Khi giáo viên phải 'đèo bòng'…

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 đã triển khai sang năm học thứ 3. Đến nay, chương trình đã tiếp cận được với học sinh lớp 1-2-3 (bậc tiểu học), lớp 6-7 (bậc THCS) và lớp 10 (bậc THPT). Với bậc THCS sẽ có nhiều thay đổi trong việc dạy và học khi một số môn học đọc lập chuyển sang thành môn tích hợp.

Nhiều trường tiểu học và THCS vẫn đang chờ đồ dùng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) ghi hình giờ thí nghiệm hóa học trong phòng chức năng. Ảnh: C.Nghĩa

Nhiều trường tiểu học và THCS vẫn đang chờ đồ dùng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) ghi hình giờ thí nghiệm hóa học trong phòng chức năng. Ảnh: C.Nghĩa

Cụ thể, có 2 bộ môn được tích hợp là Lịch sử - Địa lý gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Giáo viên phải dạy 3 trong 1

Giáo viên nhiều trường THCS đang phải căng mình khi chuyển từ dạy đơn môn sang dạy tích hợp nhiều phân môn trong một môn học đối với lớp 6 và 7.

Cô N.T.V., giáo viên dạy môn tích hợp KHTN của một trường THCS tại TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Tốt nghiệp sư phạm Hóa nhưng hiện tại được phân công dạy cả Vật lý và Sinh học. Đây là điều bất đắc dĩ khi nhiều kiến thức môn Vật lý, Sinh học được học từ thời phổ thông đã “rơi rụng” theo năm tháng do không sử dụng đến”.

Sẽ giám sát việc thực hiện chương trình GDPT mới

Quốc hội đã ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại nhiều địa phương và tại Bộ GD-ĐT. Trước khi tiến hành giám sát, PGS-TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội, đã có chuyến khảo sát thực tế 2 cơ sở giáo dục tại TP.Biên Hòa là Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai) và Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng), đồng thời có buổi làm việc chung với tỉnh về nội dung trên.

Nói về khả năng có thể làm “tròn vai” khi dạy tích hợp 3 trong 1, cô N.T.V. thừa nhận: “Không thể nào tròn vai, kể cả người giàu kinh nghiệm, bởi muốn dạy tốt thì phải được đào tạo bài bản, phải có thêm kinh nghiệm tích lũy từ quá trình đứng lớp. Còn như hiện nay, buộc phải dạy những môn mới không qua đào tạo, giáo viên sẽ luôn cảm thấy áp lực và thiếu tự tin. Nhiều khi tôi cảm thấy rất trăn trở vì kiến thức môn Vật lý và Sinh học của mình không đủ sâu để dạy cho học sinh”.

Trong khi đó, cô P.T.T., giáo viên một trường THCS tại H.Định Quán cho biết, cô xuất thân là một giáo viên Lịch sử, nay triển khai dạy môn tích hợp Sử - Địa thì cô phải “đèo bòng” thêm môn Địa lý. Tuy môn tích hợp Sử - Địa không khó, không có công thức, định luật, định lý như môn tích hợp KHTN nhưng vẫn đòi hỏi phải nắm vững kiến thức cơ bản, kiến thức thực tế kèm theo các kỹ năng cơ bản khác để dạy học sinh cho tốt.

Cô P.T.T. chia sẻ thêm: “Với những môn không phải sở trường, tôi rất ngại mở rộng kiến thức vì sợ sai hoặc học sinh sẽ “bắt bài” chính cô giáo mình”.

Hiệu trưởng nhiều trường THCS còn cho biết, việc dạy tích hợp không chỉ khó với giáo viên mà còn khiến ban giám hiệu cũng gặp khó trong sắp xếp thời khóa biểu, thậm chí thời khóa biểu còn phải thay đổi liên tục. Chẳng hạn, môn tích hợp KHTN phân môn Vật lý chiếm 30% số tiết, Hóa học 40%, còn Sinh học 30%, nếu giáo viên chuyên phân môn nào dạy phân môn đó thì tương đối dễ. Còn một giáo viên dạy cả 3 phân môn sẽ rất khó sắp xếp, đồng thời khó tránh khỏi có phân môn học liên tục, có phân môn lại phải chờ…

Thêm nhiều áp lực

Việc triển khai chương trình GDPT mới với phương pháp dạy tích hợp không chỉ khiến các nhà trường gặp khó khăn, giáo viên áp lực mà học sinh lẫn phụ huynh cũng cảm thấy áp lực theo.

Chị Nguyễn Thị Thi Hòa (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đặt vấn đề: “Con tôi dự định sau này sẽ thi vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, nhưng ở bậc THCS thầy dạy Hóa học lại không phải chuyên dạy Hóa học mà lại dạy Sinh học. Tôi e ngại kiến thức môn Hóa học của con có thể bị “hổng” cơ bản ngay từ khi lớp 6 phải học theo hình thức tích hợp với giáo viên chưa phải là “chuẩn”.

Trong khi đó, anh Lê Toàn Thắng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, năm học trước con anh bước vào lớp 6, anh rất bất ngờ khi con được học môn tích hợp KHTN, nghĩa là nhiều đơn môn trước đây nay được tích hợp thành một môn. Anh càng bất ngờ hơn khi một thầy lại dạy nhiều phân môn, trong đó có những môn thầy không được đào tạo bài bản mà chỉ tập huấn qua rồi đứng lớp dạy.

Anh Thắng đặt câu hỏi: “Thầy cô không được đào tạo bài bản mà bắt đứng lớp dạy tích hợp môn như vậy liệu có ổn cho học sinh khi các em học lên cao hơn?”.

Hiệu trưởng Trường THCS Phú Bình (H.Tân Phú) Bùi Đức Hương cho biết, hầu hết giáo viên của trường trước đây được đào tạo đơn môn trong trường sư phạm, nay lại phải dạy thêm 2, thậm chí 3 môn nên chất lượng chắc chắn sẽ bị hạn chế. Với các môn tích hợp ở lớp 6 hoặc lớp 7 hiện mới chỉ dừng lại ở những kiến thức cơ bản, sau này lên lớp 8 và lớp 9 sẽ còn nặng hơn, phức tạp hơn thì giáo viên “không chuyên” sẽ còn gặp nhiều khó khăn và người thiệt thòi không ai khác là số đông học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết, dạy tích hợp theo chương trình mới đã thực hiện nhưng chưa nhiều giáo viên được tập huấn bài bản. Thêm một khó khăn nữa là hiện nay trường chưa có phòng bộ môn theo quy định của Bộ GD-ĐT mà đang phải tận dụng các phòng chức năng. Trường đang phải khắc phục tạm thời một số khó khăn, chẳng hạn giáo viên dạy môn Vật lý buộc phải tự học thêm môn Hóa học, môn Sinh học. Hay giáo viên dạy môn Lịch sử buộc phải học thêm môn Địa lý.

Hiện Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp KHTN và Sử - Địa. Tuy nhiên, các trường không tránh khỏi băn khoăn vì không tập huấn ngay thì gặp khó khăn trong quá trình dạy, còn đi tập huấn thì sẽ thiếu giáo viên đứng lớp.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết, mới đây nhà trường có 1 giáo viên Vậy lý đã hoàn thành chứng chỉ dạy môn tích hợp KHTN. Giáo viên này đã phải học tới hơn 30 tín chỉ để đạt được chứng chỉ này. Nhưng đó là với một giáo viên trẻ, còn những giáo viên đã lớn tuổi thì việc theo học đủ 30 tín chỉ là chuyện không dễ dàng khi phải vừa dạy, vừa học.

Công Nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Sẽ sớm triển khai tập huấn cho giáo viên

Sở GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tập huấn bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên các trường THCS trên địa bàn tỉnh về kiến thức và phương pháp dạy học tích hợp. Việc tập huấn bồi dưỡng sẽ có những trường đại học có đủ năng lực do Bộ GD-ĐT cho phép, đồng thời có lộ trình phù hợp để các trường không bị xáo trộn khi cử giáo viên tham gia công tác tập huấn.

Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT TRẦN ĐÌNH VINH:

Cần sự hỗ trợ của tổ chuyên môn

Khi giáo viên được đào tạo đơn môn mà phải dạy nhiều môn thì cần sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ chuyên môn bằng cách sinh hoạt chuyên môn, xây dựng bài học để phấn đấu có thể đảm nhận tương đối “tròn vai”. Đây chính là thời điểm cần sự đoàn kết, chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết những khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới bậc THCS với phương pháp dạy tích hợp.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) ĐỖ THỊ CAO SANG:

Cần đào tạo dạy tích hợp theo chương trình mới cho sinh viên sư phạm

Mới đây, trường có nhận một nhóm sinh viên sư phạm của Trường đại học Đồng Nai về thực tập nhưng sinh viên vẫn đang được đào tạo theo chương trình cũ. Do đó, để có được đội ngũ giáo viên trong tương lai gần đáp ứng dạy tích hợp thì các trường đại học sư phạm cần bắt tay ngay vào đào tạo theo phương pháp dạy tích hợp.

Đặng Công (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202209/khi-giao-vien-phai-deo-bong-3137443/