Khi công chúng mất dần niềm tin vào báo chí

Thời gian qua, có rất nhiều tác phẩm báo chí thông tin sai sự thật dẫn đến niềm tin của công chúng đối với các tác phẩm báo chí suy giảm.

Các cơ quan báo chí đang tự đánh mất tiếng nói của mình, đánh mất niềm tin của công chúng. Phải làm gì để lấy lại niềm tin của công chúng?

Các cơ quan báo chí đang tự đánh mất tiếng nói của mình, đánh mất niềm tin của công chúng. Phải làm gì để lấy lại niềm tin của công chúng?

Trong tháng 5 và tháng 10/2016, vụ việc “nước mắm nhiễm Asen”, hay “Cây chổi quét rau”… đã làm xấu hình ảnh của báo chí chân chính.

Bài học cho các nhà báo là rất nhiều, hình phạt từ cơ quan nhà nước cũng có nhưng niềm tin của công chúng đã mất liệu có thể lấy lại?

Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận. Nhưng, điều đó chỉ làm được khi niềm tin vào công chúng vào báo chí còn nguyên vẹn.

Hãy xin lỗi và nhận sai!

Có lẽ việc xin lỗi và nhận sai sau khi đưa thông tin sai sự thật đến với công chúng “chưa” là thói quen của nhà báo hiện nay.

Nếu tìm kiếm cụm từ “nhà báo xin lỗi vì sai lầm” trên công cụ tìm kiếm, kết quả trả về là không có thông tin nào về lời xin lỗi và nhận sai của các nhà báo đưa tin sai sự thật.

Năm 2011, National Public Radio, có trụ sở tại Mỹ, đưa tin nữ nghị sĩ Mỹ Gabrielle Giffords chết do bị bắn vào đầu, sau khi một kẻ tấn công xả súng tại trung tâm mua sắm, nơi bà Giffords đang gặp mặt các cử tri. Thực tế, bà Giffords vào thời điểm đó đang được các bác sĩ phẫu thuật và sau đó bình phục.

"Đây là một lỗi vô cùng nghiêm trọng", Dick Meyer, Tổng Biên tập của NPR viết trên trang web. Ông nói rằng thay mặt cho NPR, "tôi xin lỗi vì sai lầm này với gia đình của nghị sĩ Giffords, với tất cả gia đình của những người bị ảnh hưởng bởi vụ xả súng, cùng các thính giả và độc giả của chúng tôi".

Năm 2014, CNN xin lỗi vì tiêu đề chạy trên màn hình về vụ tấn công ở Israel. Dòng chữ viết rằng "4 người Israel, 2 người Palestine thiệt mạng ở Jerusalem" mà không viết rõ rằng, hai người Palestine chết là những kẻ khủng bố. Việc này khiến nhiều người giận dữ, đặc biêt là từ phía Israel.

"Khi CNN cập nhật thông tin về cuộc tấn công khủng bố vào giáo đường Do Thái ở Jerusalem, thông tin chúng tôi đưa ra không ngay lập tức phản ánh thực tế rằng hai người Palestine chết là những kẻ tấn công. Chúng tôi đã mắc sai lầm và hối tiếc về điều này", CNN đưa ra tuyên bố vài giờ sau đó.

Stephen Gosson từng nói rằng “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng”. Vậy nên đừng đổ lỗi, trốn tránh, hãy xin lỗi và nhận sai!. Sai lầm ai cũng có thể mắc phải, các nhà báo cũng không ngoại lệ. Nhưng đã sai thì phải biết xin lỗi và nhận sai!.

Đề cao lương tâm và trách nhiệm

Từ khi nền báo chí phát triển, dù trong bất kỳ thời đại nào thì báo chí luôn là gạch nối giữa xã hội (xã hội trong nghĩa hệ thống) và công chúng (người đọc). Dù làm bất kỳ nghề gì cũng cần phải có đạo đức. Thiếu đạo đức, hậu quả để lại vô cùng nguy hại.

Ví như bác sỹ thiếu đạo đức, có thể gián tiếp giết chết một người hay vài người. Nghề giáo có thể làm hư hỏng vài em hay vài chục em… Còn nghề báo nếu thiếu đạo đức thì nguy cơ hỏng cả một thế hệ, nhiều thế hệ, làm mất lòng tin vào một chế độ, có khi còn làm lung lay cả cơ đồ để mất đất nước.

Một thông tin sai sự thật có thể đe dọa cuộc sống của hàng nghìn con người. Do đó, chúng ta cần có những hình phạt cứng rắn để có thể làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông nước nhà.

Trong một bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng đã nói: “Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông”. Đúng vậy, rất đau lòng nhưng đây là sự đau lòng cần thiết để làm sạch môi trường báo chí, truyền thông.

Và có thể làm được điều này không chỉ đến từ những nỗ lực của chính phủ mà phần lớn phụ thuộc vào chúng ta, những người làm báo!.

Hồng Anh

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/khi-cong-chung-mat-dan-niem-tin-vao-bao-chi-n5507.html