Khi 'đạo sĩ' cầm bút

Ở Mỹ, trích dẫn ý tưởng người khác phải ghi rõ nguồn, tác giả, thậm chí ở trên mạng xã hội, nếu không tuân thủ sẽ bị xử phạt nghiêm trọng.

Copy vô ý thức thể hiện sự thiếu tôn trọng công sức trí tuệ của tác giả

Nhưng ở Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn ý thức được hậu quả của việc copy, đạo văn tràn lan, vô ý thức, dẫn đến “rỉ máu chất xám”, công sức lao động trí tuệ nói riêng mất đi giá trị, tri thức văn học bị xem nhẹ.

Đạo văn trắng trợn

Không rõ từ khi nào văn hóa “copy” lại “ăn sâu” vào tiềm thức của cộng đồng tới vậy, điển hình là giới trẻ. Việc “copy” không ghi nguồn, không trích dẫn cụ thể (tên tác phẩm, tên tác giả) đã và đang khiến cho nhiều tác giả bức xúc đặc biệt trên Internet, mạng xã hội.

Các fanpage facebook thản nhiên sử dụng các câu văn lấy từ các tác phẩm được in ấn và xuất bản, hiếm khi thấy đề nguồn. Ngay cả những trang thông tin điện tử, nhiều tờ báo lớn cũng “dính nghi vấn” cóp nhặt bài vở của người khác, mang về “cộp” bút danh của phóng viên một cách hồn nhiên.

Đặc biệt, khi được phản hồi từ các tác giả gốc về việc trang tin, trang cộng đồng sao chép không ghi nguồn, các tổ chức này không hồi đáp, thái độ phớt lờ, hoặc “lịch sự lắm” gửi một email xin lỗi và âm thầm xóa bài đăng, im ỉm cho qua chuyện. Phải chăng cá nhân, tổ chức ấy tự cho mình đặc quyền lấy bất cứ thứ gì trên mạng mang về làm của riêng?.

Chuyện không mới với các tác giả Việt Nam, một nhà văn ở Hà Nội đã bị “đạo văn” nhiều lần, đặc biệt trên mạng xã hội, đã tỏ rõ bức xúc: “Nhiều lần lướt facebook lại thấy văn của mình bị sử dụng công khai trên các diễn đàn, mạng xã hội, người đăng tự cho ấy là văn của họ. Bao nhiêu công sức sáng tác của tác giả, đã không được công nhận hay lợi nhuận, lại còn bị ‘chiếm đoạt’ ngang nhiên, bị người khác đem ra ‘lập công’ với xã hội."

"Đối với một tác giả lao động chân chính, không còn ngôn ngữ nào diễn tả nổi cơn thịnh nộ đó. Theo tôi, việc lấy bài viết, kể cả bài viết đăng tải công khai trên facebook cá nhân, mà không xin phép là một hành động thiếu văn hóa, xúc phạm tới tác giả, và nên bị bài trừ. Những lời xin lỗi không chân thành và mọi lý do khác chỉ là sự ngụy biện cho hành động vô ý thức, xâm phạm bản quyền chất xám.”, tác giả tiếp tục chia sẻ.

“Fanpage” là trang được tạo ra từ tài khoản facebook cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng, thương hiệu, người nối tiếng, công ty, cửa hàng,… nhằm chia sẻ thông tin, tiếp cận lượng người dùng rộng lớn. Bài đăng có lương view khủng sẽ đem lại nguồn thu lớn cho cá nhân, tổ chức.

Đến nay, không thể đo lường được tác hại từ việc copy của các tổ chức, cá nhân quản lý fanpage này sẽ đến mức độ nào. Họ vô tình tạo thành một “băng truyền ăn cắp chất xám”, chỉ trong vòng nửa giây, bằng cú nhấp chuột “chia sẻ”, từ cộng đồng nhỏ lan rộng đến cả một xã hội – một xã hội coi nhẹ vấn nạn “đạo văn”, coi nhẹ công lao trí tuệ của con người.

Tại các nước văn minh, người bị bắt đạo văn sẽ nhận hình phạt đích đáng

Hình phạt cho văn hóa copy, nên không?

Theo hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ, việc tôn trọng bản quyền chất xám luôn được coi trọng, và cải thiện, đặt ra những khuôn khổ để học sinh, sinh viên hiểu được giá trị của công sức trí tuệ con người.

Từ tiểu học, trẻ em Mỹ đã học cách viết trang “nguồn tham khảo” khi sử dụng trích dẫn, ý kiến, quan điểm của người khác trong bài viết của mình. Lên trung học và đại học, sinh viên bắt buộc phải trích dẫn tất cả các loại tài liệu tham khảo một cách chuẩn mực, vừa thể hiện tôn trọng của tác giả, cũng để bảo toàn danh dự của tổ chức, trường đại học.

Tại Hoa Kỳ, người bị “bắt” đạo văn sẽ nhận một trong những hình phạt thích đáng, tùy theo mức độ. Học sinh, sinh viên có thể bị trục xuất khỏi khóa học, trường học, đại học. Với nhà nghiên cứu, nhà sáng chế có thể bị loại bỏ toàn bộ công trình nghiên cứu, và đình chỉ công việc tại cơ sở giáo dục. Đối với người đi làm trong lĩnh vực liên quan đến chất xám, nhiều trường hợp bị trục xuất vĩnh viễn khỏi cơ quan; với mức độ nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, còn bị kiện, phải bồi thường, phải nộp phạt v.v.

Bắt nguồn từ nền tảng giáo dục chặt chẽ về ý thức tôn trọng bản quyền, các doanh nghiệp, tổ chức dù hoạt động ở đâu, từ hội thảo khoa học tới bài đăng trên mạng xã hội đều tuân thủ việc ghi rõ nguồn đăng và tác giả.

Có thể thấy việc trích dẫn có ý thức, ghi nguồn và tác giả tưởng chừng là việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa to lớn, thể hiện trình độ văn hóa cao, thể hiện sự hiểu biết cũng như tôn trọng với tri thức và tác giả. Xã hội phát triển, công nghệ hiện đại, việc copy, đạo văn vô ý thức dẫn đến hậu quả “rỉ máu chất xám”, công sức lao động trí tuệ nói riêng mất đi giá trị, tri thức văn học bị xem nhẹ.

Đây phải chăng là một vấn nạn nhức nhối xuất phát từ gốc rễ, nền tảng văn hóa và giáo dục “lỏng lẻo” của một xã hội.?

ĐỖ TRANG - HÀN VI

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/khi-dao-si-cam-but-d83356.html