Khi giáo viên là 'tổng đạo diễn' - một giờ học đổi mới, hiệu quả

Những giờ học mà giáo viên miệt mài giảng bài còn học sinh thì uể oải, nói chuyện làm việc riêng; những giờ học giáo viên cáu gắt, bất lực còn học sinh ngơ ngác, cúi đầu… Đã đến lúc cần phải quyết liệt thay đổi những giờ học tẻ nhạt và áp lực để đáp ứng sự thổi thay của toàn xã hội.

Một giờ dạy đổi mới trong đó giáo viên không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức mà đổi vai thành một “tổng đạo diển” là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức và đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của mình. Giờ học áp dụng cho bài "Hô hấp ở động vật" - Môn sinh lớp 11 do cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc – giáo viên trường THPT Trần Phú thực hiện:

Bối cảnh tiết học là buổi quay phim ghi hình tại trường quay của chương trình: Bạn của nhà nông. Toàn bộ học sinh đóng vai là nông dân, giáo viên đóng vai trò MC điều khiển toàn bộ diễn biến buổi học. Trước khi tiết học diễn ra, giáo viên phân lớp thành 4 nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ như sau:

+ Nhóm 1: Biên tập nội dung cho chuyên mục có tên gọi “Gương làm giàu” Nhiệm vụ là giới thiệu gương nông dân làm giàu từ giun quế, trong đó nêu được yếu tố chú ý khi chăm sóc giun quế là giữ độ ẩm luống đất, từ đó rút ra được kiến thức về hình thức hô hấp qua bề mặt cơ thể ở giun.

+ Nhóm 2: Biên tập nội dung cho chuyên mục có tên gọi “Gương làm giàu”. Nhiệm vụ là giới thiệu gương nông dân khác làm giàu từ nuôi ong, trong đó nêu được yếu tố chú ý khi bố trí chuồng nuôi là giữ độ thoáng khí để đảm bảo ong hô hấp tốt, từ đó liên hệ với kiến thức về hình thức hô hấp qua hệ thống khí ở côn trùng.

+ Nhóm 3: Biên tập nội dung cho chuyên mục có tên gọi “Hỏi đáp cùng chuyên gia”. Nhiệm vụ là các chuyên gia trả lời câu hỏi của nông dân về hiện tượng nổi đầu ở cá, từ đó liên hệ với kiến thức về hình thức hô hấp qua mang.

+ Nhóm 4: Biên tập nội dung cho chuyên mục có tên gọi “Nhà nông với các vấn đề xã hội”. Nhiệm vụ là các HS tự quay một cuộc phỏng vấn ghi hình hỏi ý kiến của học sinh trong trường về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, từ đó liên hệ với kiến thức về cách bảo vệ đường hô hấp khỏe mạnh.

Mỗi nhóm tự đặt tên mình như là tên một thôn nào đó của xã,(vì tiết dạy cho học sinh trường Trần Phú nên cô Ngọc đặt tên xã là Phù Trấn, rất là dí dỏm).

Trong tiết học, kịch bản toàn bộ chương trình diễn ra như sau:

Phần đầu: Giới thiệu đây là số phát sóng đặc biệt của Đài truyền hình VTVE (vì lớp đang dạy là 11E), Tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên dự giờ được giới thiệu là chủ tịch UBND xã, nhà tài trợ cho chương trình(học sinh rất thích thú, tươi cười rạng rỡ với chi tiết vui vui này), toàn thể học sinh là các nông dân thuộc các thôn do các em tự đặt tên

Phần thứ 2 - Khởi động: Cuộc đua kì thú để 4 thôn thi giành điểm

( Kiểm tra bài cũ của học sinh)

Phần thứ 3 – Hình thành kiến thức: Chuyên mục “Kiến thức nhà nông” Chiếu video giới thiệu bệnh viêm đường hô hấp ở gà để mở đầu vào chủ đề phát sóng: Hô hấp ở động vật.

Mục I: Khái niệm hô hấp là gì sẽ thực hiện câu hỏi lệnh sách giáo khoa như là 1 câu hỏi dành cho thôn nào trả lời nhanh nhất sẽ được tình thêm điểm.

Mục II. Bề mặt trao đổi khí GV thuyết trình như là đang truyền đạt kiến thức cho bà con nông dân.

Mục III: Chuyên mục “Gương làm giàu” sẽ lần lượt cho nhóm 1 lên hoạt động. Nhóm sẽ cử 1 bạn làm MC,1 bạn làm gương điển hình nuôi giun, 1-2 bạn làm chuyên gia sinh lí. Toàn bộ nội dung chuyên mục HS trình bày theo kịch bản các em đã nộp và được GV kiểm duyệt trước đó. Kết thúc phần trình bày nhóm 1, GV sẽ chốt kiến thức: Mục III.1). Hô hấp qua bề mặt cơ thể/ Tương tự như vậy với nhóm 2 để từ đó GV chốt kiến thức hình thức hô hấp ở mục III.2). Hô hấp qua hệ thống ống khí.

Mục III tiếp tục với chuyên mục “Hỏi đáp cùng chuyên gia”: Giới thiệu phần hoạt động của nhóm 3. Nhóm có đóng kịch 1 tình huống về hiện tượng cá nổi đầu, từ đó đưa đến việc hỏi ý kiến chuyên gia. Việc thực hiện chuyên mục tương tự như trên và cuối cùng GV chốt mục III.3). Hô hấp qua mang

Sau đó GV giới thiệu luôn kiến thưc mục III.4). Hô hấp ở phổi.

Phần thứ 4 – Vận dụng, thực hành: Chuyên mục “Nhà nông với các vấn đề xã hội”: GV đưa ra thực trạng hút thuốc lá rồi mời nhóm 4 lên tiếp tục.

HS đã chuẩn bị trước sản phẩm ghi hình rất tốt, sản phẩm có tên: “HS Trần Phú nói không với thuốc lá” có tác dụng tuyên truyền rất rộng khắp. Sau đó GV sẽ đưa thêm bài học cuộc sống để đề ra các giải pháp bảo vệ và phòng tránh viêm đường hô hấp.

Phần thứ 5 – Mở rộng, củng cố: Với chuyên mục có tên gọi “Lục lạc vàng kết nối những miền quê”. Đây là trò chơi mục đích để mở rộng kiến thức và củng cố bài. GV cho 4 thôn xếp thành 4 hàng dọc. Chỉ bạn đầu hàng quay mặt lên bảng, tất cả các bạn phía sau đứng quay lưng với bảng, mục đích không cho nhìn được nội dung ở bảng. Chia bảng thành 4 cột, nhiệm vụ của bạn đầu hàng sẽ ghi 1 câu về nội dung kiến thức đã học được từ chương trình, ghi xong thì quay về chỗ ngồi, bạn thứ 2 tiếp sức cho bạn đầu tiên tiếp tục ghi thêm nội dung, cứ như thế cho đến hết thời gian qui định. Mỗi câu ghi đúng được 1 điểm. Thôn nào ghi được nhiều câu trả lời đúng nhất, cộng với phần điểm từ các phần trước ghi được thì sẽ được trao giải là “1 cặp bò”!

Giờ dạy của cô giáo Bích Ngọc rất thành công, học sinh hào hứng khi được vận động và cuốn mình vào giờ học có đầy đủ âm thanh, video giới thiệu chuyên mục sinh động, minh họa bài học. GV đã vận dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học tích cực như: Mô hình hóa, Phỏng vấn, Hỏi chuyên gia, Nghiên cứu tình huống điển hình, Phân vai, Động não, Tia chớp.

Qua tiết học GV đã giúp học sinh phát triển năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực chuyên môn về các mô hình chăn nuôi, các đặc điểm sinh lí của vật nuôi đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt của học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy học hiện nay không chỉ là phong trào mà còn là một yêu cầu bắt buộc với mọi giáo viên. Hi vọng sẽ có nhiều các thầy cô giới thiệu chia sẻ các giờ học đổi mới để mỗi thầy cô giáo có thêm nhiều kinh nghiệm và động lực đổi mới phương pháp dạy học.

Theo Nguyễn Thị Thu Trang -Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/khi-giao-vien-la-tong-dao-dien-mot-gio-hoc-doi-moi-hieu-qua-3962441-c.html