Khi cơ quan tố tụng bị mạng xã hội... 'o ép'

Mạng xã hội giờ đây đã trở thành một sức mạnh vô hình có tác động lớn đến nhiều mặt đời sống. Trong đó, cả cơ quan tố tụng đôi khi cũng là 'miếng mồi' của mạng xã hội, chịu những áp lực lớn nghẹt thở. Sự o ép ấy đến từ những người sử dụng bàn phím, vừa vô hình, vừa hữu hình...

Trong vụ án ông Nguyễn Hữu Linh, kết quả xét xử có sự ảnh hưởng không nhỏ từ sức ép mạng xã hội.

Trong vụ án ông Nguyễn Hữu Linh, kết quả xét xử có sự ảnh hưởng không nhỏ từ sức ép mạng xã hội.

Khi mạng xã hội lên tiếng đòi công bằng

Những năm gần đây, mạng xã hội đã dần dà phát triển thành một trong những thế lực thông tin có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Nếu như thế mạnh của báo chí, truyền thông chính thống chính là độ tin cậy, độ chính xác thì mạng xã hội tỏ ra nhạy hơn trong độ cập nhật thông tin. Cạnh đó, còn là ưu thế tương tác rõ rệt giữa các luồng thông tin với nhau.

Đối với mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành một “người viết”, làm chủ thông tin của mình, đưa thông tin đến với người đọc. Và “người đọc” cũng tương tác rất tích cực với thông tin đưa ra, để rồi sau đó trở thành người truyền tin, thành chủ nhân của những bài viết mới.

Từ khi có mạng xã hội, những “tin đồn” không còn mang tính chất của sự truyền miệng mà được cụ thể hóa bằng con chữ, các bài viết rõ ràng. Những con chữ, bài viết này tạo nên một sức mạnh vô hình nhưng lớn khủng khiếp. Nó có thể khiến cho những người làm sai phải xấu hổ, phải xin lỗi, một kẻ gây tội lỗi đang lẩn lút phải đầu thú, khiến cả những người lầm lỡ phải tự sát vì áp lực.

Với những cơ quan tiến hành tố tụng, áp lực ấy cũng là không nhỏ. Không thể phủ nhận, mạng xã hội đã tạo nên nhiều chuyển biến rất tích cực đối với nhiều sự việc sai trái. Nó khiến người ta phản tỉnh, cũng như khiến cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng vì áp lực mà quyết liệt, mạnh tay hơn trong xử trí những vụ việc phạm tội, với cái thước đo “lòng dân”.

Như trong vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em trong thang máy. Phải thừa nhận một điều, nếu như sự việc xảy ra tại một thời kì khác, khi mạng xã hội chưa phát triển, thì câu chuyện chẳng mấy chốc mà “chìm xuồng”. Bởi, một video clip từ camera an ninh ấy rất có thể dẫn đến kết quả là hai bên tự hòa giải với nhau trong im lặng.

Một khi rò rỉ lên mạng xã hội, nó nhanh chóng trở thành một cơn sốt. Bất cứ một người dùng nào cũng trở thành một “người hùng” thấy chuyện bất bình không tha, một “giám sát viên” đòi hỏi phải đưa vụ việc ra xử lý. Rồi bao phân tích, mổ xẻ từng chi tiết của hành vi ông Linh. Khi ấy, vụ việc không thể gói gọn trong “chuyện nhà” nữa, trước sự công phẫn của dư luận, cơ quan điều tra buộc phải có hành động trước hành vi phạm tội.

Chủ tọa phiên tòa khuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo rút lui về chăm sóc con cái phải chăng từ ảnh hưởng thái độ của “cư dân mạng”.

Trong sự việc ông Linh, mạng xã hội theo rất sát sao, từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận, cho đến phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, rồi lần thứ 2 với bao “mũi dùi” sục sôi chĩa thẳng vào cơ quan tố tụng. Cho đến khi, bản án 18 tháng tù dành cho Nguyễn Hữu Linh được công bố, dư luận mới dịu đi trong sự hài lòng rằng “công lý đã được thực thi”.

Cũng tương tự, trong không ít vụ việc, mạng xã hội đã làm được điều mà trước kia khó ai tin được: Vạch trần hành vi sai trái của một số người, gây áp lực để hành vi sai trái ấy phải trả giá đích đáng. Từ những vụ việc nhỏ như tiểu tiện trong thang máy, trộm cắp cây trồng nơi công cộng, cho đến những vụ bạo hành gia đình, lừa đảo…

Những áp lực vô hình

Nhưng, ngoài những áp lực để đòi công bằng đầy tích cực, mặt trái của mạng xã hội là không nhỏ. Dù đa phần không hiểu rõ về luật, nhưng rất nhiều lần, người dùng mạng xã hội dường như muốn trở thành người phán xử thay cho cơ quan tố tụng. Như trong vụ kiện đình đám một thời ông Cao Toàn Mỹ đòi tiền Hoa hậu Phương Nga, cho đến nay, dư luận vẫn không rõ bản chất thực sự của câu chuyện là gì, mà có thể cũng chỉ người trong cuộc mới biết chân tướng sự việc.

Nhưng ở thời điểm vụ việc được đưa ra xét xử, dư luận đặt tình cảm của mình cho Phương Nga - một cô hoa hậu sa cơ lỡ vận. Những thông tin không rõ nguồn gốc, những lời kể của người nhân danh “trong cuộc” đã phần nào định hướng dư luận, biến mạng xã hội thành một “vũ khí” sắc bén tấn công người đâm đơn khởi kiện đòi tiền - ông Cao Toàn Mỹ.

Cơ quan tố tụng cũng đứng trước một áp lực vô cùng lớn khi dư luận hầu hết đứng về một phía, còn chân lý thì quá mơ hồ. Vụ án kéo dài trong 3 năm, với 2 lần trả hồ sơ điều tra, nhiều phiên xét xử sơ thẩm, để đi đến kết quả là đình chỉ vụ án.

Không những thế, tiếp sau đó, cơ quan công an còn tiếp nhận tố cáo từ phía Phương Nga. Cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án ông Cao Toàn Mỹ vu khống theo tố cáo của Trương Hồ Phương Nga. Tuy nhiên, VKS đã hủy bỏ quyết định này. Toàn bộ sự việc, các cơ quan tham gia quá trình tố tụng đứng trước áp lực dư luận rất lớn, liên tục bị ném đá.

Ông Trần Thu Nam, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Cao Toàn Mỹ lúc ấy cũng chia sẻ, áp lực nhất trong vụ án này là từ dư luận: “Dư luận thường quan tâm đến người yếu thế, đến trẻ em, đến phụ nữ, đến người già… có dấu hiệu của sự oan sai thì họ quan tâm đến oan sai. Đôi khi thông tin lan truyền rất phiến diện". Tuy nhiên, vượt qua được những điều này, cơ quan tố tụng đã làm rất tốt công việc của mình, phiên tòa xử Hoa hậu Phương Nga đã được đánh giá là bước tiến trong công tác tố tụng.

Hay tương tự, vụ việc phân chia tài sản ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ thương hiệu cafe Trung Nguyên. Dư luận chia làm nhiều hướng, mạng xã hội bàn luận, tranh cãi đúng sai một cách say sưa. Việc mạng xã hội liên tục theo dõi, cập nhật thông tin, bình luận về phiên tòa đã tạo ra một áp lực không nhỏ đến những người tham gia xét xử.

Và việc Chủ tọa phiên tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên liên tục khuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao công ty cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ quản lý, rút lui về chăm sóc con cái để “sống như bà hoàng” dường như là một hành xử bị tác động từ suy nghĩ, phản ứng của cộng đồng mạng.

Đừng làm thay công việc của cơ quan tố tụng!

Điều đáng nói là người dùng mạng xã hội thường cũng mang nhiều tập tính “a dua”. Nghĩa là trong rất nhiều trường hợp, họ nhận định sự việc theo bề ngoài, theo con mắt người khác, phát ngôn, truyền thông tin không cần phải xét độ tin cậy, đúng sai của nguồn thông tin. Nhiều người tham gia mạng xã hội như những “người mù” bị dẫn đường bởi những kẻ có ý đồ.

Chính vì thế, có những áp lực từ mạng xã hội mang ý nghĩa tích cực, đấu tranh cho sự minh bạch và phát triển, nhưng có không ít vụ việc, tiếng nói của mạng xã hội gây nên sự hoang mang, hoảng loạn, hay những áp lực không nên có đối với cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước. Và cũng không ít lần dẫn đến những hậu quả không hay.

Trong không ít vụ việc, nhiều đương sự có hiểu biết về truyền thông mạng xã hội, có sự “ma lanh” để hiểu đó là một sức mạnh có thể lợi dụng. Thế là, những thông tin mông lung được tung ra, những đương sự, người nhà đương sự, các hoàn cảnh được cung cấp cho dư luận với một kế hoạch đầy tính định hướng.

Nhiều người dùng mạng xã hội thiếu suy nghĩ lao đầu theo… Tất cả gây nên những áp lực đối với cơ quan tố tụng, đối với cả các cơ quan liên quan như báo chí và tổ chức xã hội khác. Cũng không thể phủ nhận, đã có những sự việc mà kết quả xét xử dường như có mang tính chiều lòng dư luận.

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, điều này đã rõ. Quả thật, làm sao để tiếp nhận ý kiến từ mạng xã hội một cách chọn lọc, hiểu được “lòng dân” nhưng cũng phải tiếp cận được sự thật, đảm bảo phán xét công bằng là một câu chuyện không dễ. Nó đòi hỏi ở những người tham gia hoạt động tố tụng bản lĩnh vững vàng, năng lực cao và cả trái tim.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-luat/khi-co-quan-to-tung-bi-mang-xa-hoi-o-ep-497022.html