Khi hạt giống không có đất trồng

Nhiều nghệ sĩ phải đưa các tiết mục biểu diễn của mình lên mạng ảo thay vì biểu diễn thật trên thánh đường sân khấu.

Khi hạt giống không có đất trồng

Khi hạt giống không có đất trồng

Đó là thực trạng đang diễn ra đối với nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Nếu ví nghệ thuật biểu diễn là đam mê của nghệ sĩ, thì sân khấu chính là "đất trồng" nuôi dưỡng đam mê. Không có đam mê, nghệ sĩ chỉ như một "cái xác không hồn", hoặc như một con robot được lập trình để làm những thứ mà chính nó cũng không biết là gì.

Trong khi mảnh đất nuôi dưỡng đam mê bị thiếu hụt, các nghệ sĩ buộc phải diễn trên "mảnh đất ảo", là mạng xã hội. Như nghệ sĩ Cát Tường, chị phải làm kênh YouTube riêng để đưa lên những tiết mục biểu diễn. Tuy nhiên, đó không phải là đam mê của chị, cũng không phải là mong muốn của các nghệ sĩ sân khấu.

"Đam mê của nghệ sĩ chính là thánh đường sân khấu. Nhưng vấn đề là khi muốn biểu diễn, chúng tôi phải đi thuê rạp đến 30 - 40 triệu đồng/đêm. Với giá 200 nghìn đồng/vé, dù bán được 3/4 số ghế vẫn không đủ trả tiền thuê rạp, phải liên tục bù lỗ" - đó là tâm sự rất thật nên cũng mang nặng tâm tư của nghệ sĩ Cát Tường nói riêng và nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói chung.

Chính sách vĩ mô của Nhà nước về văn hóa được ghi trong Hiến pháp năm 2013, có điểm: Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn học, nghệ thuật. Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích hoạt động nghệ thuật văn hóa, nghệ thuật quần chúng.

Chính sách của Nhà nước rất đúng đắn, tuy nhiên thực tế với câu chuyện thiếu rạp biểu diễn đã tồn tại từ lâu. Ông Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM công nhận thực tế này và mong muốn Nhà nước có thể tháo gỡ, hỗ trợ để các đơn vị xã hội hóa sáng đèn.

Nhưng dư luận đặt ra câu hỏi, làm sao sân khấu có thể sáng đèn khi chúng ta chưa có tầm nhìn dài hạn mà cứ luẩn quẩn trên giấy với những dự án vĩ mô? Trong khi việc cấp thiết là phải có sân khấu để nghệ sĩ diễn, nếu không chỉ nay mai sân khấu sẽ chết dần?

Trở lại câu chuyện hạt giống – đất trồng, có một điều chắc chắn hạt giống không có đất trồng thì không thể đâm chồi nảy lộc, đó là bi kịch. Lối thoát duy nhất được đa số nghệ sĩ sân khấu đề xuất là cơ quan có thẩm quyền nên khôi phục một số rạp hát cũ, sửa chữa để có những nhà hát khang trang dành cho hát bội, cải lương, kịch nói… Khi đã cải tạo rạp hát, Nhà nước nên giao cho các đơn vị xã hội hóa trên phương thức đấu thầu.

Các đơn vị này sẽ phải chuẩn bị tiềm lực về nhân sự, kinh tế để đảm bảo có đủ đạo diễn, nghệ sĩ; bảo đảm đủ suất diễn, doanh thu để chi phí tái sản xuất sản phẩm văn hóa có đầy đủ tính giải trí, thẩm mỹ, định hướng và giáo dục.

Nếu không làm như thế, ngành sân khấu cứ mãi loay hoay. Vì đến nay, các đơn vị xã hội hóa vẫn trong tình trạng thuê mướn rạp từng ngày mà không biết đầu tư ra sao, vì đầu tư rồi lỡ bị đuổi ra thì trắng tay.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/khi-hat-giong-khong-co-dat-trong-1597127390960.html