Khí hậu ấm lên khiến nguồn cá và hải sản suy giảm

Qua thí dụ về bờ biển New England là một trong những vùng nhiều cá nhất nước Mỹ và Bắc Mỹ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng tình trạng khí hậu ấm lên khiến nguồn cá và hải sản nghèo đi, ảnh hưởng đến ngư dân và điều này cần phải được tính đến khi quản lý nguồn cá.

Khi khí hậu ngoài khơi New England ấm lên, nghề đánh bắt truyền thống sa sút khiến nhiều ngư dân bỏ việc - Ảnh: Anna Birkenbach

Khi khí hậu ngoài khơi New England ấm lên, nghề đánh bắt truyền thống sa sút khiến nhiều ngư dân bỏ việc - Ảnh: Anna Birkenbach

Theo Phys.org, bờ biển New England là một trong những vùng nhiều cá nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, do thay đổi khí hậu, số lượng các loài cá thương mại bị giảm và ngư dân phải tìm cách khác để kiếm tiền. Vấn đề chính của ngành công nghiệp đánh bắt thường là khai thác quá mức tài nguyên. Tuy nhiên, trong thế kỷ này, ngư dân đang ngày càng phải đối mặt với một mối đe dọa khác - biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Delwar đã chứng minh điều này với ví dụ về New England, một trong những vùng nhiều cá nhất ở Bắc Mỹ.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh số lượng việc làm trong ngành đánh bắt cá ở các quận ven biển của New England với biến động về nhiệt độ. Các tác giả đã chọn cái gọi là dao động (oscillation) Bắc Đại Tây Dương làm chỉ báo về biến đổi khí hậu. Nếu chỉ số này có giá trị âm thì ở bờ biển New England, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho đánh bắt cá. Tuy nhiên, giá trị chỉ số dương có nghĩa là vùng nước ấm ít cá. Với sự nóng lên toàn cầu, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn.

Nhiệt độ cao có hại cho nhiều loài quan trọng, từ tôm hùm, loài nhuyễn thể đến cá, những cá non dưới một tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Điều này có nghĩa là chỉ vài năm sau, ngư dân mới cảm thấy bị tác động.

Các tính toán cho thấy việc tăng chỉ số trên làm giảm 2% sản lượng đánh bắt cá ở New England và trong các năm tiếp theo làm giảm thêm 10%. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu lao động.

Khi khí hậu liên tục ấm lên, các tác động tiêu cực tích tụ lại. Kết quả là, từ năm 1996 đến 2017, ngành công nghiệp đánh cá New England đã mất 16% tổng số việc làm.

Các nhà khoa học lưu ý rằng để duy trì số lượng việc làm, cần phải tính đến sự thay đổi khí hậu khi quản lý nguồn cá. Điều này không chỉ áp dụng cho New England, mà còn cho các khu vực giàu cá trên thế giới. Nhiệt độ tăng không phải là vấn đề duy nhất mà động vật biển phải đối mặt trong thời đại biến đổi khí hậu. Nước càng ấm, càng ít oxy hòa tan trong đó. Chỉ riêng trong 50 năm qua, nồng độ oxy trong nước biển đã giảm trung bình 2%.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/khi-hau-am-len-khien-nguon-ca-va-hai-san-suy-giam-127388.html