Khi doanh nghiệp phải tự minh oan: Cần sự minh bạch từ chính sách

Vào ngày 18/8/2018, Công ty CP Con Cưng chính thức được minh oan sau hàng loạt nỗ lực tự cứu mình qua việc chứng minh việc không gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả hàng lậu. Một năm sau, tới lượt một thương hiệu Việt thậm chí lớn hơn - Asanzo lại phải tự họp báo minh oan cho mình.

1.Ngày 17/9 vừa qua tại Hà Nội, Công ty Asanzo đã tổ chức cuộc họp báo với tiêu đề “Chúng tôi được minh oan” nhằm cung cấp các tài liệu, minh chứng nhằm minh oan cho mình, đồng thời thông báo sắp hoạt động trở lại sau thời gian khá dài phải đóng cửa.

Cụ thể trước đó, doanh nghiệp này vướng phải 03 cáo buộc: Giả xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập khẩu và lừa dối khách hàng.

Cũng tại cuộc họp báo, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cũng thông báo rằng Asanzo được minh oan và công ty sẽ sớm hoạt động trở lại. “Trong đầu tháng 10, chúng tôi sẽ vận hành nhà máy thứ 5, công suất là 2 triệu - 2,5 triệu tivi/năm. Nhà máy này sẽ bằng 4 nhà máy đã có của Asanzo…”, ông Phạm Văn Tam cho biết.

2. Nhưng tới thời điểm Asanzo tự tổ chức họp báo, vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng mà đại diện là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia. Chia sẻ với báo chí, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, khi các cơ quan chức năng hoàn tất công việc điều tra, sẽ công khai thông tin...

Như vậy, việc Asanzo có "oan" thực sự không, điều đó còn phải chờ những căn cứ xác thực được kết luận bởi các cơ quan chức năng.

Nhưng việc để một doanh nghiệp phải tổ chức họp báo để nói rằng "phải tự minh oan" cho mình lại là vấn đề cần các cơ quan chức năng có liên quan suy ngẫm, để thấy rằng dường như chúng ta đã chậm trễ trong việc tạo dựng một "đường ray pháp lý" (bao gồm cả về mặt chính sách, luật pháp) đủ trơn tru, đủ cập nhật để doanh nghiệp Việt vận hành trên đó một cách hiệu quả, đúng pháp luật. Để rồi không thể phủ nhận việc không ít doanh nghiệp đã phải chịu khá nhiều tổn thất từ sự chậm trễ ấy...

Câu chuyện của Asanzo dễ làm cộng đồng liên tưởng tới câu chuyện của Con Cưng. Trước những thiệt hại không thể đong đếm của doanh nghiệp khi bị dư luận xã hội “kết tội”, một lãnh đạo Cục QLTT - Bộ Công Thương nói với báo chí rằng: Con Cưng phải cảm ơn QLTT khi đã giúp chỉ ra lỗi của họ để họ tốt hơn…

Chỉ ra lỗi nhưng không giúp doanh nghiệp “vá lỗi” kịp thời, các cơ quan chức năng đã gián tiếp khiến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi dần vào ngõ cụt.

3. Trên báo chí, mạng xã hội nhiều năm qua, chúng ta luôn bắt gặp hằng hà những thông tin các doanh nghiệp đơn lẻ hay cả nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp kêu cứu về rất nhiều vấn đề: Bị làm khó về thủ tục pháp lý, bị chèn ép, đôi khi chịu những kết luận sai... khiến doanh nghiệp kiệt quệ.

Con Cưng, Asanzo, hay trước đó là rất nhiều doanh nghiệp Việt khác đã và đang phải tự kêu cứu, tự minh oan cho mình.

Sự tự thân vận động ấy không hẳn là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, mà còn là cho thấy sự yếu đuối của các cơ quan hữu trách cũng như sự thiếu minh bạch, thiếu cập nhật từ hành lang chính sách. Và nếu không có sự nhanh chóng, kịp thời “vá lỗi” bằng trách nhiệm và cầu thị của các ban, ngành, danh sách các doanh nghiệp phải kêu cứu, kêu oan và tự giải oan sẽ còn tiếp tục nối dài.

Đó cũng là con đường nhanh và dễ nhất để “tiêu diệt” doanh nghiệp Việt, triệt tiêu sức mạnh của nền kinh tế đất nước.

An Nhiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-doanh-nghiep-phai-tu-minh-oan-can-su-minh-bach-tu-chinh-sach-post68127.html