Khi đi thi không chỉ để lấy giải

'Hà nội, ngày… tháng… năm…', mấy chữ ấy khiến chúng ta nghĩ đến một lá thư, loại thư viết tay đầy hoài niệm ở thời đại tin nhắn, thư điện tử… này. Và mấy chữ ấy chính là tên của phần trình diễn tham dự hội diễn của Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long tham dự Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc 2018 tại Đà Nẵng.

Nhắc tới Hội diễn kiểu như thế này, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những cuộc thi giữa các đoàn nghệ thuật kéo dài từ thời bao cấp, với sức ảnh hưởng đến khán giả đại trà là rất nhỏ.

Đúng là "Hà nội, ngày… tháng… năm…" được đoàn Thăng Long dàn dựng để dự thi, với kết quả cuối cùng được thông báo vào ngày 31/8 này. Nhưng, khác hẳn với các đoàn nghệ thuật khác, và cũng khác với chính mình những năm trước đó, Đoàn Thăng Long đã đến với Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc 2018 với tâm thế không chỉ để đi thi lấy giải. Với họ, có giải thì quá tốt. Nhược bằng không, mọi thứ…vẫn tốt.

Được dàn dựng bởi đạo diễn Trần Ly Ly và Giám đốc âm nhạc là nhạc sỹ Dương Cầm, "Hà nội, ngày… tháng… năm…" chỉn chu tới từng chi tiết, từ thiết kế cái poster quảng bá (như một phong bì thư có hơi hướng hoài cổ) cho tới nhạc mục, nghệ sỹ tham dự, nhạc sỹ phối khí, đạo diễn ánh sáng, kỹ sư âm thanh.

Đơn giản, những người trẻ, với tư duy trẻ, mà điển hình là Trần Ly Ly và Dương Cầm không nghĩ tới chuyện thi thố mà họ nghĩ đến đứa con tinh thần của mình ở một tương lai dài hơn cuộc Hội diễn. Họ quyết tâm dàn dựng thành một chương trình mà ở đó, buổi ra mắt tại Hội diễn là lần sát hạch khắt khe cuối cùng trước khi "Hà nội, ngày… tháng… năm…" trở về Thủ đô và trở thành suất diễn bán vé thực thụ, có chỗ đứng trên thị trường.

Với tham vọng đó, ngay sau Hội diễn, Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long sẽ lập tức tính toán địa điểm, thời gian ra mắt cụ thể để "Hà nội, ngày… tháng… năm…" có thể trình diện khán giả cả nước một cách sớm nhất, bắt kịp thị hiếu và nhu cầu của khán giả một cách tinh tế chứ không phải dễ dãi.

Điều mà họ làm được thật đáng ngưỡng mộ dù chưa biết "Hà nội, ngày… tháng… năm…" có thắng về doanh thu hay không. Nhưng nó cho thấy sự đột phá trong tư duy khi dàn dựng những chương trình để đi thi có khả năng dung hòa với hơi thở của xã hội và thị trường.

Nhiều năm nay rồi, các đoàn nghệ thuật tham dự Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc với tâm thế thi thố, lấy thành tích về cho địa phương. Nhưng sau đó, rất nhiều tiền của, công sức được đầu tư cho các phần thi đều không mang lại kết quả nào ngoại trừ hiếm hoi số đoàn được tấm huy chương và bằng khen. Nhưng suy cho cùng, huy chương và bằng khen cũng không mang lại ích lợi gì khi khán giả không hề được tiếp cận các tác phẩm và tiền đầu tư của địa phương cho các đoàn đi thi vẫn là tiền mang tính bao cấp.

Cách nghĩ sử dụng chính nguồn ngân sách bao cấp kia (nhưng với Thăng Long là tự túc) để nó có thể sinh lời, tạo ra đời sống cho chính tác phẩm cũng như nghệ sỹ tham dự rõ ràng là một cách nghĩ đáng được tuyên dương. Nó chính là đột phá xóa hẳn thói quen thủ cựu, thậm chí là thói quen gây lãng phí, thói quen nặng về bệnh thành tích và tạo ra những sản phẩm văn hóa tuy chất lượng nhưng lại không có đất sống.

Hy vọng rằng cú hích từ "Hà nội, ngày… tháng… năm…" của đoàn Thăng Long sẽ cho nhiều đoàn nghệ thuật khác một kinh nghiệm nhằm mục đích phát triển hơn nữa. Nên nhớ, thời bao cấp, Đoàn Hải Đăng từng làm mưa làm gió ở các kỳ Hội diễn và ngay sau đó họ cũng làm mưa làm gió trên thị trường.

Thế nên, nếu chỉ tham dự với tâm thức đi thi lấy giải, đánh trống ghi tên nhằm lấy ngân sách, cố gắng lấy thành tích để được vinh danh trong một vài ngày thì rõ ràng đó đang là lãng phí lớn. Cần phải nghĩ như Thăng Long đã nghĩ và làm như Thăng Long đang làm để đã dàn dựng tiết mục đi thi là không chỉ nghĩ đến chuyện lấy giải đơn thuần.
Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khi-di-thi-khong-chi-de-lay-giai-508343/