Khi giống loài ngày càng bị đối xử như thứ hình nhân vô hồn

Trong tiểu thuyết 'V.', tác giả đặt ra câu hỏi: con người có thể là gì trong đời này ngoài việc liên tiếp đóng vai những đối tượng thí nghiệm vô hồn cho bạo lực?

“Lịch sử, Stephan nói, là cơn ác mộng mà tôi đang cố gọi mình thức tỉnh” - Nhân vật Stephan Dedalus của James Joyce đã từng cảm thán như vậy trong Ulysses. Còn trong mắt Thomas Pynchon, lịch sử lại là một mạng lưới những chỉ dấu và mật mã, dường như che đậy một đại âm mưu khủng khiếp nhất, hoang đường nhất và gây hoài nghi nhất.

“Một cuốn sách rực rỡ và hỗn loạn”, “tiểu thuyết độc đáo số một xuất bản năm 1963”, “không một độc giả nào hay một tiểu thuyết nào của Mỹ lại không bị biến đổi hay bị thách thức bởi tác phẩm đáng kinh ngạc này”... đó chỉ là một vài trong số rất nhiều lời thán phục dành cho V. - tác phẩm đầu tay của nhà văn Mỹ Thomas Pynchon.

Một tác giả bí ẩn

Ra đời khi nhà văn mới là chàng thanh niên 26 tuổi, cuốn sách đồ sộ kiến thức và đa tầng biểu tượng của Pynchon cho đến lúc này vẫn được hàng triệu học giả và người đọc khắp thế giới nghiên cứu và giải nghĩa.

Tác giả Thomas Pynchon.

Tác giả Thomas Pynchon.

Thomas Ruggles Pynchon Jr. là một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy là một sinh viên ngành kỹ thuật xuất sắc tại trường đại học, năm thứ hai ông đã nghỉ học để gia nhập Hải quân Mỹ trong hai năm, một khoảng thời gian đã để lại dấu ấn sâu đậm cho các câu chuyện của ông sau này.

Năm 1957, ông quay lại học tại Đại học Cornell, có lẽ đây chính là thời điểm ông được tiếp nhận ảnh hưởng của Vladimir Nabokov. Có một điều chắc chắn là, những tưởng tượng có tính cách tân của ông, sử dụng các chủ đề về việc diễn giải những mấu chốt, những trò chơi, và mật mã có thể xuất phát từ Nabokov, còn giọng văn linh hoạt của Pynchon có thể được phát triển từ chứng hoang tưởng trong thi ca.

Về đời tư, Thomas Pynchon là một người sống ẩn dật, tránh mọi tiếp xúc với công chúng lẫn giới truyền thông. Suốt bốn thập kỷ ông tránh né gần như mọi cuộc phỏng vấn, ảnh chụp ông chưa từng được phép in trên bìa sách, và chữ ký của ông có thể đáng giá tới hàng chục nghìn đô. Rất nhiều giả thuyết đã nổi lên về hành tung hay thậm chí nhân thân của ông. Có người nghĩ ông chính là nhà văn J.D. Salinger, có người đoán thực chất có một bút nhóm sáng tác dưới tên Thomas Pynchon, thậm chí có người còn cho ông chính là... tay sát nhân hàng loạt Unabomber (!).

Mọi thông tin cá nhân về ông dường như đã chấm dứt quanh năm 1963, tức là đúng khoảng thời gian ông sáng tác V. - tiểu thuyết đầu tay.

Những tác phẩm với nội dung nhập nhằng chằng chéo

Điểm đặc trưng về kết cấu trong các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là vô cùng nhập nhằng chồng chéo. Thông thường Pynchon để cốt truyện của mình tự trương nở thành hình xuyên suốt tiểu thuyết thay vì vạch ra một cốt truyện mạch lạc ngay từ đầu.

Đường đi diễn tiến của câu chuyện dường như có sự sống riêng, chúng ẩn hay hiện, chúng tẽ nhánh hay tụ hội, chúng bị triệt tiêu hay được tô đậm lên hoàn toàn một cách tình cờ và ngẫu nhiên, buộc người đọc từ bỏ thói quen thông thường khi đọc sách là “cố gắng liên kết dữ kiện để hiểu, thay vào đó hãy thả lỏng cơ quan thần kinh, ngồi vào ghế sau và tận hưởng chuyến tàu lượn siêu tốc mà tác giả cầm lái” (lời khuyên từ Cẩm nang đọc sách của Thomas Pynchon).

Một số tác phẩm của thomas Pynchon.

Về mặt nội dung, các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là hỗn độn những chỉ dấu kỳ bí, những hình ảnh biểu tượng, những văn bản đa nghĩa khó lý giải. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông thường mắc chứng “hoang tưởng xã hội” - tức ý thức về “một mạng lưới âm mưu siêu phàm, mờ ám và rộng lớn, tiếp tay cho hành động của một nhân vật quái ác xấu xa nhất" (định nghĩa của học giả Richard Hofstadter trong The Paranoid Style in American Politics).

Có thể thấy thời kỳ đầu sáng tác, Thomas Pynchon tận dụng cốt truyện hoang tưởng này khá thường xuyên. Trong Gravity Rainbow (1973), nhân vật Tyrone Slothrop tin rằng tên lửa V-2 và toán điệp viên có ý định trực tiếp tấn công mình. Với The Crying of Lot 49 (1966), nhân vật Oedipa Mass bắt đầu nhìn thấy chỉ dấu của tổ chức bí mật Tristero khắp mọi nơi.

Tương tự với V., Herbert Stencil cũng liên tưởng, xâu chuỗi bất kỳ bằng chứng nào dù ngẫu nhiên nhất về V. mà ông ta có thể tìm thấy để trả lời câu hỏi V. là ai... Đó là cách Thomas Pynchon xây dựng thế giới riêng trong các tiểu thuyết của ông và cũng là cách ông thâu nhận thế giới thực tế bên ngoài: một thế giới nhìn từ góc độ này thì ngập tràn ẩn ý và chỉ dấu đến những âm mưu mờ ám, nhưng từ góc độ khác cũng là một thế giới vô tri chẳng mang ý nghĩa to lớn nào; tại đó, con người ưa tìm kiếm một thứ logic hoang tưởng hơn là chấp nhận một trạng thái trống rỗng.

V. là tác phẩm giành giải thưởng William Faulkner Foundation Award cho tiểu thuyết ra mắt xuất sắc nhất và được đề cử cho Giải thưởng sách Mỹ National Book Award năm 1964. V. kể về Benny Profane, một thanh niên hậu đậu, nay đây mai đó, vừa xuất ngũ Hải quân Mỹ đang trong quá trình tái hòa nhập đời sống New York cùng một hội nghệ sĩ lông bông mất gốc; và Herbert Stencil, một nhà phiêu lưu hoang tưởng truy tìm nhân vật bí ẩn tên “V.” được nhắc tới trong nhật ký của người cha.

Hai cốt truyện xoay quanh hai tình trạng đối lập tột cùng: tình trạng hỗn loạn ngẫu nhiên của hiện tại (Profane) và tình trạng trật tự hoang tưởng cưỡng ép của quá khứ (Stencil). Hai nhân vật lẫn chức năng của họ, tuy vậy, đều được Thomas Pynchon khắc họa một cách mỉa mai, tự trào, đầy tính châm biếm. Hai trạng thái đối lập này dần tịnh tiến về phía nhau và giao thoa tại cuối truyện, khi Stencil và Profane hội ngộ, rồi khởi sự hành trình cuối cùng tìm kiếm V.

V. là ai?

V. là ai? V. mang ý nghĩa gì? Đó là những câu hỏi sẽ không có hai độc giả nào trả lời giống nhau.Theo hành trình hoang tưởng của Herbert Stencil, đó có thể là người đẹp Victoria Wren sống ở Ai Cập thế kỷ 19; đó có thể là người phụ nữ đồng tính ấu dâm xuất hiện ở Paris năm 1919; đó có thể là Vera Meroving với con mắt hình đồng hồ xuất hiện ở Nam Phi năm 1922...

V. - tiểu thuyết của Thomas Pynchon sẽ được NXB Hội Nhà Văn và Tao Đàn phát hành đầu tháng 9.

Mỗi lần xuất hiện cô ta lại được gắn thêm một bộ phận giả, mỗi lần xuất hiện cô ta lại trở nên lạnh lùng hơn, nhiệt tình chính trị hơn, thiếu nữ tính hơn, trừu tượng hơn, vô danh hơn, nói tóm lại, trở thành V. Nhìn theo cơn hoang tưởng hủy diệt của thời đại khát khao bạo lực, V. có lẽ chính là biểu tượng cho sự suy đồi từ hữu tri xuống vô tri của con người: giống loài ngày càng hành động/bị đối xử như một thứ hình nhân vô hồn.

Trong hóa thân cuối cùng, V. mang tên Linh Mục Xấu Xa là một người phụ nữ với tất cả các bộ phận trên cơ thể được thay thế bằng đồ vật. Hình ảnh một hình nhân giống hệt con người bị mắc kẹt tại khu vực bị trúng bom gợi ta nhớ đến những hình nộm mà Mỹ cho sản xuất để đánh giá mức độ công phá của bom nguyên tử vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Thông điệp này từng xuất hiện ở chương trước khi Thomas Pynchon giới chiệu cho ta hai nhật vật người máy SHOCK và SHROUD trong phòng thí nghiệm mà Benny Profane làm việc, các hình nộm được chế tạo “giống hệt như con người” để sử dụng trong các bài kiểm tra chống chịu va đập và đo mức độ phóng xạ nguyên tử.

Trong một cuộc trò chuyện hoang tưởng giữa Profane và SHROUD, tên người máy nói rằng: “Tôi và SHOCK chính là cậu và mọi người một ngày nào đó”. Con người có thể là gì trong đời này ngoài việc liên tiếp đóng vai những đối tượng thí nghiệm vô hồn cho bạo lực?

"V. là một tác phẩm oai vệ, xuyên vượt những hang cùng ngõ hẻm bất khả thấu đối với người thường. Không có nhiều tác phẩm có khả năng ám ảnh tâm trí tỉnh thức hay mê mộng, nhưng đây là một tác phẩm như vậy" (The Times).

Vĩnh Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-giong-loai-ngay-cang-bi-doi-xu-nhu-thu-hinh-nhan-vo-hon-post874544.html