Khi cuộc sống đơn giản là cần thiết

Cuộc sống tốt đẹp là cuộc sống đơn giản. Trong số các ý tưởng triết học về cách chúng ta nên sống, thì đây là một ý niệm lâu đời.

Cuộc sống mới trên bờ của cư dân vạn đò sông Hương

Lối sống tối giản đang trở lại

Từ Socrates đến Thoreau, từ Đức Phật đến Wendell Berry, các nhà tư tưởng đã giảng về nó trong hơn hai thiên niên kỷ, và cho đến bây giờ, nó ngày càng thu hút nhiều tín đồ hơn, khi mọi người ngày càng thích nói nhiều hơn về sự tối giản, về việc ít ham muốn và ít đồ đạc hơn.

Oprah Winfrey cũng thường xuyên phỏng vấn những đại diện của cuộc sống đơn giản, như là Jack Kornfield, một giáo viên dạy thiền Chánh niệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một biểu tượng của cách sống chậm lại, cố gắng nhìn vào bên trong, để đạt đến sự tỉnh thức.

Cuộc sống đơn giản không chỉ đẹp, mà nó còn thật sự cần thiết cho tương lai? Nguồn ảnh: Medium.

Cuộc sống đơn giản không chỉ đẹp, mà nó còn thật sự cần thiết cho tương lai? Nguồn ảnh: Medium.

Nhân loại cũng đang cố gắng quay trở lại với những điều cơ bản thời kỳ tiền công nghiệp. Các khóa học thiền và Yoga chưa bao giờ thôi hút khách. Và sống tối giản đang được tôn lên thành một phong cách đáng trân trọng.

Trong phần lớn lịch sử loài người, sự đơn giản thanh đạm không chỉ là một lựa chọn sống, mà còn là điều cần thiết, và vì nó cần thiết, nên đây cũng được coi là một đức tính tốt. Nhưng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, cách mạng công nghiệp và xã hội tiêu dùng, một hệ thống phát sinh từ đây với cam kết tăng trưởng không ngừng và dân số ngày một tăng lên được chúng ta gọi bằng cụm từ "thị trường".

Hệ thống này, với bản chất khuyến khích tăng trưởng vô hạn của nó, kích thích việc mua sắm, bất chấp sự dư thừa nhu cầu. Kết quả là sự mất kết nối giữa các giá trị truyền thống mà chúng ta được thừa hưởng và các "mệnh lệnh" của người tiêu dùng trong chúng ta, vốn đã bị thẩm thấu quá nhiều ý tưởng của nền sản xuất và tiêu thụ hiện đại.

Trong thời kỳ tiền hiện đại, sự khác biệt giữa những gì mà các nhà tư tưởng khuyên nhủ chúng ta và cách ta sống không quá lớn. Giàu có mang lại sự an toàn, nhưng không phải là một sự đảm bảo vững chắc trước những bất hạnh như chiến tranh, nạn đói, bệnh tật, sự bất công và thậm chí là thất thường theo tâm tính của một bạo chúa.

Triết gia khắc kỷ Seneca, một trong những người giàu có nhất thành Rome, cuối cùng vẫn bị bạo chúa Nero kết án tử. Đối với đại đa số dân chúng - bao gồm nô lệ, nông dân và người lao động thủ công, hầu như không có triển vọng tích lũy để chạm đến ngưỡng giàu có.

Trước khi nền công nghiệp, các khái niệm dân chủ đại diện, dân quyền, kháng sinh và aspirin ra đời, chỉ cần sống lâu và không quá đau khổ là đủ để bạn hoàn tất một cuộc đời chiến thắng. Ngày nay, đặc biệt trong những xã hội thịnh vượng, mọi người đều muốn mọi thứ ngày càng tốt lên, và không có giới hạn cho điều này. Sống đơn giản vào thời kỳ này đồng nghĩa với nhàm chán.

Tuy nhiên, dường như sự quan tâm của chúng ta về một cuộc sống đơn giản ngày càng gia tăng, bao gồm cả những nỗ lực khám phá lợi ích của nó. Một phần vô thức, chúng ta tiếc nuối cuộc sống thiếu thốn ngày xưa: những kỷ niệm của thời bao cấp vẫn được nhắc lại đầy trân trọng, con người của quá khứ thường tốt bụng hơn bây giờ, các thế hệ cũ thường giỏi hơn, dù đã phải chịu đựng hoàn cảnh thiếu thốn hơn.

Dường như sống qua một cuộc sống đơn giản (dù bất đắc dĩ đi chăng nữa) cũng làm tăng đức hạnh của con người, trong nỗi hoài niệm sâu sắc về thế giới tiền công nghiệp hoặc tiền tiêu dùng, và sự đồng cảm với lập luận đạo đức cho rằng cách sống đơn giản làm cho chúng ta trở nên tốt hơn. Bằng cách xây dựng cho ta những đức tính tích cực như thanh đạm, kiên cường và độc lập. Hoặc làm ta trở nên hạnh phúc hơn, bằng việc đạt đến bình yên trong tâm hồn và gần gũi với thiên nhiên hơn.

Mâu thuẫn của xã hội hiện đại

Những lý lẽ này tất nhiên nghe vô cùng hợp lý, và bản thân những lập luận đạo đức này của các nhà hiền triết được đa số nhân loại tôn sùng. Nhưng nghịch lý cũng xuất hiện ở đây: hàng triệu người trong chúng ta vẫn khốn khổ vì các khoản nợ, thu nhập và chi tiêu, làm việc ngoài giờ, và phấn đấu 24/7 để leo đến một chuỗi thức ăn cao hơn. Tại sao lại ra nông nỗi này?

Đạo đức giả đang trở thành bản chất của thời kỳ hiện đại. Chúng ta hoan nghênh triết lý thanh đạm nói chung, nhưng đa số bỏ qua thực thi các giới luật của nó trong đời sống cá nhân hàng ngày.

Chúng ta ca ngợi sự giản dị của Đức Giáo hoàng Francis và coi đó là dấu hiệu của đạo đức lẫn sự liêm chính, nhưng đồng thời ta cũng hy vọng và cổ vũ cho bánh xe tăng trưởng kinh tế, vì nó sẽ tạo ra nhiều nhà cửa, xe hơi và các mặt hàng xa xỉ hơn.

Và vấn đề không chỉ là việc làm của chúng ta thường xung đột với tuyên bố về đức tin của ta: tư duy của ta về sự đơn giản cơ bản là không nhất quán. Chúng ta lên án sự lãng phí, cho nó là vô vị, nhưng đồng thời cũng ngợi ca những tượng đài về sự ngông cuồng trong quá khứ, như là Tử cấm thành ở Bắc Kinh hay cung điện Versailles, những kiến trúc có vẻ đáng ngưỡng mộ.

Sự thật phũ phàng ở đây là những gì chúng ta hay gọi là "văn hóa" thường được tạo ra từ những khoảnh khắc ngông cuồng xa xỉ.

Và bất chấp việc ngợi ca lối sống đơn giản, các cuộc tranh cãi hiện đại cũng thường cố gắng thuyết phục rằng một người chỉ chọn cách sống đơn giản khi anh ta không còn lựa chọn nào khác, thí dụ: nghèo thì chỉ sống được thế này thôi. Đơn giản không giống như một lựa chọn sống như bao lựa chọn sống khác, vì người ta cho rằng cực chẳng đã mới phải thực hành nó.

Điều này có thể thay đổi, dưới ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thuyết môi trường luận. Khi suy thoái kinh tế xảy ra, như những gì đã diễn ra trong dịch COVID-19 mới đây, chúng ta lập tức nhìn thấy sự bất ổn vốn có trong một hệ thống kinh tế cam kết tăng trưởng không ngừng.

Kết quả là hàng tỷ người đột ngột rơi vào tình huống mà sự đơn giản một lần nữa trở nên cần thiết và giá trị những đức tính liên quan của nó được khám phá lại: chúng ta bắt đầu nói về việc sống chậm lại, tằn tiện, và trên hết, nghĩ cho người khác. Thông qua các ý tưởng quyên góp, từ thiện, và chia sẻ.

Học giả đáng kính người Mỹ Noam Chomsky nói rằng ý tưởng về một nhà nước phúc lợi đến từ một thái độ đơn giản: nghĩ cho người khác. Đồng nghĩa với việc chia sớt bớt nhu cầu của anh lại, để đảm bảo rằng một số đông khác có thể tiếp cận các nhu cầu tối thiểu. Anh sống đơn giản hơn không chỉ vì muốn mài sắc đức hạnh của bản thân, mà còn để san sẻ cho người khác.

Trong các xã hội tư bản mạnh mẽ như Hoa Kỳ, chúng ta đang chứng kiến khoảng cách giữa "có rất nhiều" và "không có gì" lớn chưa từng thấy. Những bất bình đẳng ngày càng gia tăng này đã gợi ý nhiều hơn thái độ phê phán sự ngông cuồng và lãng phí. Khi rất nhiều người còn sống dưới mức nghèo khổ, có điều gì đó rạn nứt trên khuôn mặt sang trọng và xa xỉ của chủ nghĩa tiêu thụ. Sự phân phối của cải chênh lệch khủng khiếp không chỉ đơn thuần là chuyện vật chất, mà nó còn tước đi những cơ hội.

Triết lý của tương lai

Theo Epicurus và các triết gia ủng hộ cuộc sống tối giản khác, con người hoàn toàn có thể sống tốt với các nhu cầu cơ bản được thỏa mãn. Quan điểm này được chứng thực bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow thông qua phát hiện của ông về tháp nhu cầu. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu của cải dư thừa thay vì để phục vụ cho nỗ lực leo lên đỉnh và thậm chí vượt quá tháp Maslow nên chăng cần được sử dụng cho những nhu cầu cơ bản hơn như thực phẩm, nhà ở, y tế, giáo dục, tiện ích và giao thông công cộng, cho số đông với chi phí thấp?

Tất nhiên, những tranh luận kiểu này dễ đặt ra sự khái quát hóa vội vã rằng đây là dạng tư duy Robinhood, với mong muốn "lấy của người giàu chia cho dân nghèo". Nhưng rõ ràng là một khi sự phân hóa giàu nghèo đã đạt mức cực đoan, thì một hình thái phân phối lại của cải cần được tính đến, bao gồm cả đạo đức của những người có điều kiện tiếp cận với của cải và cơ hội hơn.

Trong hai thế kỷ công nghiệp hóa, gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế điên cuồng vừa qua, chúng ta cũng đã khiến sông hồ và biển bị ô nhiễm, làm độc hại bầu không khí, rừng bị chặt phá, không ít thực vật và động vật tuyệt chủng cùng với sự nóng lên toàn cầu. Một cách sống đơn giản hơn có thể là hy vọng tốt nhất của chúng ta hòng hãm phanh và đảo ngược các xu hướng này, bảo tồn các hệ sinh thái mỏng manh trên hành tinh này, cũng là bảo vệ chính chúng ta.

Rất nhiều người vẫn chưa tin vào điều này, nhưng thực tế cho thấy rằng nền sản xuất và tiêu dùng hiện đại có đầy đủ những kẽ hở không bền vững, và rốt cục là đại dịch vừa rồi đã phơi bày rằng nó cũng mong manh như thế nào. Một cảnh huống đòi hỏi chúng ta phải đơn giản hóa mọi thứ. Trong trường hợp này, một truyền thống đáng kính sẽ trở thành thứ chứa đựng triết lý của tương lai.

Ban Cầm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/antg-596184/