Khi đồng USD 'trở mình'

Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất gần đây đã gây ra một cơn bão tài chính, ảnh hưởng tới Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nam Phi, Brazil, Argentina và nhiều nước khác.

Một con bướm vỗ cánh ở Brazil có thể gây ra trận bão ở Texas? Công thức nổi tiếng của nhà khoa học Mỹ Edward Lorenz nêu ra năm 1972 khi đề cập tới học thuyết hỗn loạn (chaos theory) đang tỏ ra đặc biệt có ý nghĩa đối với thị trường thế giới. Từ vài tháng nay, việc Fed liên tục tăng lãi suất - được coi là “cánh bướm vỗ” - đã và đang góp phần tạo thành một vài "cơn bão" với cường độ khác nhau tràn vào nhiều nước rải rác khắp bán cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nam Phi, Brazil, Argentina...

Cơ chế của sự lây lan này tương tự như những gì cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến hồi năm 2013 hay trước đó là vụ sụp đổ của thị trường trái phiếu năm 1994. Giám đốc nghiên cứu của Cơ quan tư vấn thị trường Swiss Life AM Eric Bourrguignon giải thích: “Mỗi khi Mỹ tăng lãi suất sau một thời gian dài duy trì mức lãi suất thấp, đầu tư vào Mỹ lại trở nên hấp dẫn hơn… Do đó, các nhà đầu tư sẽ rút tiền ra khỏi các nước mới nổi, nhất là từ thị trường chứng khoán để đổ vào Phố Wall”.

Phố Wall là địa chỉ đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế. (Nguồn: investingacad.com)

Làn sóng rút tiền này sẽ đẩy đồng nội tệ của các nước liên quan đi xuống (đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá 40% kể từ đầu năm 2018, đồng peso Argentina mất giá hơn 50%, kéo theo giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng chóng mặt). Những quốc gia ở vào tình trạng thâm hụt thương mại cao (giống như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina) sẽ trở thành “những nạn nhân đầu tiên” và buộc Ngân hàng Trung ương của họ phải tăng lãi suất để hạn chế "chảy máu ngoại tệ".

Độc chiếm "ngôi vị số 1"

Phản ứng dây chuyền này là kết quả của thực tế - đồng USD Mỹ vẫn độc chiếm “ngôi vị số một” trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

Từ khi hệ thống Bretton Woods được thiết lập năm 1944, các nước lớn quyết định gắn đồng nội tệ của mình với đồng USD, biến nó thành trụ cột của kết cấu tài chính toàn cầu mới và là đồng tiền duy nhất có thể hoán đổi với vàng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, sự kiện này dần tỏ ra thiếu ổn định và sụp đổ vào năm 1971. Việc chuyển đổi từ USD sang vàng bị hủy bỏ dẫn đến việc các đồng tiền bắt đầu được giao dịch theo tỷ giá tự do và theo quy luật cung cầu.

Tuy vậy, đồng bạc xanh vẫn giữ được vị thế là đồng tiền “vua”, chủ yếu là do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Theo nhận định của Victor Lequillerier, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng hỗ trợ đầu tư và doanh nghiệp Pháp Bpifrance, đồng USD rất ổn định và là hiện thân của niềm tin, rất dễ chuyển đổi, dễ mua và bán lại nhờ quy mô to lớn của thị trường tài chính Mỹ.

Hơn nữa, đồng USD cũng không có đối thủ cạnh tranh gay gắt, đồng Euro còn quá non trẻ và còn bị kìm hãm bởi chia rẽ chính trị giữa các nước châu Âu trong khi đồng Nhân dân tệ vẫn bị kẹt trong nền kinh tế còn khép kín của Trung Quốc.

Người hưởng lợi sau cùng

Hiện nay, khoảng 62% dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới là USD, chỉ có 20% là bằng Euro, 5% bằng đồng Yen Nhật cũng như Bảng Anh và chỉ có 1% bằng Nhân dân tệ. Tương tự, USD chiếm 40% trao đổi thương mại toàn cầu, so với 36% sử dụng đồng Euro.

Theo chuyên gia Lequillerier, trong những năm gần đây, doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi vay nợ bằng USD trên thị trường quốc tế rẻ hơn vay bằng đồng nội tệ do chính sách lãi suất thấp của Mỹ. Nhưng hiện nay, việc Fed tăng lãi suất đã đẩy họ vào tình trạng khó khăn và dễ bị tổn thương.

Dù không còn vị thế tuyệt đối, xong đồng USD vẫn tiếp tục thống trị thị trường tiền tệ quốc tế. (Nguồn: FX Empire)

Chỉ có Mỹ là luôn luôn thắng. Nhờ vị thế của đồng USD, Mỹ chỉ phải đi vay với lãi suất thấp nhất có thể và các khoản nợ của nước này luôn tìm được người muốn mua. Nói cách khác, cả thế giới sẵn sàng cấp vốn tài trợ cho thâm hụt của Mỹ.

Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái của nó. Theo ông Bourguignon, sự phụ thuộc vào bên ngoài trong dài hạn sẽ làm suy yếu niềm tin vào đồng USD và trong tương lai có thể khiến USD bị mất ngôi vị số một, như cách mà đồng Bảng Anh đã đánh mất vị thế của mình sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

(theo Le Monde)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/khi-dong-usd-tro-minh-80331.html