Khi con gái rượu viết văn tả bố cãi mẹ như ... chém chả

'Đời này nhất định phải đẻ được một cô con gái' mà các ông chồng thường nói với nhau, hóa ra là để ứng dụng trong trường hợp này...

Người xưa vẫn thường bảo nhau rằng 'Khi đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ', cấm có sai bao giờ. Nếu bạn muốn nghe đánh giá, suy nghĩ về một sự việc theo hướng khách quan, đôi khi phũ phàng và thật thà nhất, hãy hỏi đám trẻ nhà mình.

Qua lăng kính trong sáng, trẻ em sẽ cho bạn thấy thế nào là... sự thật mất lòng. Cũng nhờ sự ngây thơ ấy, không ít ông bố bà mẹ rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi bị chính con nhà mình tố cáo. Biết bao nhiêu tật xấu mà bản thân mất công che giấu bao lâu nay, cuối cùng lại bị con cái công khai sạch sành sanh chỉ qua một bài văn tả siêu thực này.

Bài văn tả bố chỉ ngắn gọn vài dòng. Ấy thế mà ai đọc qua cũng phải bật cười vì cô nhóc này dũng cảm quá. Bao nhiêu khả năng liên tưởng đều bay đi đâu hết, chỉ còn lại những dòng văn trần trụi có sức 'đả kích' bố cực cao. Nguyên văn bài tả như sau:

'Nhà em có nuôi một ông bố. Bố em tên là Nguyễn Đức Cảnh, bố 35 tuổi. Bố em rất đẹp trai, mũi lợn, mồm rộng, mắt híp. Bố em rất giỏi, làm ba việc một lúc. Bố vừa đi vệ sinh, vừa xem điện thoại, vừa hút thuốc lá. Ở nhà bố cãi mẹ như chém chả. Bố cũng nấu cơm giúp mẹ. Ăn xong bố cũng thích rửa bát. Bố trồng một vườn hoa hồng rất đẹp để tặng mẹ. Bố bảo mẹ em phúc mười đời mới lấy được bố. Bố dạy em học, đi xe đạp, thả diều. Em yêu bố em.'

Có thể thấy, mọi sự việc xảy ra quanh gia đình mình đều được cô bé này thu lại hết qua lăng kính ngây thơ. Chẳng có những mĩ từ tâng bốc, cũng chẳng có phép so sánh, ẩn dụ, hoán dụ tinh tế, cô bé thấy gì viết nấy.

Từ việc 'bố cãi mẹ', 'vừa đi vệ sinh vừa xem điện thoại', lại hay 'hút thuốc lá'... Có bao nhiêu thói quen xấu mà bố vô tình bộc lộ, cô bé đều thu hết vào phạm vi quan sát của mình. Có bao nhiêu lời mẹ trách móc bố, bố tranh thủ 'cà khịa' mẹ, cô bé cũng nghe chẳng sót từ nào. Này nhé, 'cãi như chém chả', rồi 'phúc mười đời mới lấy được bố' v.v chính xác là cuộc hội thoại của cha mẹ chứ ở đâu.

Dù cô bé tả thực bố với toàn những chi tiết 'trời ơi đất hỡi' nhưng ở cuối đoạn văn, em vẫn không quên câu 'Em yêu bố em' đầy thật thà mà chẳng hề mang tính văn mẫu. Bởi dẫu tả bố 'mũi lợn, mồm rộng, mắt híp', nhưng với em, bố vẫn thật đẹp trai.

Bố làm ba việc chẳng hề liên quan tới nhau cùng một lúc, nhưng với em, bố vẫn giỏi nhất. Ngày nào bố cũng cãi ngược lại ý vợ, nhưng bố vẫn thương vợ cực kì. Bố nấu cơm, thích rửa bát, lại trồng một vườn hoa hồng rất đẹp để vợ vui lòng. Hơn cả, bố còn luôn quan tâm tới em, dành thời gian dạy em học, đi xe đạp và thả diều nữa. Nếu cô bé không yêu bố, chắc hẳn sẽ không muốn viết ra những câu văn 'trần trụi' này.

Sau khi đọc bài văn, nhiều người không khỏi bật cười trước những dòng suy nghĩ 'không sai hiện thực tới nửa lời' của bé gái này.

'Đọc lần đầu, thấy ngay là con gái đang nói xấu bố rồi. Nhưng đọc lần hai mới giật mình. Ơ kìa, nói xấu đâu mà nói xấu. Cô bé còn đang khoe bố mình đẹp trai, đa năng, thương vợ thương con kia kìa. Khoe gì mà khoe khéo thế, làm các cô các chú bây giờ còn phải xách dép cho trình độ 'bẻ cua' thượng thừa của học sinh tiểu học.' - Tài khoản Bích Hạnh nói.

'Mẹ em phúc mười đời mới lấy được bố em. Nhưng bố em cũng phúc 70 đời mới sinh được em đó bé ơi. Rõ là tả xấu bố mà đọc lên cứ thấy ghen tị. Bây giờ mình cũng đang mong lấy được anh biết san sẻ việc nhà với vợ đây.' - Tài khoản Hải Yến thích thú nói.

Hiện đoạn văn tả bố đầy trào phúng của cô bé này vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Tuy mang lại nhiều tiếng cười nhưng không ít các ông bố, bà mẹ thừa nhận rằng mình cần phải chú ý tới cách ăn nói, nếp sinh hoạt và ứng xử trước mặt con cái hơn nữa.

Theo Minh Minh/Đất Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/khi-con-gai-ruou-viet-van-ta-bo-cai-me-nhu-chem-cha-1275452.html