Khi 'đại gia' ngành cao su chuyển hướng kinh doanh bất động sản

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cao su, nhưng PHR đang chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận cao trong tương lai.

PHR là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên niêm yết lớn nhất tại sàn HOSE. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN.

PHR là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên niêm yết lớn nhất tại sàn HOSE. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN.

Những năm gần đây, mảng kinh doanh chính của các doanh nghiệp trồng cao su gặp khó khăn do giá cao su tự nhiên giảm. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngành này đã chuyển hướng chiến lược sang phát triển khu công nghiệp, để từ đó tạo ra lợi nhuận mạnh trong trung và dài hạn. Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) là một trong những doanh nghiệp như vậy.

*Doanh thu mảng cao su sụt giảm

Sáu tháng đầu năm 2020, doanh thu bán cao su của PHR giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 315 tỷ đồng, chiếm 63% tổng doanh thu.

Nguyên nhân là do giá trung bình (ASP) của cao su tự nhiên giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoài, xuống còn 32,3 triệu đồng/tấn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cuối tháng 6/2020, giá cao su dao động ở mức 32 triệu VND/tấn, giảm 8.5% so với cùng thời điểm năm 2019.

Thực tế, giá cao su thế giới giảm đang ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), hoạt động kinh doanh cao su thiên nhiên có thể sẽ đi ngang trong giai đoạn 2020 - 2021. Giá cao su thế giới không cải thiện nhiều do tác động của COVID-19, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu giảm xuống còn 3 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm2020, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ sản xuất bổ sung như găng tay, thiết bị y tế... tăng mạnh và đang bù đắp một phần nhu cầu giảm từ phân khúc ô tô và lốp xe.

Theo ước tính của Hiệp hội sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), sản lượng sản xuất cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt 13,2 triệu tấn, giảm 4,7% so với năm 2019 và triển vọng tiêu thụ cao su thế giới cũng được điều chỉnh xuống còn 12,9 triệu tấn vào năm 2020, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu tiêu thụ cao su được dự báo điều chỉnh hạ thấp là do việc nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc - nước tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất thế giới năm 2020 - có thể giảm 5,1% so với năm 2019, xuống 4,8 triệu tấn, trong khi ở Ấn Độ - nước tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới, con số này sẽ giảm mạnh 21,3%, do chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành sản xuất ô tô.

Công ty chứng khoán Phú Hưng nhận định, năm 2020 - 2021 sẽ là giai đoạn khó khăn cho ngành cao su. Dù giá cao su đang tăng trở lại nhờ vào các chính sách chống COVID-19 đã được nới lỏng dần song đây vẫn chỉ là sự phục hồi ngắn hạn do vẫn còn một số yếu tố rủi ro có thể khiến cho thị trường hàng hóa nói chung và cao su nói riêng khủng hoảng trở lại, như đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới suy thoái toàn cầu; sự chậm trễ trong việc phát triển vắc-xin COVID-19...

Ngành cao su gặp khó, trong khi nhu cầu khu công nghiệp ngày càng tăng cao là động lực giúp PHR tận dụng lợi thế quỹ đất “sạch” và lớn có sẵn để chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

*Chuyển hướng

Tiền thân của Công ty cổ phần cao su Phước Hòa là đồn điền cao su Phước Hòa, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đổi tên thành Nông trường Cao su Quốc Doanh Phước Hòa.

Năm 1982, Công ty Cao su Phước Hòa được Tổng cục Cao su Việt Nam thành lập và đến năm 1993, Công ty Cao su Phước Hòa được thành lập lại theo quyết định số 142NN/QĐ ngày 04/03/1993 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

PHR là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên niêm yết lớn nhất trên sàn HOSE. Hiện doanh nghiệp này có hơn 15.900 ha quỹ đất tại tỉnh Bình Dương và 7.664 ha trồng cao su tại Campuchia.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, theo quy hoạch 2021 - 2025, diện tích thu hoạch cao su của Phước Hòa tại Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 5.000 ha, đồng nghĩa với việc 10.000 ha cao su còn lại sẽ được chuyển đổi công năng.

Trong tổng số 10.000 ha đất cao su được chuyển đổi công năng, một nửa sẽ được quy hoạch trở thành khu công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng cao.

Sở hữu vị trí đắc địa gần trung tâm công nghiệp Bình Dương, quỹ đất của PHR từ lâu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ có thể mở rộng đất công nghiệp. Từ năm 2006 - 2019, công ty chuyển đổi khoảng 1.100 ha cao su để thành lập hai khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn II và Tân Bình giai đoạn 1.

Theo kế hoạch của Hội đồng quản trị công ty, với quỹ đất tiềm năng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trong tương lai, PHR sẽ chuyển nhượng 346 ha cho Dự án Nam Tân Uyên và 691 ha cho Dự án bất động sản công nghiệp VSIP III trong giai đoạn 2020 - 2021.

Mảng khu công nghiệp đang ngày càng đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, năm 2018 và năm 2019, mảng khu công nghiệp lần lượt đóng góp 20% và 57% tổng lợi nhuận gộp của PHR.

Sở hữu vị trí đắc địa gần trung tâm công nghiệp Bình Dương, quỹ đất của PHR từ lâu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ có thể mở rộng đất công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Hơn nữa, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính theo địa bàn đầu tư, 9 tháng năm 2020, Bình Dương là tỉnh thu hút vốn đầu tư đứng thứ 5 cả nước.

Thu hút FDI là một trong những đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đã tạo ra bước đột phá từ Chương trình đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI trong cả giai đoạn.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, Bình Dương đã đạt hơn 10,2 tỷ USD, vượt cả về số vốn FDI thu hút được cũng như thời gian hoàn thành trước một năm so với kế hoạch đề ra.

Trong khi các khu công nghiệp tại phía Nam hiện đang đối mặt với tình trạng đất sẵn sàng cho thuê đang bị thiếu hụt trầm trọng do thời gian phê duyệt dự án chủ đầu tư vẫn còn chậm và còn phụ thuộc vào tiến độ đền bù, tỷ lệ lấp đầy tại Bình Dương lại ở mức cao, duy trì ổn định khoảng 80 - 90% cùng với việc sở hữu quỹ đất khổng lồ xấp xỉ 7.000 ha.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC đánh giá câu chuyện đầu tư đối với PHR là còn nhiều tiềm năng xét trong trung và dài hạn; trong đó, công ty đang xin đầu tư 3 - 4 dự án khu công nghiệp với tổng quy mô 3.000 - 3.600ha trên diện tích trồng cao su mà công ty đang quản lý.

Nếu các dự án này thông qua, PHR sẽ trở thành một doanh nghiệp khu công nghiệp có vị thế và quỹ đất sạch lớn ở khu vực phía Nam. Đây chính là điểm nhấn đầu tư lớn và quan trọng nhất của PHR nhìn trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, xét trong ngắn hạn, công ty cũng có những tín hiệu khả quan như lợi nhuận 2020-2021 ở mức cao; tình hình tài chính tốt; lợi suất cổ tức hấp dẫn 7-9%/năm; triển vọng chung khả quan từ việc phát triển khu công nghiệp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, cổ phiếu của PHR được giao dịch ở mức 55.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 43% kể từ đầu năm./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khi-dai-gia-nganh-cao-su-chuyen-huong-kinh-doanh-bat-dong-san/175695.html