Khi điểm dừng chân của những chai lọ mỹ phẩm rỗng không còn là bãi rác hay đại dương xanh

Khi điểm dừng chân của những chai lọ mỹ phẩm rỗng không còn là bãi rác hay đại dương xanh

Khi sữa tắm không còn được đựng trong những chai nhựa quen thuộc, khi điểm dừng chân của những chai lọ mỹ phẩm không còn ở bãi rác hay đại dương xanh mà là trong chính góc nhỏ nơi mái ấm của chúng ta.

Hàng năm, cứ mỗi khi đến ngày Môi trường Thế giới 5/6, một câu hỏi muôn thuở lại được đặt ra: “Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ môi trường sống?” Mang theo một chiếc cốc riêng để mua cà phê thay vì cốc nhựa dùng một lần, đựng cơm trong hộp cá nhân hay mua sắm bằng túi vải… Thật vậy, có rất nhiều việc đơn giản mà chúng ta có thể làm để giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, câu chuyện giải cứu môi trường còn nằm ngày trong góc làm đẹp của mỗi người.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, đôi khi việc tái chế không dễ dàng đến thế và việc thiết lập một thói quen làm đẹp thân thiện với môi trường không phải là câu chuyện từ một phía. Nó đòi hỏi không chỉ trách nhiệm và nỗ lực từ riêng người tiêu dùng mà còn từ chính nhà sản xuất. Dưới đây là 3 nỗ lực “xanh hóa” của các thương hiệu mỹ phẩm, chúng đã góp phần mang lại bước tiến đầy hứa hẹn trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Tái sử dụng bao bì đựng mỹ phẩm

Ngành công nghiệp làm đẹp, nơi bạn thường cho rằng chỉ toàn thứ phù phiếm và mời gọi, chưa bao giờ nằm bên lề của câu chuyện ô nhiễm môi trường. Ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm nhận thấy trách nhiệm của mình trong công cuộc cứu lấy hành tinh. Giờ đây, bên cạnh nhiệm vụ giúp quá trình làm đẹp ngày một dễ dàng và hiệu quả, họ dần xem việc mang lại một hành tinh xanh, sạch hơn là sứ mệnh hàng đầu.

Không chỉ dừng ở những nỗ lực cải thiện từ bên trong như đầu tư vào chất liệu bao bì thay thế hay tìm ra công thức sản phẩm sạch và thân thiện, nhiều nhãn hàng còn không ngừng nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng hưởng ứng các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa. Kiehl’s phát động những chiến dịch thu gom vỏ hộp rỗng để tích con dấu đổi quà. Tương tự, The Body Shop tổ chức workshop nhận tái chế bao bì cũ của hãng thành các món đồ hữu ích và đẹp mắt như chậu cây hay hộp đựng trang sức.

Tạm biệt bao bì nhựa

Chắc hẳn bạn sẽ muốn nói lời tạm biệt ngay với các sản phẩm làm đẹp đựng trong bao bì nhựa khi biết một sự thật rằng: có thể cho đến tận đời con cháu của mình, lọ kem dưỡng mà bạn dùng hôm nay vẫn chưa phân hủy xong và đang lênh đênh ở một bãi biển nào đó. Tuy nhiên, để nói không với bao bì nhựa ngay lập tức không phải là điều dễ dàng. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của bao bì trong việc bảo quản mỹ phẩm khỏi tiếp xúc trực tiếp với môi trường.

Do đó, thay vì cắt giảm hoàn toàn lớp bao bì bảo vệ, trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu đã lựa chọn sử dụng chất liệu thân thiện hơn với môi trường. Không riêng những gã khổng lồ trong ngành làm đẹp như L’Oreál, Unilever hay P&G, mà vô sô các nhãn hiệu local trong nước cũng đã tích cực truyền đi nguồn cảm hứng mạnh mẽ về lối sống xanh, bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng bao bì được làm từ giấy, gỗ, vải, thủy tinh hoặc kim loại thay vì nhựa khó phân hủy.

Baresoul – thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam được thành lập từ năm 2015 – mang đến những sản phẩm son dưỡng môi/má đựng trong chiếc hộp kim loại bé xinh với thiết kế ấn tượng. Giống như thủy tinh, kim loại như nhôm hay thiếc có thể được tái chế nhiều lần. Chúng cũng nhẹ nên tốn ít năng lượng và chi phí hơn khi vận chuyển.

Plus, một thương hiệu chăm sóc cá nhân của Mỹ, đã tiến thêm một bước nữa trong hành trình làm đẹp bền vững. Chắc chẳn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết được rằng sản phẩm sữa tắm Plus Body Wash được chứa trong một mảnh giấy mỏng manh không hơn không kém. Việc của bạn chỉ là hòa tan mảnh giấy ấy với nước sau đó thoa trực tiếp lên cơ thể. Được làm từ một loại bột gỗ đặc biệt, mảnh giấy sẽ tan hoàn toàn theo dòng nước mà không để lại bất kỳ dấu vết gì.

Mỹ phẩm dạng refill

Theo báo cáo thường niên của Zero Waste, có đến hơn 120 tỷ các loại bao bì nhựa được sản xuất hàng năm bởi ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu, và phần lớn trong số đó là nhựa không thể tái chế, thứ có thể mất đến gần 1.000 năm để phân hủy. Để cải thiện tình trạng đáng báo động này, một ý tưởng nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong ngành làm đẹp đã ra đời, đó chính là các sản phẩm dạng refill. L’Occitane là một trong những thương hiệu đầu tiên cung cấp các sản phẩm dưỡng thể, dưỡng da và tóc ở dạng túi để làm đầy các chai lọ cũ đã dùng hết. Loại túi thay thế này chỉ chứa 10% nhựa so với các loại chai thông thường, tiết kiệm hơn 214 tấn nhựa mỗi năm.

Tại Việt Nam, giải pháp này được không ít các thương hiệu áp dụng trong những năm qua, chẳng hạn như tại Lại Đây Refill Station. Nhờ vào dịch vụ refill ở cửa hàng này, bạn có thể sang chiết và làm đầy các chai lọ rỗng có sẵn với các sản phẩm cần thiết cho gia đình như nước lau sàn, nước giặt cho đến đồ chăm sóc cá nhân như dầu gội, dầu xả, nước tẩy trang và toner. Emmíe by Happy Skin cũng mới cho ra mắt sản phẩm refill của dòng sửa rữa mặt best-seller Soothing & Hydrating/Pore Purifying & Blemish Derma Cleansing Gel, giảm thiểu đến gần 27gr nhựa thải ra môi trường cho mỗi sản phẩm.

Gian hàng refill tại Lại Đây Refill Station

Gian hàng refill tại Lại Đây Refill Station

Dòng sản phẩm refill dạng túi của gel rửa mặt Emmíe by Happy Skin

Thực hiện: phuong ha

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/khi-diem-dung-chan-cua-nhung-chai-lo-my-pham-rong-khong-con-la-bai-rac-hay-dai-duong-xanh/