Khi họa sĩ 'sắm vai' thợ mộc

Người ta nói, sức hút của tranh ghép gỗ không chỉ ở vẻ đẹp hiển nhiên của nó mà còn bởi sự cảm phục của người thưởng ngoạn dành cho những nghệ nhân.

Làm tranh đã khó, duy trì nghề này cũng chẳng dễ dàng gì.

Làm tranh đã khó, duy trì nghề này cũng chẳng dễ dàng gì.

Quả thật, khi sản phẩm hoàn thành, niềm hạnh phúc của người nghệ nhân là khi sờ vào bức tranh ghép gỗ, có cảm giác như chạm vào một bức sơn mài với bề mặt láng mịn, nhẵn bóng, không hề có một đường gờ nổi lên dù tác phẩm được ghép từ hàng nghìn mảnh gỗ khác nhau. Người làm tranh ghép gỗ lúc "sắm vai" thợ mộc, lúc như họa sỹ, lúc lại là nhà điêu khắc. Nghề này thật lắm công phu!

Nghề cha truyền con nối

Mỗi khi nhắc đến tranh ghép gỗ nghệ thuật, người trong giới sẽ nghĩ ngay đến nghệ nhân Nguyễn Văn Viện, thôn Khúc Toại, xã Khúc Xuyên (TP.Bắc Ninh), ông được mệnh danh là "cha đẻ" của những bức tranh ghép bằng gốc, rễ cây.

Sinh ra trong cái nôi của làng nghề mộc Kinh Bắc xưa, Nguyễn Văn Viện thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu nhưng đành lỡ hẹn với giảng đường vì gánh nặng kinh tế gia đình.

Trở về quê hương, ông quyết định lập nghiệp với đam mê chế tác tranh từ gốc, rễ cây hay những phế phẩm bỏ đi của nghề mộc. Từ ý tưởng đó, qua những năm tháng làm nghề, công nghệ làm tranh gỗ của ông ngày càng sắc sảo.

Tranh ghép gỗ rễ cây của nghệ nhân Nguyễn Văn Viện có chủ đề phong phú với những đề tài truyền thống xoay quanh cuộc sống, thiên nhiên, con người.

Ông cho biết: “Tranh ghép từ gốc của những cây gỗ hay rễ cây tạo cho tranh có màu sắc đặc trưng nhất, tự nhiên nhất. Đồng thời, độ ánh cao hiếm lạ có chủ yếu ở gốc cây rất thích hợp cho việc làm tranh ghép gỗ”.

Với đam mê và quyết tâm truyền nghề đi xa hơn, hàng năm, ông Viện đều tổ chức những lớp đào tạo nghề tranh ghép gỗ miễn phí cho các học viên từ khắp mọi miền. Mỗi lớp 10 học viên, chủ yếu là lao động thanh niên nông thôn, con em gia đình chính sách, trẻ cơ nhỡ, khuyết tật…

Các học viên cho biết, nghệ nhân Viện dạy rất bài bản, mỗi buổi lên lớp ông đều gói gọn trong một bài giảng. Vừa dạy lý thuyết kết hợp thực hành tại chỗ nên các học viên học nghề rất nhanh.

Hiện nay, xưởng sản xuất của nghệ nhân Viện đang tạo nghề cho hơn 10 lao động với thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng, những thợ có tay nghề cao thu nhập đạt khoảng 6 – 7 triệu đồng.

Làm tranh đã khó, duy trì nghề này cũng chẳng dễ dàng gì. Tuy vậy, câu chuyện người thật việc thật về tranh ghép gỗ khiến nhiều người càng thêm yêu mến dòng tranh này. Những nghệ nhân giỏi đều ý thức về việc duy trì và bảo tồn môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Làm tranh ghép gỗ có thể không giàu nhưng cũng sống được. Tuy nhiên, điều mà các nghệ nhân tâm đắc hơn cả là thể hiện được tình yêu đối với văn hóa truyền thống qua những bức tranh và thỏa mãn lòng đam mê nghệ thuật của họ.

Cái giá của nghệ thuật

Lâu nay, tranh ghép gỗ được sản xuất ở nhiều địa phương, tập trung từng làng, hoặc do từng hộ gia đình in riêng. Những làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh ghép gỗ gồm: Đông Hồ (Hà Bắc), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ Tĩnh), Sình (Huế).

Về cơ bản, tranh được làm từ nguyên liệu chính là gỗ, hình ảnh bức tranh được thể hiện bằng cách dùng nhiều loại gỗ có vân gỗ, màu sắc khác nhau khảm trên nền là một tấm gỗ có diện tích trải rộng. Tranh ghép gỗ nghệ thuật có 2 loại: Tranh khảm nổi: các đường nét nổi lên khỏi nền bức tranh; Tranh khảm chìm: các đường nét phẳng bằng với nền bức tranh.

Tranh mỗi vùng mang đậm sắc thái và kỹ thuật riêng nhưng đều giống nhau một nét là hết sức hồn nhiên, trực cảm. Nội dung, hình thức đều độc đáo: ý tứ và bố cục, nét vẽ và bảng màu, lại thêm cảm quan hài hước sắc sảo trong xử lý đề tài, hình thành từ cội nguồn văn hóa, và phong tục tập quán riêng.

Tranh ghép gỗ vẫn được nhiều người sành nghệ thuật yêu thích bởi cách phối màu (của gỗ tự nhiên) nhuần nhuyễn và tinh tế. Sức hút của dòng tranh này không chỉ ở vẻ đẹp hiển nhiên của nó mà còn bởi sự cảm phục của người thưởng ngoạn dành cho những nghệ nhân.

Các tác phẩm tranh gỗ đòi hỏi ở nghệ nhân sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Một bức tranh ghép đơn giản như Tứ bình cũng mất ba tuần lễ mới hoàn thành. Có bức mất khoảng 6 tuần để ghép thật khít khao khoảng 2.500 mảnh của hơn 150 loại gỗ.

Ghép xong, người nghệ nhân phải tạo độ phẳng mịn cho tranh, cuối cùng là phủ lên mặt tác phẩm một lớp keo để giữ cho màu gỗ luôn được tự nhiên. Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của bức tranh chính là tìm cho được thớ gỗ và màu sắc gỗ thích hợp.

Trước đó, người nghệ nhân cũng phải phải bỏ khá nhiều công sức để thao tác các công đoạn: xử lý, chống mối mọt, chống co dãn, ép phẳng gỗ...mất hàng tháng trời. Sau đó mới bắt đầu hì hục cưa, đục, đẽo gọt, trau chuốt, chắp gắn suốt ngày đêm theo bản mẫu đã vẽ sẵn.

Sau khi bức tranh đã hoàn thành công đoạn gắn ghép mới bước sang công đoạn mài giũa, đánh bóng... Nghệ nhân làm tranh ghép gỗ không những biết cầm cọ vẽ, mà còn phải có sức khỏe, có thể cầm được cưa, búa, đục...

Nghề làm tranh ghép gỗ nhọc nhằn vô cùng, bởi vậy môn nghệ thuật này luôn là một kho báu vô giá đối với các nhà sưu tập và nghiên cứu.

Xuất hiện từ xa xưa và trải qua nhiều thế hệ, tranh ghép gỗ đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị trường tồn. Tuy nhiên, để môn nghệ thuật này không bị mai một theo thời gian thì sự tiếp nối vô cùng quan trọng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-hoa-si-sam-vai-tho-moc-3907337-c.html