Khi chủ nhà hành xử theo 'luật riêng', tự ý lắp cọc cấm đỗ xe dưới lòng đường

Theo chuyên gia pháp lý, nếu tài xế đỗ xe ở lòng đường vi phạm thì đã có lực lượng chức năng xử phạt, việc người dân hành xử theo 'luật riêng' cần phải xử lý nghiêm.

Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh tình trạng đường ở ngõ 102 phố Ngụy Như Kon Tum (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được lắp đặt nhiều thiết bị chống dừng, đỗ ô tô.

Thiết bị được lắp đặt xuống mặt đường là hệ thống khóa cọc cấm đỗ xe, nằm cách vỉa hè 50-60 cm. Vị trí lắp đặt ở khu vực trước số nhà 16A, ngõ 102 phố Ngụy Như Kon Tum. Cạnh đó, một tờ giấy được in và cắm trên cọc nhựa ghi nội dung: "Vui lòng không đỗ xe trước cửa phòng khám".

Trước đó vào giữa tháng 5, nhiều người cũng phản ánh thiết bị chống đỗ xe trên cũng xuất hiện tại một số trạm sạc xe điện. Khi cần chống đỗ xe, thiết bị sẽ được kích hoạt để dựng đứng thanh ngang.

Cọc cấm đỗ xe được tự ý lắp đặt dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Cọc cấm đỗ xe được tự ý lắp đặt dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho biết: Theo các quy định pháp luật Dân sự, Luật giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi nhận tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng.

Đối với phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người dân là tài sản công cộng, do nhà nước quản lý. Đã là tài sản công cộng thì mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng. Bởi vậy người dân có bất động sản cạnh đường giao thông cũng chỉ có quyền sử dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình như các cá nhân khác trong xã hội.

Hiện nay không có một quy định nào trao cho chủ nhà có quyền ưu tiên khai thác sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình hơn các chủ thể khác. Họ cũng không có quyền ngăn chủ thể khác khai thác sử dụng phần tài sản công này và càng không có quyền chiếm lấy làm tài sản sử dụng riêng, ngăn cản các chủ thể khác trong xã hội khai thác sử dụng.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, hành vi tự ý đặt vật cản, lắp đặt các thiết bị trên đường giao thông còn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 10, điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân.

Nặng hơn hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo điều 261 Bộ luật hình sự nếu hành vi đặt, để chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy mà gây hậu quả chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây Gây thiệt hại lớn về tài sản…

Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cũng chia sẻ, dù pháp luật không có quy định chủ nhà ven đường có quyền sử dụng, khai thác riêng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình nhưng thực tế đã trở thành thói quen của họ.

Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh, mọi ứng xử của người dân trong các quan hệ dân sự dựa trên các quy định pháp luật, trường hợp pháp luật chưa điều chỉnh thì áp dụng tập quán, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là lẽ công bằng.

"Nếu ô tô trèo lên vỉa hè đỗ trước cửa nhà người ta thì sẽ bị xử lý về việc cản trở sự đi lại, vi phạm quyền công dân còn khi tài xế đỗ lòng đường mà vi phạm quy định thì đã có lực lượng chức năng xử phạt. Vì thế người dân không được phép hành xử theo "luật riêng", biến từng đoạn phố thành quyền sử dụng riêng của gia đình", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nhật Tân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//khi-chu-nha-hanh-xu-theo-luat-rieng-tu-y-lap-coc-cam-do-xe-duoi-long-duong-169220809191303397.htm