Khi chủ tịch đi vớt... lục bình

Vớt lục bình đối với bà con nông dân miền Tây từ bao đời chỉ là 'chuyện nhỏ'. Nhưng một khi, đích thân ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng bỏ cả ngày nghỉ cuối tuần để đi chỉ đạo, kiểm tra chuyện vớt lục bình trong tỉnh, hẳn nó đã trở thành 'chuyện lớn'.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đi kiểm tra thực địa công tác trục vớt lục bình tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Tiengiang.gov.vn

Không lớn sao được, khi rất nhiều kênh, mương, sông, rạch trong tỉnh Tiền Giang bị lục bình che kín dày đặc, nước chảy không được, ghe xuồng đi lại càng khó khăn, cá, tôm thiếu không khí để sống, côn trùng gây hại thêm điều kiện phát triển, cảnh quan - môi trường bị tổn hại nặng nề. Nói tóm lại, cây lục bình đang tấn công, đe dọa môi trường sống của người dân Tiền Giang.

Không chỉ Tiền Giang, cây lục bình từ lâu đã là “chuyện lớn” của tỉnh Long An kề bên, nhiều lần chuyện “diệt lục bình” được đưa vào chương trình làm việc của chính quyền tỉnh này. Ngành chức năng tỉnh Long An đã trang bị máy diệt lục bình tiền tỉ. Cây lục bình đã bao đời sống thân thiện với người dân đồng bằng, hoa lục bình tim tím đã đi vào thơ ca, chồi non lục bình dùng nấu canh hay ăn sống với cá kho đều ngon, thân và rễ lục bình dùng ủ phân hữu cơ rất tốt, nhiều mặt hàng gia dụng, hàng thủ công - mỹ nghệ dùng nguyên liệu chính là cây lục bình… Nhưng, trong cuộc sống ngày nay, phân hữu cơ thay vào đó là phân hóa học; đồ nhựa, ny lon thay thế các sản phẩm từ lục bình… Lục bình sinh sôi, phát triển, cho tới khi đe dọa môi trường sống của con người.

UBND tỉnh Tiền Giang mở đợt ra quân cao điểm vớt lục bình trong 2 ngày cuối tuần, do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND tỉnh đã động viên lực lượng tham gia vớt lục bình; lưu ý các địa phương phải đảm bảo an toàn lao động để công việc đạt hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia, trong đó phải có giải pháp để tránh tái diễn tình trạng lục bình phủ dày trở lại.

Một bụi lục bình hôm nay có thể sẽ phủ kín cả mặt kênh rạch vào năm tới. Nếu không tổ chức dọn dẹp ngay từ ban đầu, có thể 1 năm sau, cả địa phương lại phải ra quân vớt lục bình với nhiều tốn kém. Sẽ rất tuyệt vời nếu có 1 dự án nào đó trong tương lai, sử dụng lục bình làm nguyên liệu để chế biến các vật phẩm xanh, phục vụ cho đời sống, du lịch hoặc nông nghiệp... như người dân đã từng làm nhỏ lẻ từ trăm năm qua...

KỲ QUAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/khi-chu-tich-di-vot-luc-binh-618755.ldo