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá UAE.

Năm 2003, giới chuyên môn và mộ điệu sốc khi chứng kiến một cầu thủ từ châu Á đánh bại Andres Iniesta, Fernando Cavenaghi, Carlos Tevez hay Dani Alves để giật lấy danh hiệu cầu thủ hay nhất Vòng chung kết U20 thế giới.

Nhân vật đặc biệt đó là Ismail Matar của U20 UAE. Matar nhỏ người, sở hữu lối chơi kỹ thuật và ngay lập tức được liên hệ với Diego Maradona. Sự vươn dậy của Matar và U20 UAE (lọt vào tứ kết giải đấu) khiến giới chuyên môn dự đoán quốc gia Tây Á này sẽ sớm trở thành cường quốc tiếp theo của bóng đá châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Saudi Arabia.

Thế nhưng, UAE đã thất bại.

Ismail Matar ở tuổi 36 vẫn đeo băng đội trưởng UAE tại Asian Cup 2019. Ảnh: AFC.

Ismail Matar ở tuổi 36 vẫn đeo băng đội trưởng UAE tại Asian Cup 2019. Ảnh: AFC.

Tiền không giải quyết được vấn đề của bóng đá UAE

16 năm sau ngày gây sốc cho cả thế giới, Ismail Matar ở tuổi 36 đeo băng đội trưởng UAE ở Asian Cup 2019. Dẫu có lợi thế sân nhà, UAE vẫn không thể trở thành nhà vô địch của châu Á khi thua trắng Qatar 0-4 ở bán kết.

Sự xuất hiện của Matar ở tuổi 36 và UAE thất bại có thể xem như mệnh đề nhân quả. Sau gần hai thập kỷ, việc UAE vẫn phải nhờ cậy vào một ông lão như Matar để rồi thất bại là minh chứng của việc bóng đá ở quốc gia Tây Á chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng.

Sau thành công ở VCK U20 thế giới năm 2003, bóng đá UAE không thể vươn mình khi liên tục thất bại ở những giải đấu khu vực. Tại Vòng loại World Cup 2006 khu vực châu Á, UAE không qua nổi vòng bảng thứ 2 khi xếp sau CHDCND Triều Tiên. Tới Asian Cup 2007, UAE thua chính đội tuyển Việt Nam và bị loại ngay từ vòng bảng.

UAE từng tụt xuống hạng 138 thế giới. Ảnh: Getty.

Vòng loại World Cup 2010, UAE xếp bét bảng ở giai đoạn cuối cùng. Năm 2012 ghi nhận đội tuyển UAE từng có thời điểm đứng thứ 138 trên bảng xếp hạng FIFA. Đó cũng là vị trí thấp nhất của đội tuyển Tây Á trong lịch sử. Sự lụn bại đó của UAE kéo theo thay đổi lớn ở quốc gia này.

Với nguồn lực kinh tế hùng hậu, những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại UAE mọc lên như nấm, kèm theo là sự xuất hiện của thế hệ vàng với các đại diện là Omar Abdulrahman, Ali Mabkhout hay Ahmed Khalil. UAE về đích thứ 3 tại Asian Cup 2015.

Sự mở cửa của chính phủ UAE với dân nhập cư cũng khiến Barca, Real Madrid, MU hay Arsenal đổ tiền vào quốc gia này nhằm đào tạo bóng đá trẻ.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, UAE về lý thuyết đã có những cơ sở rất tốt để trở lại, song công tác quản lý kém cỏi đã khiến đội tuyển này trả giá. UAE thất bại ở vòng loại cuối cùng của World Cup 2018 khu vực châu Á bất chấp việc họ sở hữu chân sút Ahmed Khalil ghi tới 16 bàn.

Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Qatar xây dựng đội tuyển dựa trên những yếu tố bắt buộc về lối chơi thì UAE luôn loay hoay trong việc tìm ra các HLV tốt. Họ thuê Edgardo Bauza bất tài về làm thuyền trưởng để rồi đổ bể kế hoạch dự World Cup 2018, trước khi mắc tiếp sai lầm với Alberto Zaccheroni cùng tư tưởng phòng ngự lỗi thời tại Asian Cup 2019.

UAE từng thuê Edgardo Bauza về làm HLV và khiến cả chiến dịch Vòng loại World Cup 2018 đổ bể. Ảnh: Getty.

So về độ giàu có và thời điểm bắt đầu phát triển bóng đá, UAE đi trước Qatar, quốc gia cũng thuộc vùng vịnh và có nhiều điểm tương đồng. Song khi Qatar đã tiến những bước rất dài trong công cuộc đào tạo bóng đá trẻ và có những kết quả cụ thể (vô địch Asian Cup 2019), UAE vẫn đang chật vật.

Tất cả đều xuất phát từ khả năng tổ chức nghèo nàn. Các HLV đến từ những trường phái khác nhau (từ Nga, Brazil, Bồ Đào Nha, Hà Lan đến cả Italy), được cho là quá ít thời gian và được bổ nhiệm sai thời điểm.

Càng giàu có, UAE càng biết cách tạo ra nghịch lý khi tự hạn chế lợi thế kinh tế bằng những quyết định thiếu sáng suốt trong công tác quản lý.

Khát khao Việt Nam là ước mơ của UAE

Nhìn trên góc độ phát triển bóng đá, bóng đá Việt Nam có những điều là giấc mơ với những người làm bóng đá UAE.

Khâu tổ chức và con người là yếu tố tiên quyết. Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đã thi đấu cùng nhau qua gần hai năm và đạt đến độ nhuần nhuyễn lý tưởng. Sơ đồ đội hình, cách di chuyển của từng cá nhân cùng kỷ luật là những điều mà Việt Nam trội hơn hẳn UAE, những người mới chỉ có cùng nhau 5 trận dưới thời HLV Van Marwijk.

Các CĐV UAE từng ném giày và cả trang sức xuống để sỉ nhục cầu thủ đội nhà vì thua trận. Ảnh: Getty.

Cuối cùng, khán giả chính là điều bóng đá UAE khát khao. Trong trận đấu đầu tiên tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á gặp Indonesia, khoảng 7.000 khán giả tới sân đấu Sport City Zayed Stadium với sức chứa 43.000 chỗ để theo dõi thầy trò Bert van Marwijk đè bẹp đối thủ 5-0.

Câu chuyện chưa tới 20% tới sân theo dõi ĐTQG thi đấu không tồn tại ở Việt Nam lúc này. Thành công dưới thời HLV Park Hang-seo biến mỗi trận đấu của Việt Nam trên sân Mỹ Đình thành một ngày hội bóng đá. Những khán đài luôn được lấp kín. Ở khắp nơi, các CĐV đều hướng tới màn hình để theo dõi các chàng trai áo đỏ.

Tại Asian Cup 2019, sau khi UAE thua Qatar 0-4 tại bán kết và bị loại. Hàng loạt vật dụng xa xỉ như giày hiệu, vòng vàng, trang sức gắn đá quý đã được CĐV UAE ném xuống sân.

New York Times nhấn mạnh rằng đây là hành động mang tính sỉ nhục trong văn hóa Arab. Nói cách khác, CĐV UAE đã quay lưng lại với đội tuyển quốc gia và số khán giả thưa thớt ở Vòng loại World Cup 2022 là minh chứng cho điều đó.

Mức sống vương giả tại UAE khiến người dân nước này có nhiều mối quan tâm hơn là bóng đá. Hành động ném đồ đạc đắt tiền xuống sân sau trận thua 0-4 chỉ càng đào thêm khoảng cách giữa CĐV và cầu thủ. Trong bất kỳ bộ môn thể thao nào, việc đối xử với nhau theo cách này đều không thể tạo ra sự phát triển.

Tuyển Việt Nam luôn có sự ủng hộ của khán giả nhà. Ảnh: Minh Chiến.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn UAE song tình yêu và khát khao với trái bóng tròn của chúng ta là điều không cần phải nhắc lại. Chính thứ tình cảm vô bờ bến ấy của khán giả là bàn đạp cực kỳ quan trọng trong sự vươn mình của đội tuyển Việt Nam. Đó cũng là điều UAE thèm muốn để phát triển bóng đá

Tối 14/11, UAE sẽ tới Mỹ Đình để hít thở thứ không khí bóng đá thực thụ. Rất có thể các cầu thủ đội khách sẽ tiếc nuối khi 90 phút kết thúc. Vì sự cuồng nhiệt như thế trên khán đài không phải lúc nào họ cũng có thể thấy ở quê nhà, và có thể vì điều quan quan trọng nhất là 3 điểm sẽ ở lại với thầy trò Park Hang-seo.

HLV Park Hang-seo: 'UAE thua Thái Lan đâu có gì đặc biệt' Chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định Thái Lan là đội bóng mạnh và việc thầy trò HLV Akira Nishino đánh bại UAE ở trận đấu hôm 15/10 không phải cơn địa chấn.

Nhật Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khi-khat-khao-viet-nam-la-giac-mo-cua-bong-da-uae-post1012917.html