Khi di sản thành sản phẩm du lịch

Hiện nay, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… đang được nhiều khu vực đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng. Trong đó, các di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực tạo nên những sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch văn hóa chưa phù hợp, thiếu bền vững đã tác động tiêu cực đến các giá trị di sản văn hóa.

Đồng bào Mông (Mù Căng Chải, Yên Bái) với những mặt hàng thủ công.

Theo TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhiều nơi tại miền núi của đất nước, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, có điều kiện thuận lợi là nằm trong vùng trọng điểm du lịch quốc gia, lượng du khách đến các bản làng hàng năm khá đông. Nhưng muốn khai thác, phát huy di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đòi hỏi phải nghiên cứu nhu cầu của du khách.

Theo ông Sơn, qua nghiên cứu cho thấy 90% khách du lịch thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người DTTS; 71 % du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người DTTS. Đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tậm huyện lị từ 10 - 20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản…

Có thể thấy, trong mô hình du lịch cộng đồng luôn đề cao vai trò của người dân bản địa. Người dân phải thực sự là chủ nhân có quyền tham gia các hoạt động du lịch và phải được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp nhà nước chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng như nhà nghỉ của người dân, bán sản phẩm đồ thủ công, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại… Du lịch cộng đồng là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố gồm du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa và chính quyền cơ sở. Bốn yếu tố này quan hệ khăng khít với nhau.

PV: Trong những năm trở lại đây các sản phẩm du lịch di sản văn hóa đang trở thành một “đặc sản” thu hút khách du lịch. Ông đánh giá sao về tiềm năng đặc biệt này?

TS Trần Hữu Sơn: Đây là một gói các dịch vụ, hàng hóa được xây dựng trên cơ sở tài nguyên văn hóa và nhu cầu du khách. Sản phẩm du lịch văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian. Hiện nay, tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian miền Bắc nước ta rất đa dạng và phong phú ở nhiều vùng, nhiều tộc người có tài nguyên du lịch mang tính đặc thù, đặc trưng dễ thu hút du khách. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch văn hóa không thể di chuyển, các cơ sở du lịch vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên du khách muốn tiêu dùng phải đến cơ sở du lịch, đến các địa điểm, khu du lịch thưởng thức. Đặc điểm này đòi hỏi phải quảng bá mạnh mới thu hút được du khách. Mặt khác, các sản phẩm du lịch phải có tính thời vụ nghiêm ngặt. Không thể xem lễ hội, xem phiên chợ là ngày thường. Không thể mua đặc sản trong mùa trái vụ… Tính thời vụ còn dẫn đến sự “quá tải” của du lịch từ đó đòi hỏi nhà thiết kế sản phẩm du lịch văn hóa phải luôn coi trọng nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa dân gian.

Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để biến di sản thành các sản phẩm du lịch?

- Chương trình biến di sản thành tài sản văn hóa đã được các Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh thành tiến hành trong những năm trở lại đây. Chương trình này đã gặt hái được nhiều thành công. Đơn cử như đồng bào DTTS vùng Tây Bắc do đã biết chắt lọc kho tàng di sản văn hóa truyền thống đã xây dựng được thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể kể ra như việc khôi phục nghề thủ công truyền thống ở Lào Cai, Yên Bái; Khơi dậy dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao; Khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng ở Hà Giang; Gắn kết nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm du lịch ở Mai Châu, Sa Pa…

TS. Trần Hữu Sơn.

Tuy nhiên, để thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và đi đến thành công đòi hỏi phải tuân theo một quy trình cụ thể. Ở đó, sản phẩm du lịch phải mang được cái hồn của văn hóa dân gian, có nhiều đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng miền khác nhau. Có tính đặc thù, có điểm mới làm giàu cho sản phẩm và có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa DTTS phải do nhu cầu của du khách và thị trường định hướng, quyết định. Nhu cầu của khách nội địa khác với khách quốc tế trong lựa chọn sản phẩm…

Vì vậy, phải căn cứ điều tra nhu cầu du khách, nắm vững thị hiếu nhu cầu của từng loại khách, từng lứa tuổi, quốc tịch khác nhau để xây dựng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm du lịch văn hóa phải kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi, sự gắn kết này đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Điều đầu tiên, sản phẩm du lịch văn hóa DTTS kiên quyết chống hàng giả, hàng “nhái”. Đơn cử, các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của người Dao phải tôn trong tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người. Đồng thời, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách. Ở nhiều vùng du lịch khác người ta tổ chức các đám cưới giả, các ngày hội giả, thậm chí đóng giả cả các nghi lễ để thu hút khách. Thời kỳ đầu các màn trình diễn giả này đã thu hút được một khối lượng lớn khách du lịch tham quan. Nhưng dần dần khi du khách phát hiện ra các trò diễn này là đồ giả, đồ mô phỏng và không có môi trường sống thực sự thì du khách không xem các trò trình diễn này nữa.

Ngoài ra, du lịch cộng đồng của các DTTS phải hướng về phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, các điểm du lịch cộng đồng không nhằm mục đích thu hút nhiều khách, dẫn đến tình trạng quá tải. Các ban quản lý du lịch cộng đồng phải phối hợp với các hãng lữ hành tổ chức cho du khách đến tham quan, bình quan mỗi năm mỗi điểm từ 1 - 3 vạn khách. Các điểm du lịch không đón nhiều du khách nhằm đảm bảo môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Sơn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/khi-di-san-thanh-san-pham-du-lich-tintuc411597