Khi CSGT bớt phải ra đường

Việc lắp đặt hệ thống camera ghi lại hình ảnh vi phạm của các phương tiện không những giúp nâng cao ý thức...

Lái xe khách nhà xe Tùng Lâm đã tâm phục, khẩu phục sau khi được CSGT cho xem lại hình ảnh vi phạm (ảnh lớn) Hình ảnh mà cảnh sát ghi lại được của một chiếc xe khách vi phạm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội (ảnh nhỏ)

Lái xe khách nhà xe Tùng Lâm đã tâm phục, khẩu phục sau khi được CSGT cho xem lại hình ảnh vi phạm (ảnh lớn) Hình ảnh mà cảnh sát ghi lại được của một chiếc xe khách vi phạm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội (ảnh nhỏ)

Có thể nói, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera là hình thức công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả về nhiều mặt. Thứ nhất, nó được xem như những “mắt thần” trong việc giám sát vi phạm, nhắc nhở mỗi người tham gia giao thông rằng họ có thể bị gọi lên xử lý vi phạm bất cứ lúc nào. Điều này giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn.

Nên đọc

Theo chân CSGT dùng “mắt thần” bắt xe khách vi phạm

Thứ hai, việc xử phạt qua hình ảnh camera không những khiến người vi phạm tâm phục, khẩu phục mà nó còn giúp hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực, nhũng nhiễu đối với lực lượng chức năng. Thứ ba, việc trang bị các phương tiện, thiết bị hiện đại trong xử lý vi phạm, điều tiết giao thông cũng giúp CSGT bớt phải ra đường quá nhiều như hiện nay. Chúng ta có thể thấy, ở các nước phát triển, CSGT rất ít khi phải ra đường.

Cách làm hiện nay là khi vi phạm được camera ghi lại và truyền về máy chủ tại trung tâm điều khiển giao thông, cán bộ tại trung tâm sẽ trích xuất dữ liệu, đối chiếu với biển số xe để tìm chủ xe vi phạm, gửi thông báo vi phạm bằng văn bản, chuyển xuống cho Công an phường nơi chủ xe cư trú. Hoặc CSGT trực tiếp xử lý “nóng” cũng là một cách làm hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu vừa tiến hành quy trình thông báo như hiện tại, kết hợp với việc công khai, minh bạch các dữ liệu về vi phạm giao thông trên internet, sẽ không chỉ giúp chủ xe kịp thời biết được vi phạm, mà nó thể hiện rất tốt nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn và phát hiện kịp thời”.

Trong tương lai, chúng ta cũng nên có một cơ sở dữ liệu chung của toàn quốc, trong đó có sự phối hợp, liên kết thông tin giữa các lực lượng như: CSGT, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Đăng kiểm VN, sở GTVT các tỉnh... để mọi thông tin đều có thể cập nhật lên đó, giúp người dân truy cập nhanh chóng, dễ dàng.

Đại tá Trần Sơn
Nguyên cán bộ Cục CSGT, Bộ Công an

Văn Huế (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-csgt-bot-phai-ra-duong-d271445.html