Khi Hollywood vừa sợ vừa muốn dùng AI

Khi trưởng bộ phận kỹ thuật của hãng phim Paramount Global, Phil Wiser trình bày trước lãnh đạo hãng phim mối nguy và tiềm năng to lớn từ trí tuệ nhân tạo (AI), ông dùng công cụ tạo hình ảnh DALL-E. Trước tiên ông ra lệnh cho DALL-E vẽ cảnh SpongeBob, một nhân vật hoạt hình rất được ưa thích của hãng Paramount, đang lái máy bay. Ngay lập tức hình ảnh chú SpongeBob vuông vắn làm phi công bay lượn trên bầu trời xuất hiện trên màn hình.Một trong những rủi ro lớn nhất là các công cụ AI có thể tạo sinh các quyền sở hữu trí tuệ theo những cách thức hoàn toàn mới; khổ nỗi công chúng cũng có quyền sử dụng các công cụ AI như thế nên các hãng phim đang phải gấp rút nghiên cứu cách điều khiển các AI sao cho các hãng duy trì được quyền sở hữu bản quyền bất kỳ sản phẩm nào do AI tạo ra hay góp phần tạo ra.

AI để miêu tả cảnh hai tảng đá nói chuyện với nhau trong phim đoạt giải Oscar “Everything Everywhere All At Once”.

AI để miêu tả cảnh hai tảng đá nói chuyện với nhau trong phim đoạt giải Oscar “Everything Everywhere All At Once”.

Tiếp theo Wiser ra lệnh cho máy vẽ hình ảnh nhân vật Optimus Prime trong loạt phim Transformers đứng chễm chệ trên sân phim trường Paramount. Chỉ trong mấy giây, Tổng giám đốc Paramount Bob Bakish và các nhân vật khác trong ban giám đốc sững sờ chứng kiến hình ảnh con robot khổng lồ đứng sừng sững bên cạnh quán cà phê quen thuộc.

Cuộc biểu diễn này đặt ra các câu hỏi không dễ trả lời cho ngành điện ảnh khi AI đang dần xâm chiếm mọi lĩnh vực, kể cả trong phim ảnh. Trong nhiều trường hợp, quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm mang tính sáng tạo giờ phải giải quyết ra sao khi có sự tham gia của AI là điều họ chưa thể hình dung. Giả sử có người làm như Wiser, ra lệnh cho AI vẽ đủ loại tranh có nhân vật SpongeBob thì ai giữ bản quyền hình ảnh này, họ có được phép làm thế không, lấy cớ gì ngăn cản họ. Thậm chí nếu người ta dựa vào các nhân vật từng nổi tiếng trong phim để bắt AI sáng tạo ra phim mới thì sao, các tác phẩm này có được đăng ký bản quyền không, ai là chủ sở hữu chúng?

Ngành giải trí được xây dựng trên nền tảng quyền sở hữu trí tuệ; các hoạt động sáng tạo làm ra các ý tưởng, lời văn, hình ảnh, âm thanh rồi đến lượt chúng đẻ ra tiền cho các hãng dựa trên các hợp đồng biên soạn kỹ lưỡng quy định cách thức sử dụng, tiền bản quyền, cách ăn chia doanh thu, lợi nhuận. Nay các công cụ AI lớn nhanh như thổi đang như một cây gậy thọc vô bánh xe đang quay đều, có khả năng làm đảo lộn mọi thứ. Theo tờ Wall Street Journal, các hãng phim, nhà sản xuất, nhà biên kịch đã thử nghiệm với công cụ AI như ChatGPT hay DALL-E, Midjourney. Chúng có thể gợi ý đề tài, đưa ra sơ thảo kịch bản, phác họa nhân vật, thậm chí còn sản xuất những đoạn phim ngắn. Liệu các hãng có đăng ký bản quyền được với các sản phẩm do máy móc sáng tạo như thế này hay không?

Một trong những rủi ro lớn nhất là các công cụ AI có thể tạo sinh các quyền sở hữu trí tuệ theo những cách thức hoàn toàn mới; khổ nỗi công chúng cũng có quyền sử dụng các công cụ AI như thế nên các hãng phim đang phải gấp rút nghiên cứu cách điều khiển các AI sao cho các hãng duy trì được quyền sở hữu bản quyền bất kỳ sản phẩm nào do AI tạo ra hay góp phần tạo ra.

Hệ thống tư pháp Mỹ vẫn đang còn trong giai đoạn sơ khai khi bắt đầu xem xét các vụ kiện liên quan đến luật bản quyền áp dụng cho công cụ AI và sản phẩm chúng tạo ra. Vào tháng 2-2023, Getty Images đã kiện Stability AI, một hãng cho phép người dùng tạo ra hình ảnh dựa trên lời mô tả bằng văn bản. Đơn kiện cho rằng Stability AI đã sử dụng hơn 12 triệu tấm hình từ kho ảnh của Getty Images, không xin phép, để dạy cho phần mềm của họ bắt chước và sản sinh các hình ảnh tương tự.

Văn phòng Bản quyền Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu các vấn đề nảy sinh khi công nghệ AI ra đời, kể cả vấn đề sử dụng các nguyên liệu có bản quyền để dạy cho các mô hình AI. Trước đó họ đã điều chỉnh một giấy phép bản quyền mới cấp cho một cuốn truyện tranh khi họ biết hình ảnh trong sách được vẽ với sự góp sức của Midjourney, một công cụ chuyển lời văn miêu tả thành hình ảnh. Giấy phép nay ghi rõ tác phẩm không phải “là sản phẩm do con người chấp bút”.

Mặc cho mối lo về bản quyền, nhiều người trong làng làm phim ở Hollywood đang kỳ vọng AI sẽ hỗ trợ trước nhất là kỹ năng tạo ra hiệu ứng đặc biệt, giảm chi phí và làm phụ tá trong các hoạt động mang tính sáng tạo. Các nhà đầu tư mạo hiểm năm ngoái rót đến 4,6 tỉ đô la vào các công ty xây dựng các AI tạo sinh trên toàn cầu, tăng mạnh so với 1,9 tỉ đô la vào năm 2019. Hiện nay áp lực từ Wall Street buộc các hãng phim phải làm ra lãi từ các dịch vụ phát video trực tuyến mà đa số đang lỗ, như bộ phận phát trực tuyến của hãng Paramount lỗ đến 575 triệu đô la trong quí gần đây nhất. Họ kỳ vọng công cụ AI sẽ giúp giảm chi phí và đẩy nhanh tốc độ sản xuất.

Chẳng hạn, Evan Halleck, chuyên gia hiệu ứng đặc biệt đã dùng AI để miêu tả cảnh hai tảng đá nói chuyện với nhau trong phim đoạt giải Oscar “Everything Everywhere All At Once”. Bình thường họ phải dùng kỹ xảo để xóa hệ thống ròng rọc dùng để di chuyển các tảng đá, phải thay đổi vị trí đến 24 khung hình trong 1 giây. Nay công cụ AI tự động hóa quá trình này nên tiết kiệm được vài ba ngày vất vả. Hay trong phim “The Dating Game” do Anna Kendrick làm đạo diễn, nhà làm phim đã dùng AI để tạo ra 5.000 bức ảnh cho các đoạn phim miêu tả cảnh thời thập niên 1970, một công việc bình thường sẽ rất tốn công sức và chi phí.

Nói cách khác, giới làm phim không kỳ vọng vào AI như một công cụ sáng tạo, họ dùng chúng để tiết kiệm thời gian, giúp làm phim nhanh hơn, rẻ hơn, có khi lên đến cả hàng trăm triệu đô la nhờ AI. Trước mắt hãng nào cũng dùng AI để tạo ra phụ đề hay lồng tiếng, một thị trường lên đến 2,6 tỉ đô la mỗi năm.

Về khía cạnh sáng tạo, Hollywood không muốn nhân viên lo ngại rồi phản đối AI chiếm lấy công việc của họ, một nỗi lo được dư luận khuếch tán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây Netflix bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội sau khi công bố sẽ dùng một chương trình tự động ở Nhật để làm một phim anime ngắn. Người ta lo ngại công cụ AI tạo ra hình ảnh sẽ lấy đi cơ hội của các họa sĩ. Hiện nay, giới làm phim đã sử dụng công cụ AI để tạo ra hình ảnh diễn viên khi còn trẻ để người già vẫn đóng vai trẻ, lồng tiếng giả các nhân vật khán giả đã quen thuộc…

AI thật ra chỉ chế biến mọi thứ dựa vào cái đã biết chứ không thật sự sáng tạo ra điều gì mới. Công việc sáng tạo hiện nay vẫn là độc quyền của con người, ít nhất cũng trong một thời gian nữa.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-hollywood-vua-so-vua-muon-dung-ai/