Khi đồng ruộng là lớp học

Những tiết học trải nghiệm trên đồng ruộng, trong rừng xanh… được triển khai tại các trường học vừa giúp HS thỏa mãn được sự tò mò, kích thích nhu cầu khám phá đưa các em gần gũi hơn với thiên nhiên, hình thành một số kỹ năng.

Phụ huynh Trường Mầm non Bình Minh cùng tham gia trang trí các vật dụng tái chế. Ảnh nhà trường cung cấp

Từ buổi học ngoài đồng ruộng…

Cứ khoảng 2 tháng/lần, Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (TP Đà Nẵng) lại tổ chức cho HS học tập thực tế tại một trang trại ở ngoại ô thành phố. Tùy theo từng khối lớp, các nhóm HS được phân công một số nhiệm vụ như: Phân tích các điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu để tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp; giá trị kinh tế của các loại cây trồng tại trang trại; phân loại rễ cây, cấu trúc lá, cách sắp xếp lá trên cây; thực hành xếp luống, gieo hạt…

Không phải gò bó trong không gian lớp học với bàn ghế, bảng đen, các em được thoải mái ngồi bệt, quan sát mọi thứ xung quanh và thoải mái trao đổi những thứ mà mình mắt thấy, tai nghe. Có nhiều em lần đầu tiên được chứng kiến quá trình chú gà con tự chui ra đã không ngớt ồ à thú vị. Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu nhìn qua thì trông giống như các em đang tham gia một hoạt động dã ngoại nhưng thực tế là mỗi HS đều phải quan sát, tìm kiếm thông tin để phục vụ cho bài tập thu hoạch nhóm của mình.

Buổi học ngoài trời tại làng rau VietGAP Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã để lại cho những HS khối lớp 3, Trường Tiểu học Núi Thành những trải nghiệm thú vị. Lần đầu tiên các em tận mắt quan sát cách các cô chú nông dân làm cho đất tơi xốp, được tận tay rải lớp phân lót cho đất trước khi trồng cây, nắm được quy trình trồng rau sạch, biết được vai trò của một số loài động vật có lợi cho nông nghiệp như giun đất…

Nhiều trường đã tổ chức không gian xanh hoặc tận dụng những khoảng đất trống, thậm chí xây các ô nhỏ rồi đổ đất, tạo những mảnh vườn nhỏ cho HS tự tay trồng rau, chăm sóc cây cối… Như Trường Mầm non Dạ Lan Hương (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), các cô giáo đã tạo một vườn rau nhỏ bằng phương pháp thủy canh để cô trò cùng chăm sóc, bài học bé làm quen với rau, củ… vì thế cũng trở nên gần gũi và sinh động hơn.

Những bài học môn Tự nhiên – Xã hội trở nên sinh động và dễ nhớ đối với các cô cậu học trò vốn chưa bao giờ được nghịch đất trồng cây. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết: “Sau buổi học thực tế tại đồng rau, chúng tôi để ý thấy giờ ăn trưa tại trường, có những HS trước đây rất lười ăn rau giờ đã bắt đầu không để lại rau, củ trong suất ăn của mình. Những điều tưởng như lớn lao tình yêu thiên nhiên, yêu lao động… đôi khi được bắt đầu từ những điều rất nhỏ như thế”.

Cô Thu Nguyệt chia sẻ, trước đó, dù được chăm chút cẩn thận nhưng các bồn hoa xung quanh trường thường bị HS nhổ sạch. “Gần sát Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức cho chính các em trồng hoa ngay sau tiết mục Phát động Chương trình trồng cây mùa xuân trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Được tự tay trồng cây, tưới nước, chăm sóc cây, ý thức bảo vệ cây xanh của các em sau đó khác hẳn, không còn hiện tượng HS bẻ, nhổ cây như trước” – cô Thu Nguyệt nhận xét.

…Đến trường học thân thiện với môi trường

Học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Núi Thành tự trồng rau trên cánh đồng rau Hòa Phong. Ảnh nhà trường cung cấp

Học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Núi Thành tự trồng rau trên cánh đồng rau Hòa Phong. Ảnh nhà trường cung cấp

Từ trong lớp học đến khu vực sân chơi của Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), dễ dàng bắt gặp những vật dụng đã hư hỏng như nồi cơm điện, ấm đun nước, lốp xe ô tô, thậm chí là chiếc ủng đã bị… rách thủng đều được tận dụng để làm đồ dùng học tập, bàn ghế hoặc được vẽ trang trí rất đẹp mắt rồi… trồng hoa. Chiếc thùng sơn rỗng qua bàn tay khéo léo của các giáo viên đã trở thành bộ bàn ghế đặt ở góc đọc sách trong lớp học, dưới chân cầu thang; những mẩu gỗ vụn trở thành đồ chơi tạo hình giúp trẻ sáng tạo, lốp xe cũ được sơn phết nhiều gam màu, với những mặt cười đáng yêu hay những họa tiết ngộ nghĩnh trở thành bàn để đồ chơi, bậc tam cấp vận động của trẻ…

Trường Mầm non Bình Minh đã phát động phong trào xin đồ dùng gia dụng đã hư hỏng trong phụ huynh học sinh. Những vật dụng này sau khi được giáo viên tập hợp lại, chùi rửa sạch sẽ, phơi khô và xịt toàn bộ sơn trắng rồi phân chia về cho các lớp. Phụ huynh được thông báo ngày giờ mà cô trò của lớp sẽ thực hiện việc trang trí họa tiết cho các vật dụng tái chế để làm đồ dùng dạy học, trang trí hay sử dụng để trồng cây.

“Đây được xem như là hoạt động ngoại khóa của từng lớp có sự tương tác của phụ huynh và trẻ. Ví dụ như nhà trường quy định giờ đón trẻ bắt đầu từ lúc 16 giờ 30 phút thì vào một buổi nào đó, cô giáo sẽ thông báo để phụ huynh nào có thể sắp xếp được công việc thì đến trường lúc 16 giờ, cùng con và cô giáo trang trí đồ tái chế trước khi đón con về” – cô Huỳnh Thị Bích Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Sáng kiến thân thiện với môi trường của Trường Mầm non Bình Minh đã thu hút sự quan tâm của không chỉ phụ huynh, nhà trường mà còn khiến nhiều vị khách đến từ Nhật Bản trầm trồ thán phục. Trong chuyến thăm Đà Nẵng vào năm 2017, lãnh đạo Trường Trung học Khoa học Yokohama (Nhật Bản) đã đến tham quan Trường Mầm non Bình Minh và đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình tái sử dụng rác thải của trường đã có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường, yêu thích trồng cây xanh.

Sau đó, vào tháng 9/2018, lãnh đạo trường này đã đưa 10 học sinh xuất sắc của trường trở lại thăm Trường Mầm non Bình Minh với lời đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường chia sẻ cách sử dụng rác thải thành những vật dụng thân thiện với môi trường để HS Trường Trung học Khoa học Yokohama tham khảo.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khi-dong-ruong-la-lop-hoc-4025763-b.html