Khi 'cô hồn sống' trở thành nỗi ám ảnh trong 'tháng cô hồn'

'Tháng cô hồn' là cách mà dân gian thường gọi tháng 7 Âm lịch khi nhà nhà thường cúng cô hồn theo phong tục cho các vong hồn của thập loại chúng sinh. Cũng theo đó trong dân gian từ xa xưa đã hình thành loại sinh hoạt giật đồ cúng cô hồn, hay còn gọi là giật cô hồn.

Cảnh náo loạn ẩu đả, thậm chí dùng cả nón bảo hiểm choảng nhau trong một vụ giật đồ cúng cô hồn (ảnh cắt từ clip).

Giật cô hồn đã bạo lực hóa

Trường hợp em T.H.S (15 tuổi, Quận 10, TP.HCM) bị một thiếu niên 13 tuổi giật cô hồn đâm vào cổ phải đi cấp cứu khi S. đang canh giữ đồ cúng cô hồn tại nhà chỉ là một trong những vụ việc điển hình cho tình trạng bạo lực giật cô hồn hiện nay. Thiếu niên tên Ph. tuy kém S. tới hai tuổi, nhưng sự hung hăng và hành vi bạo lực thì hơn gấp nhiều lần.

Tìm kiếm trên Google, chúng ta sẽ thấy không ít vụ bạo lực trong việc giành giật đồ cúng cô hồn trong những năm qua. Tháng 8.2013, một vụ đâm nhầm người gây tử vong chỉ vì băng nhóm giành giật đồ cúng cô hồn tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM) mà thủ phạm trực tiếp là hai thanh niên tên Tuấn và Tài ở độ tuổi dưới 18. Nhiều clip trên mạng còn ghi lại hình ảnh đám đông tranh giành giật cô hồn tại TP.HCM trong đó điển hình là cảnh cả trăm người tụ tập trước một nhà hàng trên đường Nguyễn Biểu (Quận 5), tranh giành với nhau đồ cúng gồm thịt gà, heo, bánh, hoa quả… Vì giật đồ cúng cô hồn mà đám đông trở nên hỗn loạn, tranh giành, ẩu đả, túm tóc, thậm chí còn dùng cả nón bảo hiểm choảng nhau tơi bời...

Chính vì tình trạng giật cô hồn hiện nay hay xảy ra bạo lực với các băng nhóm nên nhiều gia đình không còn cúng lớn như trước, hoặc cúng trong sân, ngoài hiên nhà nhưng bên ngoài chốt cổng lại. Nhà tầng thì cúng ở trên tầng hai xong mới rải phát đồ cúng xuống dưới cho người ta nhặt. Anh G, cư dân tại một khu lao động của quận Tân Bình cho biết: “Do hay xảy ra giành giật ẩu đả nên giờ nhiều nhà cũng ngại cúng lớn, đặc biệt là không dám rải tiền nữa vì sợ xảy ra đâm chém thì lại liên lụy”.

Nếu so với sinh hoạt giật cô hồn cách đây hàng chục năm về trước thì tình trạng giật đồ cúng cô hồn tại TP.HCM hiện nay hầu hết đã biến tướng thành… “cướp cô hồn” với bạo lực, thậm chí mang theo cả “hàng nóng” như dao, kéo, gậy.v.v…, khi gặp gây hấn từ băng nhóm khác là động thủ ngay.

Băng nhóm chuyên giật cô hồn

Mấy ngày trước, nhà anh G. cũng cúng cô hồn nhưng theo lời anh “chỉ cúng bánh trái qua loa cho đúng phong tục thôi”. “Vậy mà tụi nó cũng rảo đến. Khi phát hiện nhà đang cúng thì tụi nó cắm một đứa ở lại “giữ chỗ”, đứa còn lại chạy xe máy đi kêu cả nhóm đến. Nhóm tụi nó tới đủ đâu bảy, tám đứa chừng 15, 16 tuổi hà. Nhưng tui kê ghế ngồi ở phía trước canh giữ, với lại tụi nó thấy cũng chỉ có bánh trái sơ sài nên không thèm tranh giành”, anh G. kể. Trong khi đó, nhà chị Đ. đối diện, mang gà và thịt heo luộc lên nhà trên mới bày ra bàn chưa kịp cúng, chủ nhà đi vào trong lấy thêm nhang đèn trong khoảng hai, ba phút trở ra thì thịt thà, gà vịt đã bay biến đâu mất.

Theo anh G, những năm qua xuất hiện nhiều băng nhóm chuyên đi giật đồ cúng cô hồn vào dịp tháng 7 Âm lịch hầu hết ở độ tuổi thiếu niên từ 12, 13 đến 15, 16. Nhóm nào cũng có xe máy chở nhau, chia nhau mỗi xe đi rảo một số nơi đặc biệt là những khu vực có nhiều nhà xưởng, khu công nghiệp, chợ búa, tiệm vàng bạc, nhà hàng khách sạn… Khi phát hiện chỗ nào chuẩn bị cúng, một người được cắm lại, người còn lại đi gọi nhóm đến. Anh C, một cư dân gần khu vực chợ Trần Văn Quang (Phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, có một năm tiệm vàng ở xung quanh chợ cúng cô hồn có rải cả tiền. Một trong số những nhóm giật cô hồn có kinh nghiệm đã nghĩ ra cách chuẩn bị trước một cây vợt lưới miệng to bằng cái nón lá mang theo để vợt tiền rải từ tầng hai xuống. Nhóm phân công hai người cầm vợt, những người còn lại vây quanh để hỗ trợ không cho nhóm khác “ghen ăn tức ở” mà xông vào cướp vợt.

Những nhóm giật cô hồn loai choai hiện nay, như trường hợp thiếu niên Ph. đã đâm em S, đa phần là con em dân lao động, ít được học hành hoặc bỏ bê việc học và đi lêu lỏng, thậm chí đi hoang và sa vào con đường hư hỏng. Những món đồ cúng chúng giật được như thịt heo, gà thì bán lại cho dân nhậu với giá chỉ bằng 1/3 giá bán ngoài quán ăn, lấy tiền chia nhau tiêu xài. Trên thực tế thì những thiếu niên này thiếu giáo dục và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không hạnh phúc.

Có lẽ vì tính bạo lực hóa của việc giật cô hồn biến thành “cướp cô hồn” mà hiện nay nhiều gia đình chủ ý đóng kín cửa để cúng, cúng xong những thứ gì dành để cho thì mới rải hoặc phát cho những người đang chờ chực nhằm tránh xảy ra huyên náo, ẩu đả.v.v… Một câu chuyện giật cô hồn đau lòng đã từng xảy ra mà cho đến bây giờ mỗi lần đề cập đến anh G. lại trầm tư: Có một năm, thiếu niên chừng 11, 12 tuổi giật con gà luộc vừa đặt lên mâm còn chưa kịp cúng của một gia đình mà anh G. quen. Bị chủ nhà rượt đuổi ráo riết, thiếu niên hoảng hốt lao ra đường đã bị ôtô đâm và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu...

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/khi-co-hon-song-tro-thanh-noi-am-anh-trong-thang-co-hon-629387.ldo