Khi hàng không là 'bà đỡ' cho du lịch

Mục tiêu dài hạn của Việt Nam đến năm 2020 có thể đón 20 triệu khách quốc tế - Đây là con số khá lớn khi phải có một lượng khách tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm. Để đạt được, đòi hỏi ngành du lịch phải có nhiều bước chuẩn bị bài bản và đồng bộ, trong đó ngành hàng không đang được coi là 'bà đỡ' cho ngành này.

Theo số liệu thống kê, năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016 (tương đương 2,9 triệu lượt khách). Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,15%; Khách đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; Đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%...

Để gỡ khó cho ngành du lịch, tại Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, hàng không và du lịch là 2 mắt xích không thể tách rời. Hàng không chính là cú hích để ngành công nghiệp không khói có thể phát triển bứt phá và ngược lại.

Phân tích rõ hơn về những điểm mạnh mà ngành hàng không mang lại, nhiều ý kiến cho rằng, hàng không tác động khá mạnh mẽ đến nền kinh tế. Theo cách tính đơn giản của nhiều chuyên gia, bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, 1.000 khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD. Đối với khách quốc tế là 500 USD, 200 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế.

Để mục tiêu dài hạn của du lịch thành hiện thực thì vai trò của
ngành hàng không đang được chú ý (Ảnh TL).

Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright nhấn mạnh: “Nếu trung bình các nước có thu nhập 18-24 nghìn USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người. Ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung, đối với ngành du lịch, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh”.

Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam là đến năm 2020 có thể đón 20 triệu lượt khách quốc tế. Đây không phải là một con số quá lớn, song cũng không dễ dàng khi đến hết 2017, Việt Nam mới chỉ đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế. Theo nhận định của giới chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, ngành này cần phải có một sự bứt phá trong đó cần chú trọng đến ngành hàng không.

Nhận định về mối quan hệ giữa hàng không và du lịch, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch Việt Nam - cho biết, từ trước đến nay, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, hàng không vận chuyển nhiều khách du lịch nhất. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại đến một số điểm du lịch đang vượt quá khả năng vận chuyển của hàng không.

Theo các chuyên gia trong ngành, hàng không là lĩnh vực đã tạo ra 2,7 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 3% GDP toàn cầu. 1.400 hãng hàng không, 26.000 máy bay thương mại, thực hiện trên 32 triệu chuyến bay trên toàn cầu. Năm 2017, ngành hàng không đã tạo ra doanh thu 754 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 34,2 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thiện Tống, để ngành hàng không có thể bứt phá trong thời gian tới, cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng. Chính phủ, Quốc hội phải có hội thảo để đóng góp ý kiến quốc gia về hàng không dân dụng, trong đó có những vấn đề hạ tầng cho các sân bay. Cần có chính sách mạnh, rõ ràng để khuyến khích đầu tư phát triển hàng không. Trước đây, ta nói hàng không là quốc gia, không có tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều. Hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, để ngành hàng không phát triển thì trước hết kinh tế - xã hội phải phát triển, phải hội nhập quốc tế, tăng cường đầu tư để nhu cầu đi lại tăng cao, từ đó tạo ra lượng khách vào Việt Nam du lịch tham quan, làm ăn.

An Sương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/khi-hang-khong-la-ba-do-cho-du-lich-41350