Khi 'độc giả' trung thành trở thành 'khán giả' rạp chiếu

Trào lưu khai thác chất liệu văn học chuyển thể thành bộ phim điện ảnh đang được các nhà làm phim đặc biệt chú ý. Nhưng, để đưa độc giả trung thành trở thành khán giả rạp chiếu vẫn là một thách thức không nhỏ.

Độc giả trung thành của truyện ngắn “Mắt biếc” đang ngóng chờ từng ngày tác phẩm yêu thích gần 3 thập kỷ kể từ bản in đầu tiên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi được chuyển thể sang bộ phim điện ảnh cùng tên sẽ mang một diện mạo khác lạ ra sao. Dù phải đến cận ngày lễ Giáng sinh, bộ phim “Mắt Biếc” mới được khởi chiếu. Song, sức hút lớn từ chính đạo diễn Victor Vũ cùng với công bố tạo hình hai nữ diễn viên chính thầy giáo Ngạn (Trần Nghĩa đóng) và nữ chính Hà Lan (Trúc Anh đóng) như bước ra từ tiểu thuyết lên màn ảnh khiến họ kỳ vọng tác phẩm điện ảnh sẽ đem đến thành công như trường hợp của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” năm 2015.

Nếu như khán giả chờ đợi sự tỏa sáng của đạo diễn Victor Vũ cùng với hiệu ứng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào cuối năm nay thì mới đây, nhà sản xuất Mai Thu Huyền công bố dự án phim điện ảnh “Kiều” do chính cô làm đạo diễn sẽ ra mắt năm 2020 cũng thu hút sự chú ý từ phía công chúng.

Sau hiệu ứng thành công “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chưa có nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học chạm đến cảm xúc khán giả. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Sau hiệu ứng thành công “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chưa có nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học chạm đến cảm xúc khán giả. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Theo nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền, kịch bản “Kiều” phiên bản điện ảnh sẽ do đạo diễn Phi Tiến Sơn chắp bút theo nguyên tắc giữ nguyên tinh thần của tác phẩm nhưng bổ sung những yếu tố mới để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả thời nay. Đây là dự án cô ấp ủ gần 10 năm mới được thực hiện. Trước đó, năm 2009, tác phẩm “Kiều” được nhà sản xuất nhắm đến việc xây dựng kịch bản phim truyền hình dài 40 tập. Do nhiều yếu tố, ý tưởng vẫn chưa được hiện thực hóa.

Cuối năm 2019, nhà sản xuất Mai Thu Huyền quyết định bắt tay với đạo diễn Phi Tiến Sơn và nhà thiết kế Thủy Nguyễn làm bộ phim tái hiện cuộc đời đầy biến cố của nhân vật Thúy Kiều. Hiện tại, dự án đã bước vào giai đoạn tìm kiếm diễn viên chính. Đoàn làm phim đã có 2 đợt tuyển chọn diễn viên tại TP HCM và Hà Nội. Quan điểm về nữ nhân vật Thúy Kiều, nhà sản xuất Mai Thu Huyền nói: “Chúng tôi không hướng đến đó là một diễn viên nổi tiếng, chúng tôi tìm nhân vật không chỉ đẹp, hợp vai mà còn có thể chơi được các loại nhạc cụ truyền thống. Nhân vật Thúy Kiều có thể là một gương mặt mới để toàn tâm toàn ý cho nhân vật”. Sau 2 đợt casting phim, ê-kíp đã có những cân nhắc nhất định và sẽ công bố chính thức nhân vật chính tới khán giả.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học Việt Nam bao gồm 3.254 câu lục bát viết bằng chữ Nôm. Kể về cuộc đời nàng Kiều với nhiều biến cố, ngang trái. Tác phẩm từng được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau với trên 35 bản dịch trên khắp thế giới, nhưng “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lại chưa một lần được chuyển thể thành phim điện ảnh. Đó vừa là cơ hội và cũng là một thách thức lớn với những nhà sản xuất phim. Trăn trở lớn nhất của nhà sản xuất Mai Thu Huyền chính là truyển tải cốt truyện gói gọn trong 90-120 phút lên phim.

Mỗi lát cắt trong cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều đều có thể tạo thành một tác phẩm riêng. Vậy nên, nhà làm phim cần phải tính toán thông minh để có thể chọn lọc được phần câu chuyện nổi bật, những biến cố đặc biệt mà vẫn khắc họa về cuộc đời nàng Kiều. Tái hiện bộ phim về một giai đoạn thời phong kiến, với một cốt truyện cổ, yếu tố cổ trang sẽ đòi hỏi đầu tư không nhỏ về trang phục, bối cảnh. Những yếu tố này phải được làm một cách tốt nhất mới khiến bộ phim trở thành một tác phẩm đáng xem. Trước đó, bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tiết lộ, bộ phim có mức kinh phí thực hiện lên đến 20 tỷ đồng, trong đó, phần thiết kế phục trang chiếm khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trang phục Tấm, Cám gây tranh cãi với cách tân, sáng tạo được cho là không đúng với lịch sử thời trang trong các triều đại Việt Nam xưa.

Thực tế, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học có lợi thế là số lượng những người hâm mộ của tác phẩm gốc trước đó, song điều đó cũng tạo nên áp lực riêng đối với những nhà làm phim. Không chỉ là áp lực về nhân vật chính, bối cảnh, nội dung và còn bó buộc sự sáng tạo của nhà làm phim khi phải tôn trọng nguyên tác. Kể từ khi ra mắt bộ phim “Tháng 5 để dành” (bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm gây sốt cộng đồng mạng “Ranh giới” của tác giả Hoàng Trung Hiếu (Rain8x) đã gây chú ý lớn.

Mặc dù, có lợi thế từ hàng nghìn người hâm mộ tiểu thuyết “Ranh giới”, thậm chí bộ phim ngay từ khi ra mắt đã thu hút độc giả đến xem phim, cả những độc giả trung thành bay từ nước ngoài về chỉ để trở thành khán giả xem tiểu thuyết qua phiên bản điện ảnh, nhưng “Tháng 5 để dành” đã gặp thất bại tại phòng vé. Bởi thế, một tác phẩm văn học được chuyển thể thành công đó còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố. Trong đó, kịch bản phim giữ vai trò quan trọng trong việc phác thảo câu chuyện phim từ những vấn đề của cuộc sống.

Trước đây, đã có nhiều bộ phim thành công nhờ vào việc chuyển thể tác phẩm văn học như: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Tướng về hưu, Cánh đồng bất tận, Đất phương nam, Quyên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Đằng sau thành công của bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học chính là sự bảo chứng của một đạo diễn tài năng và ê-kíp làm phim tâm huyết trong việc chuyển tải ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh, với cái nhìn đa chiều và đem đến cho người xem thông điệp truyền cảm hứng sống tích cực.

Trong đó, chi tiết trong phim được lựa chọn đều là những chi tiết đắt giá và và đặc biệt phải xây dựng được nhân vật chính một cách rõ nét. Nội dung phim có sự gắt kết, gần như không có chi tiết thừa sẽ tạo nên bộ phim hay, hấp dẫn người xem, và ngược lại. Ngoài ra việc cải biên tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, cần sự sáng tạo không theo lối mòn của những nhà làm phim. Đó không chỉ là sự sáng tạo nội dung phim, nhân vật phải được lồng ghép khéo léo.

Và dù có sự thay đổi ít nhiều so với nguyên tác, bộ phim vẫn cần giữ nguyên được tinh thần mà câu chuyện muốn truyền tải, đó là điều mà những độc giả trung thành cần khi trở thành khán giả xem phim.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-doc-gia-trung-thanh-tro-thanh-khan-gia-rap-chieu-174008.html