Khi đường trách nhiệm đã thông…

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được nối thông, cho thấy trách nhiệm mới là câu chuyện hàng đầu khi thực hiện bất cứ việc gì.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông xe thực nghiệm hôm 28/12, sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết

Tôi là người tham dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tháng 11/2009.

Những lần khởi công, tái khởi động dự án sau đó tôi cũng đều có mặt. Nhưng, sau mỗi lần dự lễ, niềm tin về việc thông tuyến càng giảm đi, bởi cứ “làm đi làm lại, làm hoài không xong”.

Tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia quản lý dự án. Lãnh đạo tập đoàn này tuyên bố sẽ hoàn thành dự án trong 2 năm. Không nói ra, trong tôi thầm nghĩ, ông này “nổ”.

Nhưng hôm qua (28/12), khi ngồi trên ô tô đi từ nút giao Thân Cửu Nghĩa đến nút giao An Thái Trung suốt chiều dài 51,1km, tôi đã có một trải nghiệm khác.

Dù vẫn còn rất bộn bề, mặt đường chỉ mới rải đá tạm, đi còn xóc nhưng dự án đã có ngày thông tuyến và ngày khánh thành đã trong tầm tay.

Lận đận của tuyến cao tốc trong hơn 10 năm qua khiến nhiều người đặt câu hỏi vì đâu? Nếu nói dự án thiếu tiền cũng chưa hẳn.

Bởi giai đoạn đầu, dự án do Ngân hàng BIDV hậu thuẫn, không thể nói thiếu tiền.

Liên doanh các nhà đầu tư tiếp quản dự án sau đó với những cái tên đình đám như: Cii, Tuấn Lộc, Yên Khánh, BMT… cũng đầy tham vọng.

Nhưng vẫn bế tắc.

Ngay cả khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào quản lý, dự án cũng vẫn ngổn ngang. Cơ chế về nguồn vốn cho dự án là nút thắt lớn nhất.

Bộ GTVT đã nhiều lần có các cuộc họp với các Bộ ngành Trung ương, đại diện chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các nhà tài trợ vốn... để thuyết phục Chính phủ về phương án hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho dự án.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 3 lần kiểm tra công trường, có những chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ.

Những cuộc họp thâu đêm liên tục giữa các bên để đưa ra phương án tài chính phù hợp, chốt phương án lãi suất vay.

Khi nguồn vốn cơ bản được khơi thông, lại nảy sinh những vấn đề trên thực địa.

Những nhà đầu tư "đối đầu nhau" về lợi ích. Các nhà thầu "tố" nhau về các khoản nợ. Nguồn vật liệu khan hiếm, không thể vận chuyển đến công trường, giá cao hơn dự toán...

Tất cả những vấn đề đó tiếp tục kéo lùi dự án.

Đại diện chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các nhà thầu đã phải "xắn tay" cùng nhau, đưa ra những giải pháp mạnh, đúng, trúng mới loại bỏ được những rắc rối này.

2 năm qua, cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc 3 xuyên “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch” thay ca nhau ngày đêm bám sát công trường.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả từng trăn trở: “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”.

Quả thực, tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khi trách nhiệm được giao đúng địa chỉ, tiến độ đã chuyển biến.

Dự án đang về đích trong sự trông đợi của bà con miền Tây.

Tư Doãn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-duong-trach-nhiem-da-thong-d490670.html