Khi Hội đồng bảo an LHQ không cho Nga lên án Mỹ không kích Syria

Hãng tin AP ngày 14.4 (giờ Mỹ) đưa tin Hội đồng bảo an LHQ bác một dự thảo nghị quyết do Nga trình, mang nội dung đề nghị lên án việc Mỹ và 2 đồng minh Anh, Pháp không kích Syria tối 13.4.

Tổng thống Nga Vladimi Putin đã yêu cầu mở cuộc họp khẩn này, đòi Mỹ - Anh - Pháp lập tức chấm dứt “hành động xâm lược và sử dụng vũ lực”.

Nhưng khi tiến hành bỏ phiếu, đề xuất của Nga chỉ nhận được 2 phiếu thuận của Trung Quốc và Bolivia. Ngược lại 8/15 nước thành viên HĐBA bỏ phiếu chống: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Kuwait và Bờ Biển Ngà. 4 nước bỏ phiếu trống là Ethiopia, Kazakhstan, Equatorial Guinea và Peru.

Kết quả này phản ánh sự ủng hộ cuộc không kích các vị trí nghi có vũ khí hóa học (VKHH) của Syria, đồng thời cho thấy sự tê liệt nơi cơ quan quyền lực nhất LHQ khi xử lý cuộc khủng hoảng Syria.

“Trận đánh đẹp” và “Đạn đã lên nòng, Syria chớ ngu ngốc” của Mỹ

Chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad và quân đội Syria đã bị lên án là dùng VKHH giết dân thường ở thành phố Douma thuộc khu ngoại ô thủ đô Damacus ngày 7.4.

Nga và đồng minh thân cận Syria nói đã có sự dựng chuyện” và khẳng định không có chứng cứ vụ tấn công này.

Cuộc không kích của Mỹ - Anh - Pháp được tiến hành chỉ trong 1 giờ đêm 13.4 để trừng phạt và ngăn chặn chế độ Syria không được tái diễn. Lầu Năm Góc tuyên bố vụ tấn công đã đẩy khả năng VKHH của Syria “phải trở lui nhiều năm”.

Nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Nicky Haley cảnh cáo nếu Syria tái phạm vụ tấn công thì: “Đạn đã lên nòng” tại cuộc họp khẩn.

Bà Haley cho biết: “Chúng tôi tin tưởng đã làm tê liệt chương trình VKHH của Syria. Chúng tôi sẵn sàng tái lập việc này, nếu chính phủ Syra đủ ngu ngốc để thách thức chúng tôi thêm một lần nữa. Tôi đã báo cáo Tổng thống Mỹ và Ngài nói nếu Syria tiếp tục sử dụng chất độc hóa học một lần nữa, đạn của Mỹ sẽ được lên nòng”.

Tổng thống Trump đã viết Twitter “Một vụ không kích được xử lý hoàn hảo đêm qua. Cảm ơn Anh - Pháp. Không thể có kết quả đẹp nào khác. Nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Lầu Năm Góc, nói 3 mục tiêu bị tấn công chính xác và hiệu quả, 76 quả tên lửa gồm 57 quả “Búa” Tomahawk. Một trong 3 mục tiêu bị đập tan là Trung tâm nghiên cứu, sản xuất VKHH Barzah gần Damascus.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định máy bay của nước này đã bắn 12 tên lửa xuống mục tiêu ở Syria và "dường như không tên lửa nào bị đánh chặn".

Ông Sergei Rudskoi, một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga, cho biết tổng cộng 103 tên lửa, gồm tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk và các loại tên lửa không đối đất được bắn xuống lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, hệ thống phòng không Syria đã đánh chặn 71 quả.

Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định hệ thống phòng không của Syria sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không cũ thời Xô Viết còn bắn hạ được 12 tên lửa bắn xuống sân bay Dumeir ở phía đông thủ đô Damascus.

Hãng thông tấn nhà nước Syria dẫn nguồn tin từ Damascus cho biết các tên lửa không đánh trúng tất cả các mục tiêu do bị hệ thống phòng không của nước này đánh chặn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có tên lửa nào của Mỹ, Anh và Pháp bắn vào khu vực thuộc trách nhiệm bảo vệ của lực lượng phòng không của Nga tại hai căn cứ quân sự của Nga ở Tartus và Hmeimim.

Tuy nhiên, các quan chức ghi nhận các tài sản quân sự của Nga ở Syria không bị đe dọa. Các nhà phân tích quan hệ quốc tế giải thích điều này có nghĩa sẽ giảm thiểu mạnh khả năng Nga leo thang tình hình hoặc đánh trả đũa.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nicki Haley - Ảnh: AP

Tổng thống Nga lên án cuộc tấn công của Mỹ - Anh - Pháp

Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên HĐBA liên quan "kiềm chế và tránh leo thang" ở Syria, nhấn mạnh các nhà điều tra quốc tế đã ở Syria và sẵn sàng tiến hành điều tra.

Ông Guterres cũng nhắc lại các nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương LHQ, gồm cấm các hành vi "đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ nước nào".

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói cuộc họp xác nhận Mỹ và đồng minh “tiếp tục đặt chính trị, ngoại giao quốc tế vào những “huyền thoại” do Washington, London và Paris tạo ra”. Ông cáo buộc khối này vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế: “Hôm nay là một ngày rất buồn của thế giới. Hiến chương LHQ bị vi phạm trắng trợn”.

Đại sứ Anh tại LHQ Karen Pierce nhấn mạnh hành động của London là "hợp pháp" nhằm "chấm dứt thảm họa nhân đạo" ở Syria. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre nhấn mạnh cuộc tấn công là hành động cần thiết.

Tổng thống Putin chỉ trích hành động của Mỹ - Anh - Pháp là sự "gây hấn nhằm vào quốc gia có chủ quyền, hành động vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”, gây thêm đau khổ cho người dân, tạo cơ hội cho những phần tử khủng bố trỗi dậy, và kích động một thảm họa nhân đạo tại Syria thêm tồi tệ.

Ông Putin khẳng định việc các cường quốc phương Tây tiến hành tấn công Syria sẽ dẫn tới hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, thúc đẩy một làn sóng người tị nạn mới từ Syria cũng như trên toàn khu vực. Ông cũng cân nhắc việc cấp thêm hệ thống tên lửa S-300 cho Syria.

Bộ Ngoại giao Nga nói cuộc tấn công mới nhằm cản trở các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang có cuộc điều tra ở Douma. Bộ còn cho rằng cuộc tấn công của liên quân Mỹ là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, là một cuộc tấn công không có căn cứ vào một quốc gia có chủ quyền.

Ngày 11.4, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh một cuộc không kích của Mỹ nhắm vào Syria sẽ là nỗ lực xóa sạch các bằng chứng có thể cho biết ai là thủ phạm thực sự đằng sau vụ tấn công ngày 7.4 ở Douma.

Bộ Ngoại giao Iran cực lực lên án cuộc tấn công vào Syria do Mỹ dẫn đầu, nhấn mạnh Washington phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả từ vụ tấn công ở khu vực và xa hơn nữa, theo truyền thông nhà nước Syria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ủng hộ cuộc không kích, nói nước nào sử dụng VKHH thì phải bị quy trách nhiệm. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng ủng hộ, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cuộc không kích là “thích đáng và cần thiết”.

Tuy nhiên tại trụ sở Quốc hội Mỹ lại bùng phát cuộc tranh cãi về cuộc chiến chống khủng bố, và về việc chính phủ có thể giữ quân bao lâu ở Trung Đông. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump “hành động quân sự trái pháp luật”, và nói lẽ ra ông phải xin phép Quốc hội trước khi ra lệnh không kích.

“Bom không cứu được hòa bình”, Thủ tướng Anh bị trách không xin phép Hạ viện cho đánh Syria

Chính phủ Anh đã ra tuyên bố, nhất trí “chế độ Assad thường xuyên dùng VKHH và chịu trách nhiệm vụ tấn công ngày 7.4. Vì thế chính phủ Anh phải hành động để giảm thiểu thảm họa nhân đạo, ngăn chặn chế độ Assad tiếp tục tử sử dụng VKHH”.

Nhưng Thủ tướng Theresa May cũng bị các nghị sĩ chỉ trích, vì theo Hiến pháp Anh, lãnh đạo chính phủ không được phép hành động quân sự nếu không được các nghị sĩ bỏ phiếu thuận.

Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cáo buộc bà May “theo đuôi Trump”, nhấn mạnh vị nữ Thủ tướng phải xin phép Quốc hội trước. Ông nói “Bom gieo xuống không thể đem lại hòa bình. Đây là một hành động đáng bị thắc mắc về mặt pháp lý vì như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận, có nguy cơ gia tăng một cuộc chiến tranh tàn phá và từ đó có nhiều khả năng càng gây thêm tội ác chiến tranh và sử dụng VKHH”.

Bà May nói sẽ giải đáp thắc mắc trước Hạ viện trong ngày 16.4 tới.

Hồi năm 2013, tiền nhiệm của bà May là ông David Cameron từng không được Hạ viện Anh bỏ phiếu cho phép đánh Syria, với lý do Tổng thống Assad dùng VKHH giết dân thường. Tiếp đến, chính phủ Tổng thống Barack Obama cũng không được Quốc hội Mỹ cho phép đánh Syria.

Trung Trực (theo Washington Times, Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/khi-hoi-dong-bao-an-lhq-khong-cho-nga-len-an-my-khong-kich-syria-86102.html