Khi đá hóa... tranh

Bắt nguồn từ một ý tưởng và trải qua quá trình tự nghiên cứu, thế là bức tranh đầu tiên làm từ đá granit Bảy Núi của vùng đất An Giang được ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1967, ngụ thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) cho ra đời năm 2006. Tiếp nối những năm sau là các tác phẩm tranh chữ, phong cảnh, chân dung… làm từ đá với 2 gam màu đen – trắng cũng lần lượt hoàn thành.

Ông Nguyễn Hoàng Nam tỉ mẩn thực hiện tranh chân dung Bác Hồ

Người biến những hòn đá cuội lăn lóc bên đường thành những bức tranh đá đặc sắc là ông Nguyễn Hoàng Nam, hiện là thầy giáo dạy nhạc tại Trường THCS Cái Dầu. Vốn là người đam mê nghệ thuật, ngoài chơi nhạc, ông Nam còn sáng tác văn thơ, viết thư pháp… Tuy nhiên, đối với lĩnh vực hội họa thì ông là người “ngoại đạo”, vậy mà những bức tranh đá do ông làm ra lại khiến bạn bè vô cùng kinh ngạc bởi nét sắc xảo, sống động và rất tỉ mỉ.

Kể về quá trình chạm tay vào loại hình nghệ thuật làm tranh đá, ông Nam cho biết: “Tôi luôn băn khoăn vì sao đá của quê mình chỉ được dùng trong xây dựng hoặc làm cối đá, chứ chưa được sử dụng để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Nghĩ vậy, tôi từng thử dùng đá để điêu khắc nhưng không thành công, sau đó tôi tiếp tục tìm hiểu về các sản phẩm nghệ thuật làm từ đá. Cho đến khi nhìn thấy tranh đá quý Lục Yên, tôi nảy ra ý định dùng chất liệu đá An Giang để làm tranh”.

Khi định hình được ý tưởng, ông Nam bắt đầu tìm hiểu phương pháp làm tranh đá nhưng không tìm thấy tài liệu nào hướng dẫn, vậy là ông quyết định tự làm theo cách của bản thân. Tận dụng thời gian nghỉ hè, ông Nam đến rất nhiều nơi ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và TP. Châu Đốc… để tìm nguyên liệu làm tranh.

Ông Nam chia sẻ: “Vì màu sắc đá granit ở An Giang không lấp lánh như đá quý, nên tôi quyết định chọn gam màu trắng - đen làm chủ đạo cho tranh của mình, tuy nhiên để tìm được đá thuần màu đen hoặc trắng không hề dễ dàng. Tôi đến nhiều nơi góp nhặt từng viên đá có màu phù hợp, rồi tự hình dung ra công việc phải làm và chế các dụng cụ phục vụ cho các công đoạn làm tranh”.

Để vẽ một bức tranh đã rất kỳ công, sau khi tìm được những hòn đá có màu ưng ý mang về, ông Nam đập nhỏ đá rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn, dùng rây để sàng phân loại hạt, tiếp đến dùng nước để tẩy sạch hạt đá, đem phơi khô... Ông Nam nhớ lại: “Giai đoạn nghiên cứu làm tranh, ngoài những lúc đi làm nhạc hoặc đi dạy, hầu như cả ngày tôi ở lỳ trong phòng, dồn toàn bộ tâm trí cho việc thử nghiệm những bức tranh đá cuội”.

Đá granit An Giang không có lợi thế về màu sắc, ông Nam bắt đầu bức tranh của mình bằng cách xếp những hạt đá thành những đường nét sáng - tối trên nền bức vẽ do chính ông phác họa. Những hạt đá lớn được dùng làm nền, những hạt nhỏ dùng vào điểm chi tiết của bức tranh, còn hạt mịn màu xám dùng để kết nối chuyển tiếp giữa 2 mảng màu sáng - tối. Tuy nhiên, dù tỉ mẩn bố trí những hạt đá li ti thành hình một bức tranh hoàn chỉnh vẫn chưa thể gọi là thành công, nếu công đoạn đổ keo cuối cùng để cố định đá bị thất bại.

“Cho keo vào để kết dính lớp đá là công đoạn rất quan trọng, thất bại vài lần mới chọn được loại keo phù hợp và rút được kinh nghiệm khi đổ keo. Nếu đổ keo không khéo sẽ khiến lớp đá mịn bị cuốn lại làm lệch đường nét của tranh, nhất là những điểm chi tiết tạo nên độ sống động”- ông Nam chia sẻ.

Sau 1 năm mày mò, những nỗ lực của ông Nam đã được đền đáp, bức tranh đầu tiên hoàn thành được bạn bè tán thưởng. Đến nay, ông đã làm được trên 150 bức tranh đủ các thể loại: chân dung, phong cảnh, tranh chữ... và đã tổ chức thành công 2 lần triển lãm những bức tranh đá. Hiện, tranh chân dung lãnh tụ do ông Nam làm ra có một bức Bác Hồ cùng Bác Tôn được treo trang trọng ở trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Châu Phú, một bức chân dung Bác Hồ được đặt ở Bảo tàng Quân khu 9, một tranh Bác Tôn trưng bày ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Mình).

Ông Nam cho biết: “Trong quá trình làm tranh, bạn bè có gợi ý tôi nên nhuộm màu cho đá để tranh bắt mắt hơn, nhưng tôi muốn giữ màu sắc nguyên thủy vốn có của đá Bảy Núi và làm nên dòng tranh riêng biệt với 2 gam màu sáng - tối. Hơn nữa, trong quá trình tìm kiếm màu sắc của đá, giã nhuyễn đá và phân loại kích cỡ hạt đá, tôi đã thu được trên 20 sắc thái màu sắc, có thể áp dụng cho nhiều đề tài”.

Bằng sản phẩm tranh làm từ đá cuội, ông Nam đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của quê hương An Giang, tạo nên sản phẩm nghệ thuật đặc trưng mang tên tranh đá Bảy Núi.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khi-da-hoa-tranh-a295433.html