Khi COP 24 đưa Hiệp định Paris vào cuộc sống

Sau 2 tuần đàm phán, gần 200 quốc gia trên thế giới cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc chi tiết hơn của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở ra hy vọng thỏa thuận này có thể được thực thi vào năm 2020.

Chủ tịch COP 24 Michal Kurtyka phấn khởi khi hội nghị đạt được thỏa thuận. Ảnh: CNN

Sau các cuộc đàm phán đầy căng thẳng và đứng trước nguy cơ đổ vỡ, Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra tại Ba Lan đã kết thúc với việc các quốc gia đã đạt được thống nhất về lộ trình thực thi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Các nguyên tắc chi tiết hơn được cho là sẽ đưa ra Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết năm 2015 nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất ở mức dưới 2oC so mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch COP 24, ông Michal Kurtyka nói: “Cùng nhau triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là trách nhiệm lớn của các nước. Một chặng đường dài đã qua. Chúng tôi đã nỗ lực nhất để không có ai bị bỏ lại phía sau”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh, các nước cần hành động nhiều hơn nữa và “... khát vọng phải dẫn đường cho các nước thành viên khi họ đang chuẩn bị xây dựng các kế hoạch cắt giảm khí thải năm 2020 nhằm đảo ngược xu hướng hiện nay là biến đổi khí hậu đang tiến nhanh hơn chúng ta”.

Trước đó, đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái đất ở dưới ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính. Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo lộ trình, kể từ năm 2020, các quốc gia sẽ phải, cứ 2 năm một lần, báo cáo về chương trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung được gửi đến Ban thư ký của Ủy ban Khí hậu LHQ, để phân tích và thẩm định. Ngược lại với Nghị định thư Kyoto mà Thỏa thuận Paris kế tục, các quốc gia ít phát triển hơn và các đảo quốc nhỏ, cho dù phải tuân thủ cùng các quy định, nhưng có thể yêu cầu một thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực tài chính cho mục tiêu này.

Cứ 5 năm một lần, căn cứ trên các báo cáo khác nhau này, mà các quốc gia có thể điều chỉnh lại các mục tiêu của mình và nâng cao hơn. Liên quan đến các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa không bảo đảm trách nhiệm pháp lý của mình, đã vừa chấp nhận ghi điều này vào phần chú thích. Quyết định này không làm các nước dễ tổn thương nhất vì khí hậu hài lòng. Tuy nhiên, Thỏa thuận Paris ưu tiên mục tiêu dài hạn. Các quốc gia có thể tiếp tục thảo luận về chủ đề này trong các lần họp tới.

Vẫn chưa đủ?

Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay. Theo một báo cáo của Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 2% so với năm 2017, lên 37,1 tỷ tấn, chủ yếu do gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt.

Các nhà khoa học và ngay cả chính các nhà đàm phán cũng cho rằng, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ không đủ để ngăn chặn ô nhiễm carbon đạt mức nghiêm trọng. Các quốc gia sẽ phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phá rừng để tránh hạn hán, siêu bão, sóng nhiệt và lũ lụt ven biển liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.

Cuối tuần trước, các nhà khoa học bị sốc khi Mỹ, Saudi Arabia, Nga và Kuwait phản đối một báo cáo gần đây của LHQ về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng trong mức giới hạn 1,5 độ C. Báo cáo cho biết thế giới hiện đang hướng tới mức tăng 3 độ C trong thế kỷ này. Và để giữ mục tiêu trước đó thì sẽ cần “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội”. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ sự đồng thuận cơ bản của khoa học khí hậu, đó là con người đang gây ra sự nóng lên của Trái đất bằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Ông Trump từng tuyên bố từng sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris nhằm “bảo vệ nước Mỹ”.

Hội nghị COP 24 diễn ra trong không khí địa chính trị căng thẳng, bất lợi cho vấn đề khí hậu, đặc biệt với sự trỗi dậy của thế đối đầu truyền thống giữa các nước giàu và các nước nghèo. Một số bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề các cơ chế mua bán hạn ngạch khí thải. Brazil đứng đầu nhóm nước ngăn chặn một thỏa thuận trong vấn đề này. Bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán hạn ngạch khí thải có thể sẽ được dời lại để thảo luận vào hội nghị COP 25, dự kiến diễn ra tại Chile vào cuối năm 2019.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_199711_khi-cop-24-dua-hiep-dinh-paris-vao-cuoc-song.aspx