Khi doanh nghiệp khen cơ quan nhà nước

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang được tiếp lửa bởi vac-xin chống vi-rut trì trệ đã bắt đầu phát huy tác dụng trong từng công chức, từng ngành. Sự thay đổi trong ngành thuế là ví dụ điển hình.

Người dân nộp thuế tại Cục Thuế Bình Định. Ảnh minh họa

Người dân nộp thuế tại Cục Thuế Bình Định. Ảnh minh họa

Khi doanh nghiệp khen

Sự phấn khích của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khi nhắc đến cục thuế duy nhất cả nước không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2020 dường như mang cả nỗi niềm của doanh nghiệp.

“Đó là Cục thuế tỉnh Bình Định! Tôi đã xin phép Cục trưởng Cục thuế Bình Định, rất mong lan tỏa câu chuyện này, để doanh nghiệp các tỉnh khác sẽ hy vọng về… một ngày không xa ở tỉnh mình”, bà Thủy hào hứng.

Ở Bình Định, “ngày đó” đã bắt đầu từ đầu năm 2020, khi Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Định ra nghiêm lệnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do COVID-19 gây ra.

Kết quả là cả năm 2020, Cục Thuế Bình Định đã thực hiện kiểm tra 10.556 hồ sơ khai thuế các loại tại cơ quan thuế, chấp nhận hơn 9.300 hồ sơ, số còn lại yêu cầu thông giải trình, điều chỉnh. Chỉ có 23 hồ sơ đề nghị kiểm tra tại doanh nghiệp. So với 909 đơn vị mà Cục Thuế Bình Định đã thanh tra, kiểm tra trực tiếp trong năm 2019, một không khí làm việc hoàn toàn khác đã diễn ra tại Bình Định, ở cả cơ quan thuế và doanh nghiệp.

“Chúng tôi thấy rõ 3 bước chuyển. Một là, nhận thức và hành động đã chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Hai là, tư duy thúc đẩy người nộp thuế tự giác chấp hành thay cho việc trừng phạt. Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin, để chuyển từ thanh tra, kiểm ta tại trụ sở doanh nghiệp sang kiểm ta tai cơ quan thếu và cảnh báo vi phạm đến doanh nghiệp”, bà Thủy giải thích và gọi đây là những bước chuyển cực kỳ đột phá.

Phải nói thêm, Ban IV là tiếng nói của khu vực tư nhân tại Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nên đây là đầu mối nhận các kiến nghị, thậm chí là kêu ca, than phiền của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thực thi, tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020, Ban IV đã liên tục thực hiện khảo sát trực tiếp doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh cũng như trong tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, để có khuyến nghị với Chính phủ.

Vì vậy, bà Thủy nắm rõ thực tế, nhất là khoảng cách giữa nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và thực thi, nên không dễ dàng… khen các cơ quan chính quyền.

Với ngành thuế cũng vậy. Những thay đổi, từ cơ chế tiền kiểm gây bức xúc cho doanh nghiệp trước đây sang cơ chế hậu kiểm, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp quyết toán thuế, ngành thuế sẽ kiểm tra sau theo kế hoạch được duyệt, đã thay đổi rất lớn quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Nhưng khi cơ quan thuế không kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp nữa, trách nhiệm của từng công chức sẽ nặng nề hơn, phải nỗ lực hơn để hoàn thành công việc của mình. Họ sẽ phải đối thoại với doanh nghiệp để giải thích, tháo gỡ vướng mắc, tham vấn doanh nghiệp về các chính sách mới, cập nhật thông tin của Chính phủ… đến việc công khai các sai phạm của doanh nghiệp để người nộp thuế biết và tự rà soát… thay vì đợi đến ngày, giờ trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đến doanh nghiệp…

“Khi các công chức nhắc doanh nghiệp thời gian nộp tờ khai thuế để tránh bị phạt hành chính, thì doanh nghiệp sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tuân thủ pháp luật thay vì… lách luật”, bà Thủy nói.

Kết quả thu của Cục thuế Bình Định năm 2020 cao hơn năm 2019, về đích trước 1 tháng là minh chứng sinh động.

Niềm tin kinh doanh bén rễ sâu

Tháng 9/2020, khi Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lần 1, để nghiên cứu cho các phương tiếp theo, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (Bình Dương) đã không ngần ngại gửi ý kiến của mình.

“Cơ quan thuế đã chủ động gửi thông tin về các giải pháp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nên chúng tôi tiếp cận được ngay. Khó khăn do Covid-19 còn nhiều, nên chỉ mong các giải pháp tính tới khoảng thời gian dài hạn hơn”, ông Trọng thẳng thắn.

Nhiều giải pháp hỗ trợ khác không nhận được phản hồi như vậy vì điều kiện quá phức tạp, các doanh nghiệp không tìm được đầu mối hỗ trợ thông tin…

Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đối với kinh tế Việt Nam năm 2020 do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Konrad Adenauer thực hiện, công bố tháng 12/2020 cũng có nhận định tương tự, khi xếp gói hỗ trợ giảm, giãn thuế hàng đầu tiên về tác dụng rõ nét nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Khảo sát của VCCI về mức độ thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng ghi nhận tỷ lệ cao nhất dành cho các chính sách gia hạn đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên 60% doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ghi nhận điều này.

Không phải ngẫu nhiên ngành thuế nhận được sự hài lòng như vậy. TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi nhìn lại việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bài học lớn nhất vẫn là thực thi, nhìn cả ở góc độ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

“Có thể những giải pháp được đưa ra trong giai đoạn cấp bách chưa thõa mãn các doanh nghiệp, nhưng nếu các cơ quan thực thi nhìn nhận vấn đề, có hướng xử lý và cách tiếp cận phù hợp, doanh nghiệp có thể tận dụng được để xoay chuyển tình thế trước khi chờ đợi những giải pháp tiếp sau”, ông Sang phân tích.

Trong năm 2020, chỉ nói riêng các giải pháp về thuế, phí và lệ phí, đã có 19 thông tư được ban hành để thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí. Mức giảm các khoản phí, lệ phí tối thiểu là 50% so với quy định cũ… Nếu không có sự hỗ trợ chủ động của các cán bộ thuế, đơn vị thuế ở địa phương, doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tiếp cận được quyền lợi một cách thuận lợi.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành thuế năm 2020, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ này trong nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đúng như yêu cầu của Chính phủ là không thể để trên nóng, dưới lạnh, không có chỗ cho vi-rút trì trệ…

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. 100% các chi cục thuế với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, có 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử. Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, vượt 161% (150/93 TTHC) theo kế hoạch.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã triển khai thiết lập hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục thuế và 415 chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt, hỗ trợ người nộp thuế 24/7…

Khi người dân, doanh nghiệp có thể ngồi ở nhà để nộp thuế, để hỏi đáp về thuế, thay vì xếp hàng đợi quyết toán thuế, khi doanh nghiệp coi cán bộ thuế như người hỗ trợ, tư vấn thì vì tâm lý lo sợ bị vi phạm…. thì có nghĩa là vi-rút trì trệ đã có vac xin. Niềm tin về môi trường kinh doanh thực sự thuận cho kinh doanh có điều kiện tiếp tục bén rễ sâu…

Thảo Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/khi-doanh-nghiep-khen-co-quan-nha-nuoc-1786965.tpo