Khi hàng giả biến tướng thành hàng xách tay bày bán công khai

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2015 hàng giả lại được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng, doanh thu được ghi nhận từ một trang mạng vào thời điểm đó là hơn 1 tỷ đồng/ tháng.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và Truyền thông Công ty L’Oreal cho biết tại Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” diễn ra hôm nay (26/11).

10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết trong 01 năm vừa qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Theo ông Đạt, sản phẩm giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả ( ảnh: T.Dịu)

Theo ông Đạt, sản phẩm giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả ( ảnh: T.Dịu)

Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

Điển hình như vụ việc hàng giả là quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP. Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp-Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên); TP. Hải Phòng (kho hàng hóa tại quận Hải An). Hay mới đây là vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

“Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn. Chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…”- ông Đạt cho biết thêm.

Ngoài ra, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong khi đó, bản thân người mua hàng rất khó phát hiện.

Hàng giả được quảng cáo công khai trên các trang báo mạng tin cậy

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Trần Trọng Hữu –Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc chia sẻ, thị trường kinh doanh gas rất phức tạp, nhất là có nhiều đối tượng là xã hội đen, đầu gấu nên lực lượng QLTT địa phương khi vào kiểm tra chưa chắc đã được mà phải có sự phối hợp của lực lượng Công an.

Đặc biệt, ông Hữu cho biết một hành vi rất nguy hiểm hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh gas đó là tình trạng các xe bồn đi thu gom các bình gas và thực hiện sang chiết gas ngay trên xe. Tình trạng này đang diễn ra mạnh tại một số tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình…

Còn bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và Truyền thông Công ty L’Oreal cho biết, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2015 hàng giả lại được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng, doanh thu được ghi nhận từ một trang mạng vào thời điểm đó là hơn 1 tỷ đồng/ tháng.

Việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt qua mạng làm cho việc chống hàng giả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường trở nên khó khăn và vất vả hơn do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi.

Thượng tá Đỗ Đức Tạo cho biết, mức xử phạt hình sự hiện nay là cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm ( ảnh: T.Dịu)

Lấy ví dụ như thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của LOreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline). Việc quảng cáo cho hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẩn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Nguồn mỹ phẩm nhập lậu hay còn gọi tên là xách tay và hàng giả nắm giữ thị trường đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực như gây ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng đang bị lừa dối và chính phủ thất thu nguồn thuế lớn.

“Hàng mỹ phẩm thông qua đường hàng không hiện tại chính là nguồn hàng nhập lậu phổ biến và cần phải có biện pháp thực hiện quyết liệt và triệt để”- bà Trinh cho hay.

Trước thực tế này, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó Trưởng phòng 11, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, trước tình hình vi phạm về SHTT đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng hàng hóa bị xâm phạm, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt như: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT tầm nhìn đến năm 2030 và chỉ đạo 9 Bộ, ngành tiếp tục ký kết Chương trình phòng chống xâm phạm SHTT giai đoạn 3 (đã triển khai có hiệu quả 2 giai đoạn từ 2010 đến 2016).

Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ông Đỗ Đức Tạo cũng cho biết, trong năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 407 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 50 vụ/63 bị can.

Thanh Dịu

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/khi-hang-gia-bien-tuong-thanh-hang-xach-tay-bay-ban-cong-khai-79171.html