Khi Đông Nam Á 'tấn công' vào túc cầu châu Âu

Ở giải Ngoại hạng Anh, cái tên Leicester City đang lên cơn sốt, và ông chủ của CLB này, tỷ phú Vichai vì thế cũng lên cơn sốt. Ông Vichai người Thái Lan, khi đổ tiền vào Leicester cũng đồng thời "đổ" luôn những phong cách Thái - văn hóa Thái vào đội bóng này.

Kể từ thời điểm Leicester dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh và tràn đầy cơ hội trở thành tân vương giải đấu này, báo giới, truyền thông Anh đã nói rất nhiều về cuộc đời và tình yêu bóng đá của cha con ông Vichai. Nhưng có một chi tiết họ "khoét" một cách đậm đặc, đó là trước một số trận đấu quan trọng của Leicester, ông Vichai lại đưa những nhà sư Thái sang Anh "làm phép".

Điều thú vị là hàng loạt nhân vật mang phong cách châu Âu điển hình của Leicester như HLV trưởng Ranieri hay các chân sút Vardy, Marez đều cho biết họ rất hào hứng khi được làm việc với những nhà sư người Thái.

Cả người Anh lẫn người Thái Lan đều đang lên cơn sốt Vichai.

Nhưng không phải ông chủ Đông Nam Á nào cũng thành công với việc mang văn hóa riêng của mình tới một đội bóng châu Âu. Năm ngoái, khi giải Ngoại hạng Anh còn cái tên Cardiff thì ông chủ của đội bóng này chính là doanh nhân Malaysia, gốc Hoa Vincent Tan.

Một trong những thay đổi lớn mà Vincent Tan thực hiện ở đội bóng này là đổi màu áo xanh truyền thống - màu áo xuất hiện kể từ năm 1908 thành màu áo đỏ, vì đơn giản là Vincent Tan thích màu đỏ, và tin rằng nó là màu may mắn. Tuy nhiên, quyết định này đã bị các cổ động viên Cardiff phản ứng dữ dội.

Không dừng lại ở đây, hình ảnh một Vicent Tan với áo đỏ, kính đen khi ngồi theo dõi các trận đấu của đội nhà đã "bị" báo giới Anh bầu chọn là hình ảnh của ngài chủ tịch xấu xí nhất của bóng đá Anh mùa giải 2015. Không chỉ thay đổi màu áo truyền thống của CLB, Vincent Tan còn bị tố là thường xuyên có những chỉ đạo lạ tới các đời HLV trưởng Cardiff, và đấy được cho là lý do chính khiến không một HLV nào có thể làm việc lâu dài tại đây.

Kết thúc mùa giải năm ngoái, khi Cardiff xuống hạng, các cổ động viên trung thành của đội bóng này đã in một "bandrone" lớn có hình Vincent Tan cùng một dấu gạch chéo ở giữa mặt. Cùng với nó là cả một chiến dịch kêu gọi Vincent Tan hãy giải thoát cho CLB bằng cách... nhanh chóng ra đi.

Rõ ràng, cùng là những người Đông Nam Á, cùng đổ tiền vào bóng đá Anh, và cùng mang những nét văn hóa riêng của mình vào bóng đá Anh nhưng mức độ và hiệu quả của Vincent Tan và Vichai là hoàn toàn khác nhau. Với Vichai bây giờ, các cổ động viên Leicester yêu mến ông, các cổ động viên Thái Lan đang lên "cơn sốt" về ông, và nói như HLV trưởng ĐTQG Kiatisak thì với một ông chủ như vậy, chắc chắn bóng đá Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi không nhỏ.

Cụ thể là Vichai đã quyết định đưa Kitatisak sang quan sát các cầu thủ Leicester tập luyện thi đấu, và sau đó Kitatisak thừa nhận chuyến đi đã giúp ích cho mình rất nhiều. Vichai còn có kế hoạch đưa hàng loạt tài năng trẻ người Thái sang Anh tập luyện dài hạn, và LĐBĐ Thái Lan hy vọng nhờ vậy mà bóng đá Thái sẽ cất cánh trong một tương lai gần.

Mới đây lại rộ lên thông tin một doanh nhân Đông Nam Á khác là Noordin Ahmad (Malaysia) đang dồn tiền mua lại CLB Bari (Italia). Cụ thể, chủ tịch đương nhiệm của Bari, người nắm 95% cổ phần CLB, ông Paparesta đồng ý bán lại cho Noordin tới 50% cổ phần của mình, và nếu mọi việc mua - bán hanh thông thì Noordin sẽ trở thành ông chủ mới của CLB từng chơi bóng ở Serie A vài mùa trước.

Khi đó hãy chờ xem Noordin sẽ giẫm chân vào vết xe của Vincent Tan, hay tiếp nối con đường màu xanh của Vichai? Và quan trọng hơn, hãy chờ xem bóng đá Đông Nam Á rốt cuộc sẽ có những tác động như thế nào phía sau việc hàng loạt doanh nhân Đông Nam Á đã và đang tấn công vào đấu trường bóng đá châu Âu.

Bài học từ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin

Với 81,6 triệu bảng bỏ ra để mua Man City vào năm 2007, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin chính là người tiên phong ở Đông Nam Á tấn công vào thị trường bóng đá châu Âu.

Thời điểm đó ông Thaksin rất tự tin vào chiến lược nâng tầm Man City, và đã mời HLV danh tiếng Sven - Goran Eriksson về cầm quân. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, chính Eriksson đã chỉ trích Thaksin là "không hiểu gì về bóng đá". Cùng với hàng loạt áp lực khác mà sau đó cựu Thủ tướng Thái đã phải bán lại CLB cho những nhà tài phiệt Trung Đông với giá 200 triệu bảng, trước khi ngồi tù ở quê nhà.

Chắc chắn cách đầu tư "non", khi những điều kiện liên quan chưa thuận lợi, chín muồi của ông Thaksin là một bài học lớn cho những nhà tỷ phú Đông Nam Á sau này.

Ngọc Anh

Diệp Xưa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/khi-dong-nam-a-tan-cong-vao-tuc-cau-chau-au-389071/