Khi hàng lậu 'lăn' qua biên giới (kỳ 1)

Gần một tháng sau khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tấn công triệt phá đường dây buôn lậu lớn tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, hoạt động buôn lậu tuy không công khai như trước nhưng vẫn âm thầm diễn ra ở những điểm nóng.

Liên quan đến vụ buôn lậu đã có 2 cán bộ Bộ đội biên phòng bị đình chỉ công tác và quan điểm của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn là điều tra, làm rõ và sai đến đâu xử lý đến đó.

Tới Cao Lộc – nơi mà cách đây gần một tháng đã diễn ra cuộc truy bắt hàng lậu lớn nhất trong năm, tuy trời mưa rét nhưng không vì thế mà hoạt động mang vác hàng lậu ngừng lại. Đêm 14-12-2018, hàng loạt xe tải chở 40 tấn hàng lậu ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc đã bị bắt giữ.

Qua kiểm đếm mặt hàng dược liệu chiếm tới hơn một nửa, khoảng 23 tấn. Kiểm tra kho hàng của một người tên Thọ (Thọ “vâu” ở TP Lạng Sơn) lực lượng chức năng đã thu hơn 10 tấn dược liệu. Đường dây buôn lậu lớn ở Lạng Sơn đã bị triệt phá, tuy nhiên khi tới khu vực biên giới vào ngày giáp Tết, chúng tôi vẫn thấy sức nóng của hoạt động vận chuyển hàng lậu.

Không vác được thì lăn hàng

Trên chuyến xe “su cóc” từ TP Lạng Sơn lên thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) vào trưa 10-1, chúng tôi nghe 2 “đầu nậu” đều là phụ nữ liên tục gọi điện thoại giao “hàng” cho cửu vạn. Đây là thời điểm nghỉ trưa nên cửa vạn tranh thủ mang vác hàng qua biên giới. Điện thoại liên tục, lát lại giao việc cho cửu vạn chờ đón hàng ở mốc 05, 06; lát lại nhận điện thoại hàng đã tới, cho người ra nhận…

Thấy chúng tôi đi cùng xe, tưởng dân dưới xuôi lên Tân Thanh đánh hàng, khi chúng tôi bắt chuyện, một phụ nữ cho biết, mình là “đầu nậu” ở bên kia biên giới. Chủ hàng ở Hà Nội “đặt” mặt hàng nào thì chị sẽ lấy tại các xưởng bên kia Trung Quốc, sau đó đưa hàng đến đường biên, chờ thời điểm thuận lợi cho cửu vạn vận chuyển qua đường mòn, đồi dốc để về nội địa.

Địa bàn vận chuyển hàng lậu thường ở mốc 05, 06 thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc). “Hôm qua tụi em vừa lăn hàng ở Tân Thanh”. Thấy tôi ngạc nhiên, chị phụ nữ giải thích: “Dốc dựng đứng không lăn thì sao mà vác được”.

Những mặt hàng không vỡ như quần áo, dày dép, túi xách… cửu vạn chọn các đường mòn ở khu vực Tân Thanh, từ trên đồi cao lăn các bao tải xuống. Dưới chân đồi có đội quân chờ sẵn, hàng lăn xuống được chuyển lên ôtô, xe máy đưa vào tập kết nhà dân, đợi trời tối hoặc sáng sớm vận chuyển vào nội địa.

Theo hai “đầu nậu” này thì từ khi Bộ Công an phá đường dây buôn lậu ở xã Cao Lâu, cơ quan chức năng làm gắt gao hơn, nên hoạt động vận chuyển hàng lậu khó khăn hơn. “Từ hôm đó tới nay chúng em bị ảnh hưởng không ít, từ sáng tới giờ mới được một chuyến” – chị phụ nữ than thở. Thấy tôi băn khoăn về thời tiết mưa rét, chị này thẳng thắn: “Mưa chúng nó vác được hết. 1-2h sáng đuốc sáng rực bên đồi”.

Theo chân một “cửu vạn” đi cùng xe “su cóc” đến cửa khẩu Cốc Nam, chúng tôi thấy anh này nhanh chóng lẩn vào khu vực đường mòn ở cánh gà phía trái. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, dù là trời mưa rét, cửu vạn đón hàng khi đội quân bên kia bên giới vác sang.

Ở các đường mòn này, khi hàng tập kết lên ô tô, mỗi xe luôn có từ 2-3 người cảnh giới, thấy lực lượng Công an ập đến, họ ngăn cản, quyết không mở cửa để cho lái xe tăng ga bỏ chạy. So với thời điểm trước đây thì tại Cửa khẩu Cốc Nam hoạt động mang vác hàng đối với cư dân biên giới đã giảm.

Theo ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam thì trên đồi ở hai bên cánh gà của cửa khẩu luôn có 2 chốt gác của lực lượng Hải quan và Biên phòng nhằm chặn hàng lậu. Nhưng cửu vạn lại đi vòng đường khác. Ông Bách cũng cho biết, tại cửa khẩu Cốc Nam không hình thành đường dây, ổ nhóm, kho chứa hàng lậu.

Hải quan và Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tuần tra kiểm soát ở khu vực biên giới.

Trăm cách để hàng lậu lọt nội địa

Trước khi xảy ra vụ đột nhập bắt đường dây buôn lậu xảy ra vào đêm 14-12-2018 tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc thì tại khu vực này xe ôtô tải ngang nhiên vào tận biên giới bốc hàng, điều đó cho thấy hoạt động buôn lậu ngày càng có tính chất nguy hiểm, trắng trợn.

Vào đầu năm 2018, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Đội 389 tỉnh đã tiến hành kiểm tra 11 xe ôtô, loại xe tải ben, đi từ thị trấn Cao Lộc ra TP Lạng Sơn, trên xe vận chuyển hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam.

Đã làm rõ 4 đối tượng liên quan gồm: Trần Văn Kim, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Xuân Vượng và Trịnh Đức Thọ, đều ở TP Lạng Sơn cùng có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định xử phạt hành chính 232,500 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa tịch thu là 344,978 triệu đồng, buộc nộp lại 732,7 triệu đồng số tiền thu lời bất hợp pháp.

Theo Công an tỉnh Lạng Sơn thì địa bàn biên giới do Bộ đội Biên phòng quản lý, lực lược Công an không vào được. “Đánh” hàng lậu dễ nhất vẫn là vận chuyển qua biên giới, hàng thường đi vào lúc 1-2h sáng qua đường mòn, đường tắt.

Cửu vạn gắn trách nhiệm mất hàng phải đền nên chống đối quyết liệt. Biên phòng và Hải quan là lực lượng quản lý biên giới, nếu không làm chặt, không quản lý đường biên tốt và đặc biệt không ngăn người thì chuyện vác hàng lậu vẫn diễn ra.

Để đấu tranh với hàng lậu trong nội địa, theo Đại tá Hoàng Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn thì đầu nậu thường sử dụng phương thức thuê luật sư tư vấn, đứng sau chỉ đạo, điện cho đối tượng ở Trung Quốc đặt hàng, điện cho nhiều đối tượng người Việt Nam chia công đoạn vận chuyển.

Khi qua biên giới, đối tượng kinh doanh sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để hợp thức hóa vận chuyển trên các loại xe ôtô theo quốc lộ 1A, 1B về sâu trong nội địa. Các đối tượng khai thấp để trốn thuế, đây là trách nhiệm của Cục Thuế khi bán hóa đơn cho doanh nghiệp không kiểm soát giá thực tế.

Theo Đại tá Hoàng Anh thì để khởi tố tội buôn lậu phải có chủ hàng, người mua – bán, nhưng đối tượng sử dụng hóa đơn hợp thức hàng lậu nên rất khó đấu tranh.

Theo Cục QLTT Lạng Sơn thì qua đấu tranh đơn vị đã làm rõ được một số đối tượng hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn chứng từ. Điển hình là kiểm tra xe ôtô tải BKS 29H-033.15 do ông Nguyễn Văn Cường (Bắc Giang) lái xe đồng thời áp tải hàng hóa xuất trình 1 tờ hóa đơn bán hàng số 0017029 lập ngày 20-4-2018 do ông Nguyễn Văn Lượng (địa chỉ kinh doanh ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) xuất bán cho bà Nguyễn Thị Thư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Quá trình xác minh, Đội QLTT số 9 đã lập biên bản vi phạm đối với ông Lượng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trình cấp có thẩm xử phạt xử phạt 40 triệu đồng, buộc ông Lượng nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính 85,2 triệu đồng.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn: Phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động của các đối tượng so với năm trước không thay đổi, chủ đầu nậu tập kết hàng ở các khu biên mậu sát biên giới và thuê người dân mang vác nhỏ lẻ, lợi dụng địa hình phức tạp, vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn biên giới khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Khe Bà Lan, Thác Ném, đường đồi 386 (xã Tân Mỹ - huyện Văn Lãng); khu vực Đồi Cao, Nà Han, Rọ Bon (xã Tân Thanh – huyện Văn Lãng); khu vực đường mòn dốc 05, 06, Thác Nước (thị trấn Đồng Đăng - Cao Lộc), một số đường mòn trên địa bàn các xã Yên Khoái, xã Tú Mịch, xã Tam Gia huyện Lộc Bình.

PV

Trần Hằng – Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/bai-1-hang-lau-lan-qua-bien-gioi-529330/