Khi con tôm 'kêu cứu' ngừng kháng sinh, cá tra 'vạch lỗi' chất lượng

Tôm và cá tra là 2 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, 'tôm kháng sinh', 'cá tra chất lượng thấp' sẽ đánh mất dần thị phần của Việt Nam nếu tình trạng này không cải thiện.

Ảnh minh họa.

Đừng để tôm Việt bị cấm nhập khẩu mới thức tỉnh

Tại bàn tròn thủy sản: “Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam”, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức, ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết tính đến tháng 10/2018, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3,3 triệu tấn, thủy sản khai thác đạt 2,7 triệu tấn. Sản lượng cá tra đạt 01 triệu tấn (tăng 10%) và tôm nước lợ là 600.000 tấn (tăng 3,8%).

Tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2020, sức tiêu thụ tăng lên 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển. Trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ là nơi những cung cấp nguồn thủy sản chính. Việt Nam đang đứng thứ 3 về xuất khẩu thủy sản với tỷ trọng 5% (1,8 – 2 triệu tấn), trong đó tỷ trọng tôm và cá tra chiếm lớn nhất, lần lượt là 41% và 25% tính đến tháng 9/2018.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, tôm sú của Việt Nam đang đứng đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với tổng sản lượng xuất khẩu ra thế giới 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ ngày 31/12/2018, tất cả tôm nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Chính sách mới với nhiều thủ tục, quy định đang đặt ra nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Tương lai tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng chưa rõ ràng ngay cả khi đã đạt tiêu chuẩn MRPL của thị trường này. Tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra thay vì chỉ 30% như thường lệ. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo việc dư lượng nitrofurans trong tôm.

Đang vào dịp lễ lớn tại các quốc gia Châu Âu (EU) và Mỹ… nhu cầu về thủy sản của các quốc gia này sẽ rất lớn theo chu kỳ hằng năm. Làm sao để con tôm Việt Nam vẫn xuất khẩu được giá là bài toán đặt ra.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, người nông dân nên không nuôi tôm có dư lượng kháng sinh. “Đừng để đến khi Mỹ và EU cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì kháng sinh thì chúng ta mới thức tỉnh”, ông Quang cảnh báo.

Ông Quang cũng cho biết nếu người nông dân cứ nuôi tôm với kháng sinh sẽ phải mất chi phí kiểm định, đẩy giá thành tôm lên cao. Tôm phải kiểm định kháng sinh nhiều lần, trước thu hoạch, khi thu hoạch, khi về nhà máy và cả khi xuất khẩu. Chi phí kiểm định kháng sinh tôm tại Minh Phú là 9.000 đồng/kg. Nếu nuôi tôm không sử dụng kháng sinh sẽ có giá tốt hơn. Minh Phú phải tự kiểm soát khi đầu tư thêm 3-5 phòng kiểm định, nếu không làm quyết liệt thì tình trạng kháng sinh trong tôm lại tăng cao.

“Thực ra, kháng sinh không có tác dụng nhưng người dân lại sợ nên cứ trộn kháng sinh vào thức ăn của tôm”, ông Quang nói.

Vấn đề nữa là màu sắc của tôm nuôi Việt Nam có màu hồng nhạt, kém sắc so với màu đỏ của tôm Ấn Độ và Thái Lan. Về size tôm, người nuôi chỉ nuôi tập trung ở mức size 50-70 con/kg và thu hoạch 01 lần trong khi nhu cầu thế giới rất đa dạng… Thị trường EU có nhu cầu size nhỏ từ 40-70 con/kg, Tập đoàn Walmart (Mỹ) có nhu cầu mua tôm ở size 40-60 con/kg với số lượng rất lớn mà chúng ta lại không đủ cung cấp, dẫn tới tình trạng “thiếu mà thừa”.

“Thị trường tôm càng xanh rất lớn, Minh Phú rất muốn xuất khẩu tôm càng xanh khi có doanh nghiệp đặt hàng tới 5.000 tấn nhưng đành chịu, vì phải làm sao tôm càng xanh không nhiễm kháng sinh trong khi không kiểm soát được tình trạng nuôi. Nếu 01 lô hàng tôm càng xanh của Minh Phú bị lỗi nó sẽ ảnh hưởng tới tất cả các loại tôm khác đang xuất khẩu của Minh Phú”, ông Quang nói.

Các đại biểu tham dự bàn tròn "Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng Việt Nam" - Ảnh: BizLIVE.

Thị phần cá tra sẽ giảm nếu không tăng chất lượng

Mặc dù, năm 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra đạt trên 2 tỷ USD, với dự kiến đem về cho Việt Nam từ 2,1 – 2,2 tỷ USD, đây cũng là năm đầu tiên trong 30 năm qua, cá tra tăng ngoạn mục về giá. Hiện thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất là trung Quốc (24%), Mỹ (23%), EU (11%), ASEAN (9%)…

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT, CTCP Vĩnh Hoàn, thị trường xuất khẩu cá tra vào EU đang sụt giảm so với trước, nhưng Anh là quốc gia vẫn tăng trưởng nhập khẩu cá tra Việt Nam dù đây là thị trường khó nhất trong khu vực (hàng nhập khẩu vào Anh phải là hàng tự nhiên, đảm bảo an sinh và cộng đồng rất cao). Do đó, không có lý do gì cá tra Việt Nam không khôi phục được thị trường EU.

Giá cá tra vẫn tăng đột biến trong năm 2018 đã khiến các quốc gia khác tham gia nuôi trồng cá tra, thậm chí có những nước không có sự khuyến khích của Nhà nước nhưng các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đầu tư nghiên cứu nuôi cá tra (họ đã có những chuyến tham quan mô hình của Việt Nam). Làm sao cá tra Việt Nam khác cá tra của Ấn Đô, Indonesia… “Hiện cá tra của Việt Nam đang xuất khẩu sang 130 nước, nếu không giữ thị phần sẽ tạo cơ hội cho các nước khác thâm nhập. Chiến lược là giảm giá cá tra một chút để đánh chiếm thị phần vì cá tra cho lợi nhuận rất cao”, bà Khanh nói.

Theo bà Khanh, tại thị trường Mỹ, các khách hàng có thông điệp nếu giá cá tra cao hơn nữa thì họ sẽ mua cá Cod có giá thấp hơn sẽ khó cạnh tranh cho cá tra, trong khi dự tính dự tính sản lượng cá tra năm nay sẽ tăng 1,3 tấn so với năm 2017 và kim ngạch xuất khẩu dự kiến thu về 2,1 tỷ USD.

Ngày xưa, thịt cá tra có màu hồng đậm hay màu vàng chứ không trắng như hiện nay. Việt Nam có thiên nhiên thuận lợi cho thịt cá tra nuôi có màu trắng được thị trường ưa chuộng, trong khi Thái Lan thịt cá tra bị ngả vàng.

“Cá tra dễ nuôi và là giống quý, hiện chúng ta còn nhiều không gian để mở rộng, Trung Quốc cho rằng Việt Nam mới chỉ “đi” được 50%, nhưng tôi cho rằng Việt Nam chưa “đi” được đến 50% không gian nuôi trồng cá tra. Chúng ta cứ nghĩ chúng ta độc quyền về cá tra thịt trắng, giờ nên xem lại. Sự cạnh tranh bây giờ khốc liệt hơn, ai là người đi trước về cải tiến công nghệ thì sẽ có lợi thế”, bà Khanh nhấn mạnh.

Theo bà Khanh, để tăng thị phần xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cần phải có quy hoạch định hướng theo nhu cầu thị trường, không phải cứ lúc giá cá lên thì lại đào ao nuôi. Nếu không cân đối được thu hoạch đều đặn trong năm thì chiến lược phải có kế hoạch dự trữ cho chế biến. Có thương hiệu lớn cho thủy sản Việt Nam cũng như nói không với chất lượng thấp, có quỹ cho phát triển ngành cá tra.

Trả lời những đề nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đầu ngành, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết nhiều trại tôm nhỏ trốn kiểm định dù doanh nghiệp lớn làm rất bài bản. Năm tới, Bộ NN&PTNT sẽ thử nghiệm về báo cáo điện tử cho các trại giống… chỉ những trại nào đủ điều kiện mới cho cung cấp tôm giống, rõ ràng về chất lượng, không lẫn lộn. Bộ cũng sẽ cho thử nghiệm nuôi tôm trên biển, trước tiên sẽ thử nghiệm ở 1-2 tỉnh và đưa ra cơ chế, chính sách cho phù hợp. Còn về việc tạo ra một thương hiệu lớn cho thủy sản Việt là vấn đề khó.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang cho biết Minh Phú đang cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu Tôm sú Việt Nam theo tiêu chuẩn gọi là “công nghệ 234” (2 không; 3 chứng nhận và 4 trách nhiệm).

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/khi-con-tom-keu-cuu-ngung-khang-sinh-ca-tra-vach-loi-chat-luong-3481031.html