Khi học trò nghiên cứu 'bệnh sợ học'

Ở cái tuổi 'ăn chưa no, lo chưa tới', trong khi bạn bè chủ yếu tập trung vào việc học tập và vui chơi thì Lê Thanh Nhã và Lê Huỳnh Mai Tâm (học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP Hồ Chí Minh) lại dành thời gian nghiên cứu về một 'căn bệnh' với tên gọi 'bệnh sợ học'.

Tuổi trẻ lối sống

Nhóm nghiên cứu diễn giải công trình trước Hội đồng giám khảo tại chung kết Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018.

Nhóm nghiên cứu diễn giải công trình trước Hội đồng giám khảo tại chung kết Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018.

“Ngại hoặc sợ một môn học nào đó là việc mà hẳn bất cứ học sinh nào cũng từng trải qua. Nỗi sợ này thực tế lại là một căn bệnh được chứng minh là có thật dựa trên các cơ sở khoa học với tên gọi Sophophobia” - Lê Thanh Nhã, một trong hai tác giả “nhí” của Công trình “Hội chứng Sophophobia ở học sinh THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” cho biết.

Công trình của Nhã và Tâm gồm ba sản phẩm chính gồm: Câu lạc bộ (CLB) SophoTKN, trang web giới thiệu về hội chứng và một cuốn “Cẩm nang Sophophobia”. CLB là nơi những học sinh cùng mắc “bệnh sợ học”, sử dụng “cẩm nang” để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm học tập; những vấn đề mang tầm vĩ mô hơn sẽ được tranh luận trên trang web với sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia. Cuốn “cẩm nang” được trình bày xúc tích, dễ hiểu bằng những hình ảnh sinh động, lập luận hồn nhiên nhưng chặt chẽ. Cuốn “cẩm nang” này mang đến cho người xem các khái niệm chung, biểu hiện, nguyên nhân và những cách khắc phục “bệnh sợ học”. Đặc biệt, những cách khắc phục “bệnh” được phân loại theo chín nhóm tính cách khác nhau qua một bài trắc nghiệm với cơ sở khoa học hiện đại.

Hai nữ tác giả “nhí” của công trình nêu trên đều từng... mắc “bệnh sợ học”. Và cũng vì nguyên nhân này, Nhã và Tâm đã cùng tìm hiểu, rồi dần dần đam mê lúc nào không hay. Với sự hỗ trợ của một số thầy, cô giáo và chuyên gia tâm lý, trong thời gian từ tháng 9-2017 đến tháng 1-2018, Nhã và Tâm đã tìm hiểu hàng trăm trang tài liệu tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài, đến nhiều trường học ở TP Hồ Chí Minh, trả lời hàng nghìn câu hỏi mà các thành viên trang web Sophophobia đặt ra... để khảo sát thực tế.

Quá trình nghiên cứu của hai nữ sinh 17 tuổi không đơn giản. Thời gian đầu, bạn bè chỉ nghĩ rằng Tâm và Nhã tự “bịa” ra Sophophobia để chống chế việc ngại học của bản thân. Khi lập ra web để tiến hành những khảo sát đầu tiên, nhiều người thậm chí đã để lại những lời bình luận ác ý khiến hai em rất thất vọng và chán nản. May mắn thay, đã có một số thầy, cô giáo trong trường biết, hiểu nỗ lực ấy và giúp đỡ hai em. Việc hai nữ sinh đến nhiều trường THPT tại TP Hồ Chí Minh để khảo sát về việc sợ học vô hình trung đã lan tỏa một phong trào học tập lạ lùng nhất từ trước đến nay. “Thành công nhất là chúng em đã giúp được nhiều bạn nhận ra rằng: sợ học không đồng nghĩa với lười biếng hay kém cỏi, mà thật sự là một căn bệnh với đầy đủ nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị có hiệu quả. Một số thầy, cô giáo còn sử dụng cuốn “Cẩm nang Sophophobia” làm giáo cụ trực quan để giảng giải, khuyến khích các bạn học tập”, Lê Huỳnh Mai Tâm chia sẻ.

Theo ThS Huỳnh Công Phúc, giáo viên hướng dẫn công trình của Nhã và Tâm, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn về hội chứng Sophophobia trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu là để nhằm hoàn thiện cuốn “Cẩm nang Sophophobia” và bắt đầu triển khai các buổi sinh hoạt theo chuyên đề tại CLB SophoTKN nhằm phổ biến thông tin về “bệnh sợ học” đến nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh hơn nữa.

“Hội chứng Sophophobia (sợ học) ở học sinh THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” là một trong 14 đề tài tiêu biểu, đã vượt qua gần 400 công trình, sáng kiến khác để lọt vào chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, kết thúc vào ngày 11-11 vừa qua.

Bài và ảnh: Hằng PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/38350602-khi-hoc-tro-nghien-cuu-%E2%80%9Cbenh-so-hoc%E2%80%9D.html