Khi con người hư hỏng…

Phương thức tiêu dùng trong nhiều năm trở lại đây của cư dân đô thị cho thấy đa số đã thay đổi thói quen từ việc sửa chữa đồ cũ sang mua sắm đồ mới. Gia đình nào đó có chiếc nồi cơm điện, thậm chí là chiếc ti vi hay tủ lạnh bị hư hỏng, người ta sẵn sàng mua cái mới về thay thế. Những cửa tiệm sửa chữa đồ gia dụng - mô hình rất được ưa chuộng suốt thế kỷ trước, theo thời gian cứ vắng bóng dần. Đứng ở góc độ kinh tế, việc chăm mua sắm đồ mới là thúc đẩy tiêu dùng, một trong ba chiều kích để tăng trưởng GDP.

Ừ thì khi vật dụng hư hỏng, người ta có thể bỏ đi, thay bằng cái mới. Chứ khi con người hư hỏng, từ mức độ nhẹ cho đến nặng, xã hội vẫn phải sử dụng. Việc sử dụng ra sao đối với những con người đã bị hư hỏng là một vấn đề lớn. Trách nhiệm ấy thuộc về ai cũng không dễ dàng quy thuộc, thậm chí, thế nào là hư hỏng cũng không đơn giản phân định. Vì con người là một phức thể, hình thành và tạo nên nhiều mối quan hệ chằng chịt. Ngành tâm lý học đã kết luận, trong nhóm xã hội gồm toàn phần tử xấu vẫn có thiểu số tốt, ngược lại, trong nhóm xã hội tốt vẫn có phần tử xấu. Tốt và xấu không mang giá trị tuyệt đối và có thể chuyển hóa. Cách thức chuyển hóa ra sao tùy thuộc vào từng đối tượng và phương pháp. Nói chung, con người phàm chưa đánh mất hình hài thì vẫn còn giá trị sử dụng. Ở điểm này, con người khác đồ vật.

Trong những lĩnh vực lấy con người làm đối tượng sửa chữa có tôn giáo, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... Trước đây, các lĩnh vực này thường tách biệt nhau, nay có xu hướng kết hợp hướng tới mục đích kiện toàn thân, tâm con người.

Nếu như đồ vật hư hỏng trên phương diện cơ học thì con người lại bị hư hỏng về mặt đạo đức. Không ai phê phán một người bệnh là hư hỏng cả, mặc dù xét về thể lý, họ đang lâm vào tình trạng hỏng hóc. Đứng ở góc độ này, mọi sinh thể đều tuân theo quy luật tự nhiên. Còn về mặt đạo đức, có người cơ thể khỏe mạnh nhưng tinh thần bệnh hoạn, nhân cách méo mó, hành vi suy đồi, thậm chí sẵn sàng phương hại người khác.

Trong quan hệ kinh tế, thương mại hay dân sự, hệ chuẩn mực pháp luật thường được lấy làm căn cứ ràng buộc hành vi con người. Nhưng trong đời sống xã hội, người ta có xu hướng dùng hệ chuẩn mực đạo đức để phán xét, đánh giá phẩm chất, nhân cách con người. Chúng ta sẽ không ngần ngại huy động rất nhiều tính từ để đánh giá con người về phương diện đạo đức, như xảo trá, quỷ quyệt, lừa đảo, phản bội, tham lam, bất lương, độc ác, tàn bạo...

Xét ở khía cạnh đạo đức, con người rất dễ phạm sai lầm, từ mức độ nhẹ đến tình trạng nặng. Ở mức độ nhẹ (như ích kỷ, tự cao, hẹp hòi...), người ta có thể tự uốn nắn, sửa chữa để chuyển hóa. Còn khi con người đã hư hỏng ở mức độ nặng (như tàn bạo, ác tâm, vô nhân tính...) thì có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi, những vi phạm đạo đức có thể đi từ quan hệ giữa người với người trong phạm vi đạo đức đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong phạm vi pháp luật.

Lê Hải Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279950/khi-con-nguoi-hu-hong%E2%80%A6.html