Khi đồng tính đáng xấu hổ hơn nghiện ma túy

'Beautiful Boy' - bộ phim mới nhất của đạo diễn Felix Van Groeningen - đã bị nhiều nhà hoạt động quyền LGBT chỉ trích vì bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng từ một câu chuyện có thật.

Steve Carrell (phải) và Timothee Chalamet trong phim 'Beautiful Boy' - Ảnh: Amazon

Steve Carrell (phải) và Timothee Chalamet trong phim 'Beautiful Boy' - Ảnh: Amazon

Beautiful Boy là phim điện ảnh do Amazon Studios sản xuất dựa trên hai cuốn hồi ký Beautiful Boy: A Father's Journey Through His Son's Addiction của David Sheff và Tweak: Growing Up on Methamphetamines của Nic Sheff - con trai David. Tuy được kể dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng cả hai đều xoay quanh câu chuyện cai nghiện ma túy thành công của Nic - một thiếu niên sinh trưởng trong gia đình Do Thái gốc Nga.

Poster phim

Beautiful Boy do Felix Van Groeningen đạo diễn với sự tham gia diễn xuất của Steve Carell (vai David) và Timothee Chalamet (vai Nic). Công chiếu hạn chế tại Mỹ từ ngày 12.10, bộ phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình nghệ thuật mà phần lớn là dành cho hai diễn viên chính và thu về 3,4 triệu USD tiền vé. Mặc dù vậy, nó cũng vấp phải vài chỉ trích từ phía các nhà vận động quyền LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới) vì đã không khắc họa đúng trải nghiệm thực tế của Nic.

David Sheff và Nic Sheff

Năm 2011, Nic viết một bài báo trên The Fix - một website chuyên về việc cai nghiện - với tựa đề “Going Gay for Pay” (tạm dịch: “Làm gay để kiếm tiền”). Trong đó, Nic cho biết trước khi xuất bản cuốn hồi ký của mình vào năm 2007, anh đã gửi bản thảo đến các thành viên trong gia đình nhằm đảm bảo họ thấy ổn với những điều tồi tệ mà anh sắp tiết lộ. Kết quả, hầu hết đồng ý rằng Nic nên bỏ một chi tiết ra khỏi cuốn sách. Và đó chính là giai đoạn anh làm trai bán hoa ở thành phố San Fransico.

“Thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao chuyện mại dâm là điều duy nhất họ kêu tôi nên giữ bí mật trong khi tôi từng làm nhiều thứ tồi tệ hơn, ví dụ như ăn cắp tiền của đứa em trai 7 tuổi. Liệu đó có phải làm một dạng kỳ thị hay không? Hoặc họ lo sợ người khác sẽ nhìn tôi như một thứ dơ bẩn đáng ghê tởm?”, Nic viết.

Nic Sheff (trái) và Timothee Chalamet

Nic thừa nhận anh chưa bao giờ mê ma túy đến mức phải bán mình, và mại dâm không phải là lựa chọn cuối cùng đầy tuyệt vọng như nhiều người vẫn nghĩ.

“Tôi luôn cảm thấy mình xấu xí, yếu đuối, thảm hại, bệnh hoạn và đầy khiếm khuyết. Chơi ma túy là điều duy nhất có thể khiến tôi khá hơn, ít nhất là lúc ban đầu. Cho đến ngày nọ, một anh chàng đưa tiền cho tôi kèm theo lời đề nghị quan hệ trong khi tôi đang lang thang trên phố Castro ở San Franciso. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được ai đó thèm muốn. Tất nhiên, tôi là người dị tính và muốn được thân mật với phụ nữ, nhưng chúng ta phải tận dụng thứ mình có đúng không? Thú vị là đàn ông dường như khá thích tôi”, Nic viết. “Thế là bất thình lình, trong cái thế giới mà tôi luôn cho rằng mình vô dụng và chẳng đáng một xu, tôi tìm được giá trị của mình”.

Nic muốn đưa chi tiết này vào cuốn hồi ký bởi vì anh muốn nhấn mạnh khao khát được cảm thấy khá hơn và tốt đẹp hơn của những con nghiện, mặc dù trong mắt người khác, điều đó trông có vẻ bệnh hoạn và khó hiểu. “Chơi ma túy với bán dâm với tôi là như nhau. Sự thật là tôi rất ghét bản thân và sẵn sàng làm mọi thứ để thấy khá hơn”, Nic viết.

Steve Carrell vào vai một người cha hết lòng kiên nhẫn giúp đỡ con trai thoát khỏi cơn nghiện ngập

Đáng tiếc, đạo diễn Felix Van Groeningen đã quyết định không nhắc đến trải nghiệm bán dâm của Nic trong Beautiful Boy. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ông đã bỏ lỡ một cơ hội gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiện ngập ngày càng gia tăng trong cộng đồng LGBT.

Theo một báo cáo được thực hiện vào năm 2015, tỷ lệ nghiện ma túy của những người thuộc cộng đồng LGBT tại Mỹ cao gấp đôi người dị tính, còn tỷ lệ sử dụng ma túy đá thì cao gấp 4 lần. Đây là hệ quả từ nạn kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội. Khoảng 25% người đồng tính nam từng ít nhất một lần sử dụng ma túy đá trong đời.

Không khó để nhận ra các dấu hiệu liên quan đến LGBT trong Beautiful Boy. Ở cảnh đầu phim, căn phòng của Nic lúc nhỏ treo một tấm ảnh của Tales of the City - loạt tiểu thuyết có nhiều nhân vật LGBT của nhà văn Armistead Maupin. Sau đó, một lá thư của Keith Haring - một nghệ sĩ đồng tính chết vì AIDS - được gắn trên tường. Chưa hết, một người phụ nữ trong nhóm hỗ trợ của Nic cũng chia sẻ về việc cô đánh mất bạn đời cùng giới vì nghiện ngập.

Chưa hết, Beautiful Boy lấy bối cảnh nước Mỹ vào thập niên 1990 nhưng không hề đá động gì đến HIV/AIDS khi ấy đang ở giai đoạn bùng nổ, đặc biệt là trong nhóm con nghiện ma túy.

Thiếu đi những chi tiết này, Beautiful Boy đã trở thành một câu chuyện không hoàn chỉnh và đánh mất đi cơ hội giúp đỡ những thanh niên trẻ vì nghiện phải đi bán dâm thông qua việc khắc họa họ trên màn ảnh. Chưa hết, những người LGBT từng quan hệ với Nic cũng không được nhắc đến mặc dù họ luôn là một phần của bức tranh tổng thể.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/lgbt-c-131/khi-dong-tinh-dang-xau-ho-hon-nghien-ma-tuy-100531.html