Khi đã thiếu vốn thì lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất với các SME

Trong khi giới chuyên gia đã chỉ ra một loạt khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong việc tiếp cận tín dụng thì bản thân các doanh nghiệp nhấn mạnh rằng khi đã thiếu vốn thì lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất đối với các SME.

Đề cập tới những khó khăn đối với các SME trong việc tiếp cận tín dụng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: Một thực tế ở Việt Nam thể hiện trong taất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta, là ưu tiên số một dành cho doanh nghiệp (DNNN). Các ngân hàng cũng vậy, kể cả ngân hàng cổ phần, ngân hàng tư nhân thì khách hàng là DNNN vẫn là khách hàng rất lớn bởi vì họ có những bảo lãnh của Chính phủ, hoặc tham gia những dự án của Chính phủ sẽ làm cho các ngân hàng yên tâm.

"Việc cho một DN lớn vay tiền với một số tiền khổng lồ dù quá trình thẩm định mất thời gian hơn nhưng sẽ đỡ mất thời gian hơn nhiều so với cùng số tiền đó đem cho vay hàng nghìn, hàng vạn DNNVV", nữ chuyên gia phân tích.

Một thực tế khác cũng được chuyên gia Phạm Chi Lan nêu ra đó là "Việt Nam cũng có mức ưu đãi rất cao cho đầu tư nước ngoài và điều này bất công ghê gớm cho các SME".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: TTT)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: TTT)

Ngoài ra, khu vực tư nhân ở Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây lại phân biệt thành 2 khu vực là DN tư nhân rất lớn và DN tư nhân nhỏ. Theo đó đã xuất hiện những đại gia trong DN tư nhân. Độ vênh hay sự khác biệt trong đối xử với DN lớn khu vực tư nhân và DNNVV lại xuất hiện thêm một thứ phân biệt đối xử nữa gây ra những chèn ép đối với DNNVV.

"Điểm chung của DNNVV là như vậy, chưa kể những vấn đề về nội bộ quản trị của nhóm DN này. Bởi vì chúng ta vẫn rất thiếu những nền tảng cơ bản để cho những SME có thể ra đời một cách vững chắc. Ví dụ như được hướng dẫn để hiểu tương đối đầy đủ về một số nguyên tắc cơ bản hoạt động trên thương trường là như thế nào, qua nhưng lớp đào tạo, tập huấn ban đầu cho họ về những kỹ năng kinh doanh. Rồi có một đội ngũ nhân sự được đào tạo ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Tôi nghĩ trong bối cảnh khó khăn chung của DNNVV thì nó tạo thành hạn chế cho họ trong việc phát triển và trong khả năng tiếp cận tín dụng", bà Phạm Chi Lan kết luận.

Tại Việt Nam, điều tra hàng năm cho thấy khoảng 50% DNNVV (trên tổng số 98% DNNVV của nền kinh tế) không tiếp cận với tín dụng ngân hàng. Những DN này tự thấy bản thân không đủ năng lực để đến, họ tìm nguồn khác. Trong số đó cũng có một số DN có khả năng tự có, đủ dòng tiền, nhưng số đó ít lắm, hiếm hơn các doanh nghiệp loại A của ngân hàng.

Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và hóa chất Thăng Long Lê Xuân Tưởng, cho rằng, điều các SME cần đầu tiên là vốn. Có tới 80% số DN phá sản do thiếu vốn, mà khi đã thiếu vốn thì lãi suất không phải vấn đề lớn nhất cho dù giới chuyên gia nhận định lãi suất chập chờn khiến các SME khó lòng đi xa hơn.

“Thời gian đầu khởi nghiệp tôi vay đến 500 triệu đồng với lãi suất rất cao để có vốn, cho nên tôi biết DN mới thành lập thật sự rất cần vốn. Hiện nay, nguồn vốn của công ty hoàn toàn vay ngân hàng, không phải tìm đến tín dụng đen, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV vẫn khó. Có thủ tục cần đến một, hai tuần mới xong. Do đó, tôi mong muốn DN có thêm sự hỗ trợ để tiếp cận vốn nhanh hơn nữa”, ông Tưởng chia sẻ.

Đại diện cho cộng đồng SME, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) khẳng định: Hiện nay, hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng không dễ dàng và đây chính là một trong những khó khăn dai dẳng nhất đối với cộng đồng SME Việt Nam.

“DNNVV không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự án khả thi,… để các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét cho vay. Trong khi đó, các ngân hàng tư duy về tính an toàn cao", Chủ tịch VINASME nêu.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân nêu vấn đề làm cách nào để ngân hàng và DN gặp nhau. Theo ông, ngoài nỗ lực của DN thì các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV. Ngoài ra, các ngân hàng cần chọn lọc DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, và cũng chia sẻ một phần rủi ro với DN.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khi-da-thieu-von-thi-lai-suat-khong-phai-la-van-de-lon-nhat-voi-cac-sme/20190422095048607